Cẩn trọng không thừa

Trên thị trường (TT) vừa qua, nhiều thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã thu hút sự chú ý của dư luận không chỉ bởi quy mô “khủng”, lãi suất cao, mà còn đến từ mục đích sử dụng tiền huy động được.

Sau giai đoạn tạm lắng xuống hồi đầu năm 2021, thời gian gần đây, “cơn sốt” TPDN đã tăng nhiệt trở lại khi làn sóng Covid-19 thứ tư bùng phát với nhiều diễn biến phức tạp. Việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài tác động mạnh tới nhiều lĩnh vực, ngành nghề, từ đó ảnh hưởng tới các kênh đầu tư, tuy nhiên, cũng nhờ đó mà TPDN được quan tâm đặc biệt nhờ có lợi suất và thanh khoản cao.

Trong công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch CK Việt Nam, Bộ Tài chính đã lưu ý rủi ro khi DN đẩy mạnh huy động vốn qua kênh phát hành TPDN với lãi suất quá cao.

Thực tế, chỉ tính riêng trong tháng 8/2021, hàng loạt DN bất động sản (BĐS) đã thông báo huy động thành công nhiều nghìn tỷ đồng thông qua kênh TPDN. Lãi suất mà các DN này trả cho nhà đầu tư (NĐT) đều cao hơn đáng kể lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn một năm hiện nay, phổ biến từ 5,5 - 8,9%/năm. Trước đó, bảy tháng đầu năm 2021, đã có tổng cộng 364 thương vụ phát hành trái phiếu riêng lẻ của DN trong nước được thực hiện thành công với tổng giá trị là 225.509 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Fiin Ratings Nguyễn Quang Thuân, việc trái phiếu tiếp tục trở thành kênh huy động vốn quan trọng của DN cho thấy đây là xu hướng phát triển tất yếu của TT vốn, nhưng cũng tồn tại những rủi ro đáng lưu ý. 

Thực tế, trên TT vốn, DN có định mức tín nhiệm cao thì chi phí đi vay vốn thấp và ngược lại. Thế nhưng, cho tới thời điểm hiện tại, công tác đánh giá tín nhiệm DN phát hành TPDN tại Việt Nam vừa yếu, vừa thiếu, khiến NĐT cũng như các bên liên quan gặp khó khăn trong việc nhận diện rủi ro của DN phát hành. Tất nhiên, không phải mọi DN phát hành trái phiếu lãi suất cao đều có nguy cơ vỡ nợ, nhưng trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh như hiện tại, thận trọng với những nguy cơ tiềm ẩn là không thừa.

Cùng quan điểm này, nhiều nhà phân tích kỳ cựu cũng cho rằng, với mức lãi suất hấp dẫn, tính thanh khoản cao, TPDN trở thành kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhiều NĐT cá nhân. Tuy vậy, nếu không hiểu rõ đối tượng đầu tư, việc đầu tư vào TPDN sẽ phải đối mặt những rủi ro. 

Minh chứng là thời gian gần đây, TT xuất hiện nhiều trường hợp DN có vốn điều lệ nhỏ, hệ số nợ lớn, thậm chí kinh doanh thua lỗ… nhưng vẫn phát hành từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng TPDN.

SSI Research thì đưa ra nhận định, rủi ro với TPDN đang tăng lên, khi hiện nay chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ trái phiếu được bảo đảm bằng BĐS, phần lớn còn lại là bảo đảm bằng tài sản là cổ phiếu hoặc… không có tài sản bảo đảm.

Về vấn đề này, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Phó Vụ trưởng Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương cho biết, TT TPDN thời gian tới có thể sẽ rủi ro hơn vì DN đang ngày càng khó khăn sau làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư. Bộ Tài chính đã yêu cầu UBCKNN và Vụ Tài chính ngân hàng tăng cường giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các DN quy mô nhỏ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng.