Chứng khoán “gen Z”

Việc ngày một nhiều nhà đầu tư (NĐT) thế hệ “gen Z”, tức nhóm NĐT sinh từ cuối những năm 90 thế kỷ trước, tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) đã tạo ra nhiều thay đổi đáng chú ý. 

Có thể dẫn chứng trường hợp của Công ty chứng khoán (CTCK) BIDV-BSC, thời gian gần đây đã liên tục “chuyển ngữ” trên báo cáo hằng ngày (daily) của mình từ chuẩn mực (formal) sang xu hướng gần gũi hơn với “gen Z”. Chẳng hạn trong báo cáo daily ngày 12/3, BSC đặt tựa đề là “Đỏ thôi xanh quên đi” phỏng theo câu mà “gen Z” hay sử dụng là “đen thôi, đỏ quên đi”, còn khi nhóm cổ phiếu (CP) ngành chứng khoán tăng giá mạnh thì BSC đúc kết là cổ đông chứng khoán “mang tiền về cho mẹ”, trùng với tựa đề một bài hát đang được giới trẻ yêu thích… 

Sự chuyển hướng khá thú vị của BSC đồng thời cũng nhận được một số ý kiến ủng hộ và cả… phàn nàn từ các NĐT thế hệ 8x trở về trước, nhưng ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích BSC chia sẻ: “Tôi cũng đã cân nhắc rất kỹ nhằm hài hòa việc phục vụ các NĐT. Các báo cáo có hàm lượng chuyên môn cao sẽ được xuất bản hằng tuần, tháng hoặc quý, còn báo cáo hằng ngày thường do các chuyên viên trẻ thực hiện sẽ có tính chất gần gũi hơn. Một điều chắc chắn là thời gian tới, thế hệ “gen Z” sẽ trở thành bộ phận chủ đạo trên thị trường nên cần có chiến lược tiếp cận phù hợp”.  

Chuyên gia tài chính Bùi Đăng Bảo với thâm niên 15 năm tham gia thị trường chứng khoán phân tích: “Thế hệ gen Z hiện nay cũng có nhiều nét tương đồng thế hệ NĐT giai đoạn 2006-2007 với các đặc trưng, trẻ, nhiệt huyết và cả… lãi nhiều, có phần dễ dàng. Đây là quy luật tất yếu của thị trường nhưng cũng chính vì vậy mà sẽ lại xuất hiện những giai đoạn thị trường điều chỉnh, phân hóa và thanh lọc NĐT”. Về lý thuyết mà nói, kinh nghiệm mà nhóm NĐT của giai đoạn 2006-2007 (chủ yếu là 6x, 7x và 8x đời đầu) được trang bị không thể bằng nhóm gen Z hiện nay, do khi đó thị trường còn sơ khai. Nên từ đây có thể kỳ vọng vào việc nhóm gen Z sẽ không mắc một số sai lầm tương tự như thế hệ “tiền bối”.

Dù vậy thì những câu chuyện như mua CP nóng trả giá, hay những chiêu trò làm giá CP, dù được những chuyên gia như ông Bùi Đăng Bảo giảng dạy khá kỹ lưỡng trong các buổi học và thực tế đã diễn ra, nhưng một số NĐT gen Z vẫn xem là… lý thuyết vì diễn biến của thị trường trong ba năm qua ở vào thế lỗ khó hơn lãi, cứ mua là có lời. Một giảng viên chứng khoán chia sẻ: “So các NĐT thời kỳ trước, nhóm gen Z hiện nay có nhiều công cụ trong tay hơn, khi có thể tiếp cận nhiều phương pháp phân tích, các hệ thống sàng lọc, đánh giá… CP. Chính vì vậy, điểm mấu chốt tôi thường hướng dẫn các bạn nằm ở kỷ luật đầu tư, nhất là việc phải chọn lựa những CP có nền tảng cơ bản tốt nhất. Nhưng cũng một số NĐT cho rằng những kinh nghiệm này có phần… lạc hậu, đầu tư phải đặt hiệu quả trên hết. Nhưng dù thị trường có biến thiên như thế nào, thì những quy luật về giá trị cũng không thay đổi. CP tốt, nền tảng bài bản và đầu tư giá trị vẫn luôn có tính bền vững trong dài hạn”.