Cẩn trọng “game” thoái vốn

Những cổ phiếu (CP) như: FPT, VCG, SAB… đang là tâm điểm của thị trường (TT) khi Nhà nước đã chuẩn bị phương án thoái vốn ở những doanh nghiệp này.

Cẩn trọng “game” thoái vốn

Diễn biến chung của nhóm CP tâm điểm nêu trên trong thời gian qua là… tăng giá. FPT là trường hợp tiêu biểu nhất khi chỉ hơn nửa tháng CP này đã tăng giá đến gần 20%, từ mức dưới 50.000 VND/CP lên gần 60.000 VND/CP. FPT vốn là CP không có biến động mạnh nên việc tăng giá như vậy cho thấy sự kỳ vọng rất lớn của TT dành cho CP này.

Một trường hợp cũng tạo ra sự phấn khích không kém cho nhà đầu tư (NĐT) là VNM, khi CP này cũng chỉ cần khoảng chục phiên để tăng từ 150.000 VND/CP lên 180.000 VND/CP. Hoạt động thoái vốn của Nhà nước tại VNM đã diễn ra trong những năm qua và luôn nhận được kỳ vọng. Nhiều NĐT xem đây là cơ hội để CP có sức bật, qua đó TT cũng được hưởng lợi cả về mặt điểm số lẫn thanh khoản.

Hiệu ứng thoái vốn kết hợp một giai đoạn thuận lợi của TT sẽ tạo ra những đòn bẩy tích cực, sinh ra cơ hội tìm kiếm lợi nhuận (LN) cho NĐT và được dân chứng khoán gọi bằng cụm từ “game” thoái vốn.

“Game” thoái vốn không xa lạ gì trên TT và đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Kỳ vọng tích cực là TT có thêm hàng hóa và các ngành nghề cũng được tái cấu trúc để vận hành hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khi “thực chiến” trên sàn, việc phán đoán các “game” thoái vốn như thế nào mới quyết định khả năng có được LN của NĐT. Trong nhiều trường hợp, do thiếu cẩn trọng hoặc “bồng bột” NĐT vẫn phải chịu lỗ khi CP được thoái vốn và giá vẫn tăng.

Hãy bắt đầu với trường hợp của FPT, câu chuyện thoái vốn mới chỉ được TT bàn luận nhiều nhất khi CP này vượt ngưỡng 55.000 VND/CP. Trước đó, mặc dù có một số nhận định xuất hiện, nhưng tại vùng giá 50.000 VND/CP, nhiều công cụ phân tích chỉ đưa ra khả năng FPT cùng lắm lên được 54.000 VND/CP rồi lại điều chỉnh như những lần trước. Nhưng trên thực tế FPT lại vượt qua ngưỡng 55.000 VND/CP một cách dễ dàng và ngay lập tức một công ty chứng khoán đưa ra nhận định giá trị của CP này thậm chí có thể lên đến hơn 70.000 VND/CP.

Từ đó có thể thấy, các yếu tố hỗ trợ cũng như công cụ phân tích chỉ mang tính tương đối để tác động lên giao dịch của NĐT. Mấu chốt của giá CP nằm ở cung cầu. Và mặc dù cùng “game” thoái vốn, nhưng giá mỗi CP mỗi khác, và thậm chí đường đi của CP trong từng giai đoạn cũng khác nhau. Nếu như VNM tăng một cách mạnh mẽ thì một số CP dược lại có xu hướng tăng chậm và chắc, nhưng có điểm chung là những phiên tăng từ 5% trở lên khó có thể diễn ra quá 2-3 phiên. Hoặc như trường hợp của FPT, mặc dù vượt được 55.000 VND/CP nhưng khi lên đến ngưỡng 59.000 VND/CP thì lập tức lượng chốt lãi bán ra cực mạnh đẩy giá CP giảm trở lại.

VN Index đã chạm ngưỡng 900 điểm và giá của nhiều CP vẫn theo rất sát diễn biến của chỉ số này. Vì vậy, nhiều khả năng TT sẽ có những phiên điều chỉnh, buộc giá CP cũng phải điều chỉnh theo. Có thể giá CP vẫn trong xu hướng tăng nhưng trong ngắn hạn vẫn điều chỉnh và nếu NĐT không kiên trì nắm giữ thì việc phải bán giá thấp rồi mua lại giá cao rất dễ xảy ra.