Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022)

“Thư vào Nam” và tầm nhìn Lê Duẩn

Năm 1985, đất nước ta có nhiều ngày kỷ niệm lớn, trong đó có kỷ niệm 10 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Trong dịp kỷ niệm ấy, “Thư vào Nam” của Tổng Bí thư Lê Duẩn ra đời. Tác phẩm tập hợp thư và một số điện của đồng chí Lê Duẩn gửi trực tiếp tới các đồng chí lãnh đạo ở chiến trường miền nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lần đầu được công bố.

Tổng Bí thư Lê Duẩn nói chuyện với cán bộ, công nhân Nông trường Tây Hiếu, tỉnh Nghệ Tĩnh năm 1979. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Lê Duẩn nói chuyện với cán bộ, công nhân Nông trường Tây Hiếu, tỉnh Nghệ Tĩnh năm 1979. Ảnh: TTXVN
“Thư vào Nam” và tầm nhìn Lê Duẩn -0
 

Ngày ấy, tôi được Viện Xuất bản sách Kinh điển - Văn kiện Đảng (hai bộ phận sách của Nhà xuất bản Sự thật được tách ra) trực thuộc Viện Mác-Lênin, cử làm cán bộ biệt phái ở Văn phòng Tổng Bí thư, theo dõi, biên tập để xuất bản các tác phẩm của đồng chí Lê Duẩn. Cùng thời gian đó, Báo Nhân Dân cũng cử anh Thép Mới, Phó Tổng Biên tập lên để viết hồi ký “Thời thắng Mỹ”. Anh Hà Đăng, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân tham gia đội ngũ trợ lý - thư ký. Anh Thép Mới và tôi thường xuyên được các anh trong Văn phòng Tổng Bí thư bố trí đi công tác cùng Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Theo anh Thép Mới, anh Ba Duẩn tâm sự với anh: “Nhiều anh bảo tôi kể chuyện về đời mình để chú viết hồi ký. Nhưng đời mình cũng như anh em khác thôi. Bác Hồ là người thầy, lãnh tụ vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn dân. Nhiều anh khác cũng oanh liệt lắm. Tù đày, nếm mật nằm gai, ra trường bắn mà vẫn hiên ngang. Tôi chỉ muốn chú viết về Đảng ta. Vĩ đại, anh hùng và nhiều sáng tạo lắm. Không sáng tạo, không có ngày nay. Những điều tôi suy nghĩ, tôi trải qua cũng chỉ để giúp chú thêm căn cứ”. 

Dựa vào ý kiến này mà khi ở Hà Nội cũng như đi công tác các nơi, vào thời gian rảnh rỗi, anh Đống Ngạc, Trợ lý Tổng Bí thư, thường bố trí cho hai anh em chúng tôi (sau này đôi khi có cả anh Việt Phương, nguyên Trợ lý của Thủ tướng Phạm Văn Đồng) được gần anh Ba Duẩn, nghe anh kể chuyện... Từ giữa năm 1984, công việc của tôi và anh Thép Mới, mỗi người một việc. Anh Thép Mới bắt tay chấp bút “Thời thắng Mỹ”, tôi chuyên trách “Thư vào Nam”. 

Được Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương tận tình giúp đỡ, các văn phòng thành ủy, tỉnh ủy phía nam trợ giúp hết lòng, tôi có trong tay hầu hết các văn bản, không ít tài liệu cùng lúc có nhiều văn bản  đối chiếu. Nhóm làm “Thư vào Nam” gồm có anh Đống Ngạc, Trung tướng Phạm Quang Cận, Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân và tôi. Anh Ngạc tổng chỉ huy; anh Cận theo dõi, bổ sung tài liệu từ các cơ quan quân đội và quan trọng nhất là viết “Lời giới thiệu”. 

