Tranh cãi về luật sở hữu súng đạn tại Mỹ

Ngày 31-5 vừa qua, người dân Mỹ lại tiếp tục bàng hoàng khi chứng kiến một vụ xả súng đẫm máu tại thành phố nghỉ dưỡng Virginia Beach ở bang Virginia, khiến ít nhất 12 người chết và sáu người khác bị thương. Vụ việc này lần nữa làm “nóng” trở lại cuộc tranh cãi về luật sở hữu súng đạn tại “xứ cờ hoa”.

Biếm họa của CHAPPATTE
Biếm họa của CHAPPATTE

Những vụ xả súng kinh hoàng

16 giờ ngày 31-5 (giờ địa phương) vừa qua, một người đàn ông đã tiến vào tòa nhà trong khu phức hợp của chính quyền thành phố Virginia Beach, xả súng liên tiếp vào các nhân viên, sau đó đấu súng với cảnh sát trước khi bị bắn hạ. Vụ tiến công đã khiến ít nhất 12 người thiệt mạng, trong đó có một cảnh sát và hung thủ, sáu người khác bị thương. Nghi phạm được xác định là DeWayne Craddock, 40 tuổi, công chức thành phố, làm việc tại chính tòa nhà nơi y gây án nhưng trước đó đã xin nghỉ việc vào đúng ngày xảy ra vụ tiến công.

Sau khi vụ việc xảy ra, Cảnh sát trưởng thành phố Virginia Beach, ông James Cervera cho biết, nghi phạm sử dụng khẩu súng ngắn gắn thiết bị giảm thanh, và ổ đạn được kéo dài để có thể nạp nhiều đạn. Một khẩu súng máy và một súng trường đã được tìm thấy tại hiện trường. Đây đều là những khẩu súng mà nghi phạm mua một cách hợp pháp trước đó.

Theo một tổ chức giám sát bạo lực súng đạn có trụ sở tại Thủ đô Washington D.C, vụ thảm sát tại Virginia Beach là vụ xả súng thứ 150 trên khắp nước Mỹ từ đầu năm 2019. Đây cũng là vụ nổ súng nghiêm trọng nhất xảy ra tại nơi làm việc kể từ tháng 2 vừa qua, sau vụ một công nhân bắn chết năm đồng nghiệp tại một nhà máy ở Aurora, bang Illinois sau khi bị cho thôi việc.

Tuy nhiên kể từ năm 2016, “bóng ma” của những vụ tiến công bằng súng đã bao phủ khắp nước Mỹ. Cụ thể, ngày 12-6-2016, một người đàn ông đã tiến vào hộp đêm Pulse ở thành phố Orlando, bang Florida, đã nã đạn vào bất cứ ai y gặp. Vụ tiến công chỉ dừng lại khi thủ phạm bị cảnh sát bắn chết. Hậu quả, nghi phạm đã khiến 49 người thiệt mạng, 53 người khác bị thương. Hơn một năm sau, tháng 10-2017, một đối tượng 64 tuổi từ cửa sổ tầng 32 của một khách sạn đã xả súng vào đám đông đang tham gia lễ hội âm nhạc ở thành phố Las Vegas, bang Nevada, làm 58 người chết và gần 500 người bị thương.

Chưa đầy một tháng sau, một vụ tiến công bằng súng cũng xảy ra tại nhà thờ First Baptist, thành phố Sutherland Springs, bang Texas, khiến 26 người chết và 20 người khác bị thương. Ngày 8-11-2018, một kẻ tiến công đã xả súng vào quán bar Borderline Bar and Grill ở Thousand Oaks, bang California, khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có một phó cảnh sát trưởng.

Cuộc “đấu khẩu” dai dẳng

Theo Reuters, kết quả khảo sát thời gian gần đây của nhiều tổ chức quốc tế khiến nhiều người không khỏi “giật mình”. Theo đó, LHQ ước tính năm 2018, khoảng 14.611 người Mỹ đã chết vì súng đạn. Con số này cho thấy không một quốc gia phát triển nào trên thế giới phải đối mặt với mức độ bạo lực súng đạn cao như Mỹ. Tỷ lệ này cao gấp sáu lần so Canada, hơn bảy lần so Thụy Điển và gần 16 lần so Đức. Còn theo các cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ), một trung tâm chuyên khảo sát các vấn đề xã hội, dân số nước này chiếm chưa tới 5% dân số toàn cầu, nhưng sở hữu khoảng 45% vũ khí tư nhân của thế giới.

