Dấu hỏi chuyên nghiệp

Việc một số công ty chứng khoán (CTCK) công bố cấp margin cổ phiếu nóng đã khiến không ít nhà đầu tư (NĐT) bất ngờ, nhất là những người có nhiều kinh nghiệm. 

Nói như vậy là bởi vì trong chính sách cấp tín dụng (margin) cho NĐT của các CTCK thì dù có được phép nhưng vẫn có những cổ phiếu (CP) không bao giờ được cấp. Lý do thì có nhiều, nhưng các NĐT có kinh nghiệm hoặc dân chứng khoán “có nghề” đều ngầm hiểu rằng, đây là những CP mang đậm tính đầu cơ, tăng giá theo cung cầu của thị trường và rất ít có yếu tố cơ bản bền vững. NĐT mua những CP này đơn giản với lý do... thấy tăng thì mua và giảm thì bán. Nó khác hẳn với những CP có tính cơ bản, có thể chưa có sóng nhưng NĐT vẫn chấp nhận xuống tiền và nắm giữ trong dài hạn.

Nhưng đó là chuyện của những CTCK lớn, có hệ thống quản trị rủi ro chặt chẽ, hành động quyết liệt. Vẫn có CTCK khác cấp margin cho CP hoặc một số họ cổ phiếu đậm đặc tính đầu cơ. Và có khả năng các CTCK này sẽ bị ảnh hưởng khi nhóm này lao dốc trong hơn một tuần vừa qua. Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao các CTCK vẫn liều lĩnh cấp margin cho “hàng nóng” như vậy? Có lẽ các CTCK cũng suy nghĩ như... NĐT cá nhân, xin nhấn mạnh là như... NĐT cá nhân, rằng mình sẽ... chạy trước người ta. Chỉ có suy nghĩ như vậy mới chấp nhận cấp margin cho cổ phiếu nóng. Tất nhiên chất xúc tác ở đây chính là khối lượng giao dịch rất lớn của các cổ phiếu này, mà nếu không cấp margin thì sẽ mất một khoản lãi vay cũng như khoản thu đáng kể từ phí giao dịch.

Nhưng nếu đặt dưới góc độ quản trị rủi ro, nhất là với các tổ chức đầu tư thì rõ ràng, việc các CTCK cấp margin cho những cổ phiếu nóng, rủi ro như vậy là rất nghiệp dư. Bởi lẽ, trong quản trị rủi ro, những rủi ro thấp nhất cần phải được hạn chế. Trong khi những rủi ro từ cổ phiếu nóng đã hiển hiện như vậy mà vẫn cấp margin thì rõ ràng các công ty chứng khoán đã quá mạo hiểm. Còn trong tình huống nếu CTCK hướng đến việc linh động thì sự linh động này đang phải trả một cái giá rất đắt. Cũng phải nói thêm, trong trường hợp giá trị cổ phiếu giảm mới chỉ âm vốn tự có của nhà đầu tư, chứ chưa âm vốn vay của CTCK chăng nữa thì rõ ràng cũng đã có sự xáo trộn. Bởi lẽ, có thể xuất hiện trường hợp, giá CP hay giá trị tài sản giảm quá một tỷ lệ nào đó, chẳng hạn 20% thì CTCK cân nhắc việc bán ra hoặc NĐT bổ sung tài sản, nhưng hiện tượng CP lao dốc hiện nay là rất khó để thực hiện, như vậy sẽ tạo ra sức ép hệ thống.

Nói tóm lại, dù có quảng bá hay tự hào mình chuyên nghiệp, nhưng rõ ràng vẫn có CTCK bộc lộ những sự nghiệp dư, mạo hiểm. Và điều này dẫn tới những rủi ro, hệ lụy cho chính CTCK về mặt lâu dài.