“Hội, nhóm” chứng khoán trên mạng

Hôm 28/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có văn bản khuyến cáo nhà đầu tư (NĐT) cần cẩn trọng với các hội, nhóm trên mạng xã hội. 

Chuyện “hội, nhóm” thật ra đã tồn tại từ rất lâu, trước đây các công cụ thường được sử dụng như các diễn đàn trực tuyến, các công cụ chat như Yahoo messenger, Skype, sau đó là Facebook, Zalo, Viber… Từ chỗ chỉ có một vài hội nhóm lớn, được biết đến 10-15 năm trước, giờ đây các hội nhiều đến mức không ai có thể nhớ hoặc biết hết và tùy vào “gu” hay nhu cầu của mỗi NĐT mà tham gia vào các hội, nhóm khác nhau. Nhìn chung, hội nhóm nếu hoạt động không vi phạm các quy định của cơ quan quản lý thì thường chia sẻ, bàn luận thông tin phù hợp, hoặc cũng là nơi đăng ảnh chế, thơ, truyện cười… để NĐT xả stress, thỉnh thoảng cũng có những hoạt động PR, quảng cáo…

Tuy nhiên, cảnh báo của UBCKNN dành cho những hoạt động như chào mời NĐT có thể “mượn hàng” để “đánh T+0, tức là mua và bán cổ phiếu (CP) trong ngày hoặc hô hào mua CP siêu lợi nhuận, chưa kể những tin đồn thất thiệt cũng có thể xuất hiện… Thực tế thì sự bát nháo này không có gì lạ với các NĐT kỳ cựu, tuy nhiên việc có hàng triệu tài khoản chứng khoán mới trong hai năm qua đã khiến các hội, nhóm có cơ hội tác oai, tác quái nhiều hơn. Không khó để chỉ ra những nguy hại mà một số hội, nhóm chứng khoán đang tác động đến NĐT.

Thứ nhất, việc các thuật toán trên mạng xã hội luôn muốn “chiều” NĐT sẽ khiến các hội, nhóm này luôn nằm ở mục “tin mới” (news feed). Điều này có thể khiến NĐT phải tiếp nhận rất nhiều thông tin và nếu đi theo chiều hướng tiêu cực sẽ khiến tâm lý rơi vào mức thái quá, nghĩa là bi quan hoặc lạc quan một cách thái quá. Chẳng hạn, đôi khi thị trường chỉ có bull trap (bẫy tăng giá) nhưng các hội, nhóm hô hào VN Index sẽ tăng một mạch hàng trăm điểm, CP đang có giá siêu rẻ… có thể khiến NĐT rơi vào cảnh mua đáy, bán đỉnh. Muốn thoát khỏi ma trận thông tin này, NĐT chỉ có cách duy nhất là rời khỏi nhóm, trấn tĩnh và tham khảo từ các kênh thông tin chính thống và thông tin từ các công ty chứng khoán có bộ phận phân tích uy tín như HSC, SSI, BSC…

Thứ hai, việc các hội, nhóm sử dụng mạng xã hội tiếp cận với nhóm NĐT mới (F0) thường là những NĐT trẻ với những sản phẩm trái với quy định của pháp luật có thể khiến cách nhìn, hiểu biết của nhóm NĐT này về thị trường chứng khoán bị méo mó. NĐT trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm, lại chưa có thói quen kiểm tra lại nguồn thông tin chính thống có thể trở thành đối tượng để các động thái trục lợi nhắm đến, chẳng hạn như cho lướt chứng khoán T+0, trong khi những sản phẩm này chưa được triển khai. Một vài lần đầu, NĐT thiếu kinh nghiệm có thể thu được lợi nhuận nhưng những lần sau đó sẽ lỗ nặng…

Trên một trang mạng xã hội chuyên về số liệu chứng khoán mới đây đã đăng một câu chuyện tếu táo: Sau hai tuần im hơi lặng tiếng, broker của tôi đã quay trở lại phân tích “thị trường hồi phục đúng như em nhận định”. Câu chuyện này ý muốn nói đến những động thái hô hào như đúng rồi của các hội, nhóm chứng khoán, nhưng thực chất chỉ là thùng rỗng kêu to.