Sau nhiều vụ xả súng kinh hoàng, đặc biệt là vụ thảm sát vừa qua tại Virginia Beach, công chúng tại Mỹ tiếp tục lên án việc sở hữu súng đạn và phản đối mạnh mẽ hoạt động của Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA). Ra đời năm 1871, đây là tổ chức tự phát ôn hòa do những thợ săn và người thích súng ở Mỹ thành lập. Tại thời điểm đó, hoạt động của NRA chủ yếu là mở các khóa huấn luyện kỹ thuật bắn súng và săn bắn. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi nhiều người Mỹ lên tiếng yêu cầu kiểm soát súng đạn, từ một câu lạc bộ của những người yêu súng đơn thuần, NRA đã trở thành một đoàn thể chính trị phản đối yêu cầu này, hoạt động rất hiệu quả ở cả cấp độ bang và liên bang.

NRA ngày càng hoạt động mạnh mẽ và thu hút nhiều hội viên. Tính đến thời điểm hiện tại, NRA có hơn năm triệu hội viên và là một trong số ít các tổ chức có thế lực nhất nước Mỹ. Theo thông tin từ trang web của NRA, có tới tám tổng thống Mỹ từng là hội viên của tổ chức này. Không chỉ có cơ sở pháp lý chắc chắn, NRA còn là một tổ chức có tiềm lực tài chính hùng hậu. Tính riêng trong năm 2013, quỹ hoạt động của NRA lên đến 350 triệu USD. Con số này đến từ đóng góp của các thành viên và các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu vũ khí.

Để củng cố quyền lực chính trị, NRA thường xuyên chi tiền rất hào phóng cho các chiến dịch vận động bầu cử Quốc hội cũng như bầu Tổng thống Mỹ. Tổ chức này hoạt động dựa trên phương cách cung cấp tài chính và tiến hành các chiến dịch quảng bá cho những ứng viên mà NRA ủng hộ. Trong chiến dịch bầu cử Quốc hội Mỹ năm 2004, để vận động hành lang cho các ứng cử viên mà tổ chức này ủng hộ, ước tính NRA đã chi tới 27 triệu USD. Kết quả, bốn trên năm ứng viên do NRA ủng hộ đều trúng cử. Bằng cách thức đó, NRA ngày càng cho thấy tầm ảnh hưởng trong giới chính trị tại Mỹ.

Tuy nhiên, sau những vụ xả súng kinh hoàng thời gian qua, để phản đối NRA, nhiều người dân Mỹ đã tẩy chay các công ty tung ra các gói giảm giá và ưu đãi cho các thành viên của NRA. Trên mạng xã hội, điển hình là Twitter, các từ khóa liên quan việc tẩy chay NRA lan truyền mạnh mẽ. Áp lực dư luận còn nhắm đến các công ty lớn khác như Công ty vận chuyển hàng hóa FedEx, hay Công ty bán hàng trực tuyến Amazon, đã cung cấp dịch vụ truyền hình chiếu các chương trình của NRA.

Không chỉ người dân, các ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ mới đây cũng có phản ứng đặc biệt mạnh mẽ, nhắm vào khủng hoảng bạo lực súng đạn. Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, Thị trưởng thành phố South Bend, bang Indiana, ông Pete Buttigieg nhận định: “Thêm một vụ xả súng kinh hoàng gây sốc, lần này là ở Virginia Beach. Không thể chấp nhận việc nước Mỹ vẫn là nước phát triển duy nhất mà điều này xảy ra thường xuyên. Nước Mỹ cần phải hành động”. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ độc lập Bernie Sanders của bang Vermont, một ứng cử viên Tổng thống cho cuộc tranh cử sắp tới, đã lên án NRA, cho rằng: “Thời mà NRA kiểm soát Quốc hội và soạn thảo luật súng đạn phải chấm dứt. Quốc hội phải lắng nghe người dân Mỹ và thông qua luật về an toàn súng đạn. Tình trạng bạo lực súng đạn đáng buồn này cần phải kết thúc”.

Trước sự kêu gọi của dư luận cũng như những hậu quả nghiêm trọng từ các vụ thảm sát bằng súng đạn gần đây, nhiều dự luật nhằm kiểm soát vũ khí cũng đã được đề xuất. Đầu tháng 2 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật An toàn súng đạn quy mô lớn, cho phép mở rộng việc kiểm tra lai lịch đối với gần như mọi trường hợp mua bán súng. Tuy nhiên, dự luật đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ tại Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa nắm đa số và được NRA “chống lưng”.

Thực tế cho thấy, dù số người chết do súng đạn vẫn không ngừng tăng lên, Chính phủ Mỹ vẫn chưa triển khai được chính sách hiệu quả nào nhằm ngăn chặn những thảm kịch tương tự có thể xảy ra trong tương lai, và việc sở hữu súng đạn cùng những hậu quả nghiêm trọng tiềm tàng sẽ vẫn tiếp diễn tại “xứ cờ hoa”.