Tuyến đường dẫn khí đốt huyết mạch

Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) là dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic, gồm hai nhánh, chiều dài mỗi nhánh 1.234 km và tổng lưu lượng vận chuyển ước tính khoảng 55 tỷ m3 khí mỗi năm. Dự án này là phần mở rộng của đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1, đi vào hoạt động từ đầu năm 2011.

Các công nhân đang lắp đặt một đoạn ống của Nord Stream 2. Ảnh: GETTY IMAGES
Các công nhân đang lắp đặt một đoạn ống của Nord Stream 2. Ảnh: GETTY IMAGES

Một biểu tượng của hợp tác quốc tế

Theo TASS, Liên Xô (trước đây) là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hàng đầu của châu Âu, chiếm đến 75% tổng khối lượng nhập khẩu khí đốt của các nước Liên minh châu Âu (EU). Các tuyến đường ống dẫn khí đốt chính từ Liên Xô sang EU đều đi qua lãnh thổ của Ukraine, do đó sau khi Liên Xô tan rã, Chính phủ Nga đã buộc phải nhượng bộ với Ukraine trong giải quyết các vấn đề về thanh toán và xử lý hoạt động thâm hụt khí đốt. Cũng từ đây, ý tưởng xây dựng một đường ống mới dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức bắt đầu nhen nhóm. 

Lúc đầu, với những tên gọi như “Tuyến đường phía Bắc”, “Đường ống dẫn khí đốt Bắc Âu” (NEGP) hay “Vành đai khí đốt Baltic”, dự án chưa nhận được sự ủng hộ rộng rãi, vì đòi hỏi phải có các khoản đầu tư lớn, công nghệ phức tạp, tiềm ẩn các nguy cơ tác động xấu đến môi trường và an ninh năng lượng của châu Âu. 

Sau nhiều nỗ lực từ phía các công ty Nga và Đức, đặc biệt từ khi ông Alexei Miller lên giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Gazprom của Nga, các cuộc đàm phán được thúc đẩy và có nhiều tiến triển. Tháng 11/2005, Công ty Đường ống khí đốt Bắc Âu (NEGP) đã được đăng ký hoạt động tại bang Zug của Thụy Sĩ, với 51% cổ phần thuộc về Gazprom. Tháng 10/2006, NEGP đổi tên thành Nord Stream AG. Sau các thương vụ mua bán cổ phần, dự án có thêm cổ đông là các công ty E.ON Ruhrgas và Wintershall Holding AG của Đức, Công ty NV Nederlandse Gasunie của Hà Lan, Công ty GDF Suez (sau này là Engie) của Pháp. 

Từ năm 2005, Giám đốc điều hành của Nord Stream AG là Matthias Warnig, một cựu sĩ quan tình báo Đông Đức. Sau khi từ chức Thủ tướng Đức, từ năm 2006, ông Gerhard Schroeder đã giữ chức Chủ tịch Hội đồng cổ đông của công ty. 

Tổng chiều dài của Dòng chảy phương Bắc 1 là 1.220 km, với tổng lưu lượng khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Đường ống dẫn khí bắt đầu gần Vyborg, từ đó chạy dọc theo đáy biển thuộc lãnh hải của Nga và Phần Lan. Sau đó, đi qua phía nam đảo Gotland của Thụy Điển, rồi đến phía bắc đảo Bornholm của Đan Mạch và cuối cùng đến đất liền ở gần thành phố Greifswald của Đức. Từ khu vực này, các công ty Đức xây dựng đường ống dẫn khí đốt đi sâu vào nội địa. Năm 2010, chi phí hoàn thành đường ống là 8,8 tỷ euro.

Việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 1 gặp phải sự phản đối từ phía Ba Lan, các nước vùng Baltic, Mỹ và các tổ chức môi trường quốc tế, do lo ngại tác động tiêu cực của đường ống tới hệ sinh thái cũng như nguy cơ gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga. Ngược lại, Moscow luôn cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt nhất trong quá trình xây dựng đường ống dẫn khí đốt.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng khí đốt ở Ukraine vào tháng 1/2009 khiến một số quốc gia Đông Âu bị rơi vào tình trạng thiếu khí đốt, buộc châu Âu phải nhìn nhận lại vấn đề. Đan Mạch, Thụy Điển, tiếp đó là Phần Lan đã lần lượt chấp thuận cho phép lắp đặt đường ống trong vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của mình. Trong khi đó, Ba Lan, Latvia, Litva và Estonia tiếp tục phản đối, dù việc xây dựng đường ống không phải xin giấy phép từ các nước này.

Đầu tháng 5/2011, nhánh đầu tiên của Dòng chảy phương Bắc 1 đã hoàn tất. Tháng 11 cùng năm, Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Pháp François Fillon và Ủy viên Năng lượng EU Guenter Ettinger chính thức tuyên bố dự án Dòng chảy phương Bắc 1 bắt đầu đi vào hoạt động. Với nỗ lực của các bên liên quan, Dòng chảy phương Bắc 1 đã trở thành biểu tượng của mối quan hệ hợp tác quốc tế và là một thành tố quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng châu Âu.

