Cuộc đua lên “tốp”

Thị trường (TT) chứng khoán (CK) Việt Nam vẫn đang được đánh giá là còn nhiều dư địa phát triển. Số lượng nhà đầu tư (NĐT) tham gia TT tăng cao trong thời gian vừa qua đã mở ra cơ hội cho các thành viên trong ngành.

Cơ hội chỉ dành cho sự đột phá

Hai sàn HoSE và HNX đã công bố thị phần môi giới cổ phiếu (CP), trái phiếu quý III/2021, với các gương mặt tốp 10 gần như không thay đổi so quý II.

Trên HoSE, tốp 10 công ty chứng khoán (CTCK) chiếm 67,05% thị phần môi giới toàn TT, tăng 2,01% so cuối quý II. Tốp 5 trong bảng xếp hạng thị phần vẫn là những gương mặt quen thuộc, chỉ có sự thay đổi vị trí thứ 3. Cụ thể, VPS đứng đầu với thị phần 16,5%, tiếp đến là SSI với thị phần 11,58%, VND 7,72%, HSC 6,79%, VCSC 4,9%...

Bảng xếp hạng này có sự ổn định trong khoảng ba đến bốn quý gần đây, cơ hội cho các CTCK khác lọt vào bảng tốp 10 cũng thách thức hơn nếu không có sự đầu tư và chiến lược đột phá. Nếu như trước đây, các CTCK có vốn Hàn Quốc từng tạo ra sự bứt phá về thị phần nhờ tăng vốn mạnh mẽ với chi phí vốn rẻ thì nay, các lợi thế đó không còn quá nổi bật. Vị trí CTCK này trong bảng xếp hạng thị phần có sự trồi sụt.

Trong khi đó, phần lớn các CTCK thuộc tốp 5 thị phần là CTCK trong nước đều đã tăng vốn. Cụ thể, SSI sau tăng vốn đang là CTCK có vốn điều lệ lớn nhất TT. HCM chuẩn bị tăng vốn, còn VND, SHS… đã thực hiện xong, qua đó tăng lợi thế cạnh tranh, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính khi lượng NĐT gia nhập TT vẫn đang liên tục tăng. 

Đích đến là nhà đầu tư

Nghiệp vụ môi giới vẫn luôn là hoạt động cốt lõi của phần lớn các CTCK, nhưng tùy vào mục tiêu hoạt động của từng CTCK để có các chiến lược về thị phần khác nhau. 

Số liệu mới nhất từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tổng dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của các CTCK tính đến ngày 13/9/2021 ước đạt 141.304 tỷ đồng, tăng 74,62% so đầu năm 2021. Với số lượng tài khoản mở mới tăng cao và nhu cầu sử dụng margin lớn hơn, nhiều CTCK đã có kết quả kinh doanh tốt.

Thực tế, giai đoạn vừa qua, khi TT điều chỉnh, giằng co, việc vào sai nhịp đã khiến nhiều NĐT thua lỗ. Nhu cầu gia tăng kiến thức, gia tăng góc nhìn về TT của NĐT ngày càng lớn. Nhiều CTCK đã nhận ra và nhanh chóng tổ chức các chương trình đào tạo thêm kiến thức cho NĐT, tích hợp sẵn trên ứng dụng giao dịch.

Nếu trước đây, NĐT hầu như chỉ được cung cấp các bản báo cáo file mềm thiếu cảm xúc, các video với nội dung không nhiều hữu ích… thì nay, họ có thể tiếp cận và tương tác nhiều hơn các chuyên gia của CTCK thông qua các tọa đàm, hội thảo trực tuyến, với cách tổ chức đơn giản, gần gũi và nội dung bám sát TT.

Cạnh tranh trong ngành CK thời nay khó khăn hơn, vì NĐT có nhiều công cụ để tiếp cận thông tin và kiến thức hơn, nếu chỉ cạnh tranh về giá, phí sẽ không bền. Nhưng điều này không đồng nghĩa là không có cơ hội “mở lối đi riêng” cho một số CTCK.

TTCK Việt Nam vẫn đang được đánh giá là còn nhiều dư địa phát triển, số lượng NĐT tham gia TT tăng cao trong thời gian vừa qua đã mở ra cơ hội cho các thành viên trong ngành. Việc gia nhập của các “tay chơi mới mà không mới” trên TT tiếp tục mở ra các đợt cạnh tranh với nhiều sắc thái.