Ẩn số “siêu” thanh khoản

Hiện, một trong những điểm tích cực nhất và là lực đẩy quan trọng của thị trường chứng khoán (TTCK) chính là thanh khoản. Điều này được biểu hiện thông qua giá trị giao dịch (GTGD) hoặc khối lượng giao dịch (KLGD) luôn ở mức “khủng”. 

Chỉ tính riêng GTGD khớp lệnh tại sàn HoSE những ngày qua, đã có một loạt phiên giao dịch đạt từ 7.000 tỷ đồng trở lên, tương đương những giai đoạn “hoàng kim” của TTCK. Nhưng không chỉ có vậy, “siêu” thanh khoản cũng chứa đựng những thách thức dành cho nhà đầu tư (NĐT).

Thử bắt đầu với trường hợp của DBC, một trong những “siêu” cổ phiếu (CP) của năm 2020 khi đã tăng hơn ba lần sau hơn nửa năm. Nửa tháng trước, DBC còn có giá hơn 48.000 đồng/CP, nhưng đến cuối tuần qua đã có lúc giảm xuống 39.000 đồng/CP, nghĩa là chỉ trong khoảng thời gian ngắn đã có thể “đứt” gần 10.000 đồng (hay còn gọi là 10 “giá”). Thanh khoản của DBC, dù vẫn cao, với hàng triệu CP cho mỗi phiên giao dịch, nhưng so giai đoạn tăng mạnh thì đã thấp hơn. Có ý kiến cho rằng, giá thịt lợn giảm đã tác động đến kỳ vọng của NĐT vào một doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lợn như DBC nên giá CP giảm là bình thường. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, dù giá thịt lợn giảm, nhưng mới đây, DBC vẫn lãi lớn khi hoàn thành đến 150% kế hoạch sau chín tháng, nên yếu tố khiến cho giá DBC giảm còn nằm ở cung cầu. Cụ thể, khi mà lực mua vào bị giảm sút, giá CP rất dễ giảm nếu lực xả hàng tăng lên, dù chỉ trong thời gian ngắn, CP giảm “10 giá” có thể cho là hấp dẫn. 

Một dẫn chứng khác về “siêu” thanh khoản có thể kể đến TCB, sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng bắt đầu từ ngày 7-10 đến nay, KLGD khớp lệnh mỗi phiên của TCB tính bằng chục triệu CP (trước đó chỉ là vài triệu). Thậm chí trong phiên giao dịch ngày 16-10, vào phiên sáng, cứ chưa đầy 10 phút lại có một triệu CP TCB khớp lệnh, nghĩa là cứ 10 phút giao dịch của CP này có khi tương đương thanh khoản cả phiên của một số CP khác. Sự sôi động về mặt thanh khoản của TCB khiến cho giá của CP này trong từng phiên có những biến động rất lớn và có thể tạo ra cơ hội kiếm lời trong phiên. 

Từ các trường hợp của DBC hay TCB, có lẽ ngay trong thời điểm hiện nay, ngoài việc đánh giá kỳ vọng, nền tảng kinh doanh của DN, cũng phải xem xét cả yếu tố thanh khoản. Đôi khi thanh khoản có thể rơi vào trạng thái hưng phấn và gia tăng không chỉ nhờ các yếu tố cơ bản, hay nói đơn giản là do… sở thích của NĐT và đây cũng là một điểm rất khó lường.

Và cũng từ yếu tố “siêu” thanh khoản này mà hình thành chiến thuật đầu tư theo dòng tiền. Theo đó, nếu dòng tiền tập trung tại CP hay nhóm CP nào, nghĩa là “gu” của số đông đang nằm ở đó và thậm chí lấn át cả các yếu tố cơ bản. Điểm khó nhất mà NĐT muốn theo chiến thuật này chính là phải chấp nhận ý kiến của số đông đôi khi khác với quan điểm của bản thân. Đã có những NĐT không mua CP “hot” của TTCK chỉ vì… ghét sếp của DN đó hơi “nổ”.

Bên cạnh đó, cách thức luân chuyển của dòng tiền, có thể sẽ xoay vòng nhiều lần cũng là thách thức và thường có chiều hướng: dồn vào một lần để kéo dài đà tăng hoặc xoay vòng để tạo nhiều con sóng. 

NĐT cần phải đọc được dòng tiền và nhất là cách thức giao dịch tại mỗi CP để có chiến thuật phù hợp.