Dòng chảy phương Bắc 2

Theo trang Life.ru của Nga, sau thành công của “người anh”, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 được Nga và Đức tiếp tục thúc đẩy triển khai với tư cách là một trong những mắt xích quan trọng trong dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn có tên “Hành lang vận tải khí đốt phương Bắc”, kết nối vùng Yamal của Nga với người tiêu dùng châu Âu, góp phần bổ sung nguồn thu ngân sách cho Liên bang Nga. 

Dòng chảy phương Bắc 2 đi qua vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của 5 quốc gia: Đức, Đan Mạch, Nga, Phần Lan và Thụy Điển. Dự án có thông lượng và chiều dài tương tự như Dòng chảy phương Bắc 1, nhưng khác về điểm bắt đầu và tuyến đường đi phải vòng qua khu vực đảo Bornholm của Đan Mạch. Thành phần cổ đông của dự án mới này cũng có thay đổi. Từ năm 2017, cổ đông duy nhất của dự án là Tập đoàn Gazprom, trong khi các công ty Uniper và Wintershall Dea của Đức, Engie của Pháp, OMV của Áo, Shell của Anh và xứ Wales chỉ tham gia với tư cách nhà đầu tư. Tổng trị giá của dự án hơn 10 tỷ euro (khoảng 11,6 tỷ USD). Khi đi vào hoạt động, dự án có thể cung cấp 55 tỷ m3 khí mỗi năm từ Nga tới châu Âu cho 26 triệu hộ gia đình.

Theo kế hoạch, việc lắp đặt đường ống lẽ ra đã hoàn thành vào cuối năm 2019. Nhưng tháng 12 năm đó, dự án bị đình chỉ do lệnh trừng phạt của Mỹ khiến công việc xây dựng đường ống (vốn đã hoàn thành hơn 90%) phải tạm dừng, hầu như bị tê liệt trong năm 2020. Nguyên nhân là Gazprom không có sẵn các tàu lắp đặt ống riêng, mà phải thuê của các đối tác nước ngoài. Để đối phó, Gazprom đã sử dụng nhiều biện pháp, trong đó có việc trang bị thêm cho tàu đặt ống mang tên “Viện sĩ Chersky”. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện sự sẵn sàng áp đặt ngày càng nhiều các biện pháp trừng phạt, bao gồm biện pháp chống lại các khách hàng của châu Âu mua khí đốt.

Sau khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền ở Mỹ, tình hình chung quanh dự án đã được cải thiện. Công việc xây dựng ở vùng biển Đan Mạch được tiếp tục vào cuối tháng 1/2021. Mặc dù Đạo luật Bảo vệ an ninh năng lượng của châu Âu (PEESA) sửa đổi được đệ trình dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, đã được thông qua dưới thời ông Joe Biden, chính quyền Mỹ chỉ đưa ra một phần của các biện pháp trừng phạt vào tháng 4 nhằm vào các tàu tham gia xây dựng, mà không có hành động chống lại nhà điều hành Nord Stream 2 AG và ban lãnh đạo công ty này. Cuối tháng 5/2021, Tổng thống Joe Biden tuyên bố, việc xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 đã “gần như hoàn tất” và việc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với dự án sẽ “không có lợi” đối với quan hệ của Mỹ với châu Âu.

Tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng quản trị Gazprom Alexei Miller cho biết, việc xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn tất. Sau đó một tháng, dòng khí đầu tiên đã được nạp vào đường ống, đây là bước quan trọng trước khi việc vận chuyển khí đốt qua biển Baltic có thể bắt đầu.

Theo thông báo của cơ quan năng lượng bang Mecklenburg-Vorpommern của Đức, Công ty Nord Stream 2 AG đã có đủ hồ sơ cần thiết cho việc vận hành đường ống, nhưng vẫn thiếu những báo cáo đánh giá độc lập, như về độ kín của đường ống. Trong khi đó, giới chức Đan Mạch thông báo dự án đã đáp ứng điều kiện cho việc vận hành. Mới đây, cơ quan mạng lưới liên bang Đức (BNetzA) tiết lộ đang thực hiện quy trình chứng nhận là nhà khai thác mạng truyền tải độc lập theo quy định của châu Âu cho dự án. Cho tới trước khi được cấp phép, dự án chưa được phép vận hành. 

Nga khẳng định, Dòng chảy phương Bắc 2 có thể giúp xoa dịu thị trường khí đốt ở châu Âu khi giá bán buôn khí đốt tự nhiên đã tăng mạnh trong vài tháng qua. Có thể nói, dù ra đời vào những thời điểm khác nhau, nhưng cả hai dự án khí đốt “song sinh” này đều gây ra nhiều tranh cãi giữa các bên ủng hộ và phản đối, do tầm ảnh hưởng chiến lược cả về giá trị kinh tế lẫn an ninh năng lượng, tác động đến lợi ích của nhiều quốc gia, doanh nghiệp trong và ngoài khu vực.