Phải nói rằng tên sách “Thư vào Nam” từ đầu là do Tổng Bí thư Lê Duẩn đặt. Anh nói: “Phải lấy tên sách như thế để mọi người luôn luôn nhớ Bác, để nhân dân miền nam luôn thấy Bác ở bên mình. Hồi đó, tôi công tác ở Nam Bộ. Đầu năm 1949, có Đoàn cán bộ Trung ương do đồng chí Lê Đức Thọ dẫn đầu vào công tác, Bác Hồ gửi “Thư vào Nam”, ký ngày 15/9/1948. Đây là một trong bốn bức thư quan trọng anh Thọ trao tận tay cho cán bộ và đồng bào Nam Bộ, thể hiện tình cảm sâu nặng và sự quan tâm đặc biệt của Bác với miền nam”. 

 “Thư vào Nam” lần đầu ra mắt bạn đọc do Nhà xuất bản Sự thật in đầu năm 1985. Sau đó, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành. Vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tái bản, có bổ sung một số thư từ, văn kiện Đảng mới xuất bản. 
 
Lần xuất bản đầu tiên có “Lời giới thiệu” của Viện Mác-Lênin. Danh tính tập thể, nhưng toàn bộ nội dung là trí tuệ, công sức và tâm huyết của Trung tướng Phạm Quang Cận. “Lời giới thiệu” dài 25 trang, như một luận văn quân sự, thể hiện sâu sắc tính cách mạng, tính sáng tạo trong đường lối quân sự của Đảng ta, của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, chiến tranh nhân dân. Ở luận văn quân sự này, bao quát gần như toàn bộ đường lối chống Mỹ, cứu nước, ghi đậm dấu ấn tư tưởng chính trị quân sự, cách mạng tiến công, sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình và quyết tâm chiến lược vô cùng đúng đắn của Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Nghiên cứu “Lời giới thiệu” trong “Thư vào Nam”, có lần tôi hỏi anh Phạm Quang Cận: “Em hỏi thật, trong bài anh viết: Đồng chí Lê Duẩn luôn nhìn thấy trước những gì mà nhiều người chưa thấy. Nhận định ấy là do anh nghĩ ra hay ai gợi ý?”. Anh Cận nhìn tôi cười và nói: “Cậu nghĩ mình đưa ra được đánh giá quan trọng ấy à? Không phải mình. Nhiều lần, nhớ nhất là ba lần, khi làm việc với mình, anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) nói, mình viết nguyên như thế".

Theo tôi, muốn hiểu được tầm nhìn “thấy trước được những gì mà nhiều người chưa thấy” trong “Thư vào Nam”, phải hiểu tầm nhìn vượt thời gian, đi trước của Lê Duẩn trong cuộc đời hoạt động cách mạng. Có thể kể một số thí dụ: Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, từ nhà tù Côn Đảo trở về, Lê Duẩn được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời, cùng các đồng chí trong Xứ ủy tổ chức ngay cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Đầu năm 1946, đồng chí nhận chỉ thị ra Trung ương công tác. Đây là lần đầu Lê Duẩn được gặp Bác Hồ và vinh dự được giữ lại làm việc bên Người. Từ thực tiễn cuộc kháng chiến Nam Bộ, đồng chí nhận định: Sớm muộn cuộc kháng chiến sẽ bùng nổ trong phạm vi cả nước. Chiến tranh sẽ xảy ra ác liệt. Cuộc chiến đấu của nhân dân ta sẽ lâu dài và gian khổ. 

Bác và Trung ương đồng tình với ý kiến của đồng chí Lê Duẩn. Đồng chí được Bác giao nhiệm vụ cùng Tổng Bí thư Trường Chinh tổ chức lớp học cấp tốc cho cán bộ, chuẩn bị kháng chiến. Sau đó, trở về Nam Bộ, thực hiện đường lối đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cương vị Bí thư Xứ ủy, đồng chí Lê Duẩn chăm lo củng cố tổ chức đảng, các đoàn thể quần chúng, lực lượng vũ trang, tập hợp đông đảo đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân không trải qua đấu tố, đổ máu...

