Bản chất của cổ tức cao

Dù chỉ mang tính tương đối, nhưng tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt từ 40%/mệnh giá trở lên thường được đánh giá là cao và có thể tạo ra nhiều lợi ích cho doanh nghiệp (DN) niêm yết, cổ phiếu (CP) hay nhà đầu tư (NĐT).

Bản chất của cổ tức cao

Từ thu nhập…

Cần nhấn mạnh, tỷ lệ chia cổ tức được tính theo mệnh giá 10.000 đồng chứ không phải thị giá và vấn đề được đề cập dưới đây là cổ tức bằng tiền mặt chứ không bàn đến cổ tức chia bằng CP. Những NĐT chưa có nhiều kinh nghiệm rất dễ bị nhầm lẫn vấn đề này và cứ thấy vài chục % là nghĩ cổ tức cao và dễ có những giao dịch không thật sự chuẩn xác. Đơn cử, CP A nào đó có thị giá 100.000 đồng/CP và tỷ lệ chia cổ tức là 50% mệnh giá, như vậy NĐT nắm giữ A sẽ nhận được 5.000 đồng cho mỗi CP mà mình sở hữu. Trong trường hợp NĐT kể trên mua A với giá 50.000 đồng/CP thì tỷ suất sinh lời cổ tức/thị giá tương ứng sẽ là 10%, cao hơn so gửi tiết kiệm, nhưng nếu NĐT phải mua với giá 100.000 đồng/CP thì suất sinh lời cổ tức/thị giá sẽ chỉ là 5%.

Vì vậy, phải lấy cổ tức (chứ không phải tỷ lệ) so thị giá mới có cái được nhìn toàn diện nhất. Thực tế, chỉ những NĐT mua CP từ khi công ty mới thành lập, với giá bằng mệnh giá hoặc cao hơn đôi chút, mới là người được hưởng lợi nhiều nhất, và cổ tức mới tạo ra một dòng thu nhập vừa cao vừa ổn định. Trong trường hợp phải mua theo thị giá cao thì cổ tức lúc này khó lòng tạo ra những khoản thu nhập dài hạn mà chỉ là chất xúc tác để NĐT có lợi nhuận từ chênh lệch giá.

… đến tăng trưởng

Hàng không là nhóm CP được đánh giá có tỷ lệ chia cổ tức ở mức cao, thường quanh ngưỡng 50% thậm chí 100%, tức là sở hữu CP hàng không thì thu về cổ tức có thể lên đến 5.000-10.000 đồng/CP. Nhưng nếu ở thời điểm hiện tại tìm được CP hàng không để mua vào và hưởng cổ tức trong dài hạn xem chừng không đơn giản, bởi lẽ thị giá của nhóm CP này thường khá cao, khi từ mốc 50.000 đồng/CP trở lên hoặc lên đến hàng trăm nghìn đồng cho mỗi CP. Khá nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng không làm ăn hiệu quả, có tốc độ tăng trưởng tốt, nên kỳ vọng dành cho CP là rất lớn và điều này đẩy giá CP có thể tăng cao trong cả ngắn lẫn dài hạn. Trong trường hợp này, cổ tức không đóng vai trò tạo ra thu nhập (vì khi lấy cổ tức chia cho thị giá sẽ cho ra tỷ suất thấp) mà là chất xúc tác để giá CP tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Đơn giản là cổ tức cao thì DN tăng trưởng tốt, kỳ vọng lớn dẫn đến giá CP tăng. Ngoài CP hàng không, CP Vinamilk (VNM) cũng là minh chứng điển hình cho mẫu hình cổ tức cao - tăng trưởng tốt - kỳ vọng lớn, vì cổ tức hằng năm của VNM cũng rất cao, nhưng chia cho thị giá lên đến 200.000 đồng/CP thì suất sinh lời… lại là thấp. Kỳ vọng VNM tăng trưởng mạnh trong cả ngắn lẫn dài hạn khiến cho mỗi khi thông tin về cổ tức của VNM xuất hiện, thường xuất hiện một đợt sóng tương ứng. Việc xem cổ tức cao là động lực để CP tăng giá cũng chứa đựng rủi ro, bởi tùy vào đặc tính của từng CP, có những CP tăng giá trước khi tin cổ tức xuất hiện, nhưng cũng có CP sau khi công bố cụ thế giá mới tăng và NĐT cần thận trọng để tránh rủi ro ngắn hạn.