Để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, từ năm 1948 đến đầu năm 1950, đồng chí dồn tâm huyết viết “Một số ý kiến về kiểm điểm chính sách của Đảng và về các dự án, chủ trương của Trung ương” để gửi Đại hội. Tài liệu này đề cập nhiều vấn đề về  lý luận từ thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Sau gần hai năm làm việc bên cạnh Bác Hồ ở Việt Bắc, cùng Tổng Bí thư Trường Chinh và Bộ Chính trị chỉ đạo mọi mặt cho Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Lê Duẩn trở lại miền nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếp theo là Hội nghị Geneva họp bàn biện pháp giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương, chia cắt Việt Nam thành hai miền, đồng chí Lê Duẩn nhận chỉ thị đi gấp vào Nam Bộ, tổ chức công tác chuyển quân, xây dựng lực lượng cách mạng. Gặp đồng chí Nguyễn Chánh, Bí thư Khu ủy Khu V, đồng chí dặn lại: “Phải chôn giấu vũ khí, đưa người và vũ khí lên xây dựng một số căn cứ ở Tây Nguyên, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến đấu mới”.

“Thư vào Nam” và tầm nhìn Lê Duẩn -0
Từ phải qua: Tổng Bí thư Lê Duẩn đang chỉ dẫn biên soạn cuốn “Thư vào Nam”, ông Đống Ngạc - Trợ lý Tổng Bí thư, nhà báo Phạm Đức Lượng, Trung tướng Phạm Quang Cận - Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân. Ảnh tư liệu 

Nhận rõ khó khăn của nhân dân miền nam trước kẻ thù mới, đồng chí Lê Duẩn xin Bác Hồ được ở lại sát cánh cùng đồng bào, đồng chí miền nam. Trên chuyến tàu cuối cùng ra Bắc, đồng chí ôm hôn đồng chí Lê Đức Thọ và nói: “Anh ra thưa với Bác là tất cả đồng bào, đồng chí ở trong này đều mong Bác sống lâu, mạnh khỏe. Cho tôi gửi lời chào Bác, anh Trường Chinh và tất cả các anh ngoài đó. Tình thế này thì dễ đến mười tám, hai mươi năm nữa anh em ta mới lại gặp nhau”.

Đúng như đồng chí Lê Duẩn dự báo, sau hai năm thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Geneva, cách mạng miền nam bị tổn thất vô cùng to lớn. Đẫm mình trong thực tiễn đau thương, mất mát, cách mạng như không có đường ra. Tháng 8/1956, đồng chí Lê Duẩn hoàn thành “Đề cương cách mạng miền nam” gửi ra Trung ương. Từ sự phân tích sâu sắc về bản chất của kẻ thù và qua những năm tháng trực tiếp chỉ đạo phong trào quần chúng, đồng chí khẳng định: nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ-Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không có con đường nào khác.

Trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi cho cách mạng Việt Nam, hòa hoãn giữa các nước lớn, “thi đua hòa bình”, “trường kỳ mai phục”, “sợ đốm lửa nhỏ gây ra cháy lớn” ảnh hưởng không ít đến nội bộ Đảng. Giữa năm 1957, Bác Hồ quyết định điều đồng chí Lê Duẩn ra bắc, cùng Bác và Bộ Chính trị chuẩn bị Hội nghị Trung ương 15 và Đại hội Đảng toàn quốc. “Đề cương cách mạng miền Nam” trở thành cơ sở cho Nghị quyết 15 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng.

Trên cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bước vào cuộc trường chinh thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược trên cả nước. Nhưng là người được Bác Hồ và Bộ Chính trị phân công giữ vai trò chủ chốt, “có trách nhiệm đề đạt ý kiến” về cách mạng miền nam, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn dồn tâm sức cho sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Trong quá trình diễn biến của cuộc kháng chiến, cùng các đồng chí khác trong Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần to lớn vào việc bổ sung, phát triển, cụ thể hóa và hoàn thiện dần đường lối cách mạng và chiến tranh cách mạng Việt Nam; đặc biệt là phương pháp cách mạng và tư duy độc lập tự chủ, nhìn xa trông rộng. 

Trong thư đầu tiên, ngày 7/2/1961, gửi anh Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) và các đồng chí Nam Bộ, Lê Duẩn viết: “Khi còn ở miền Nam, trong những lần thảo luận về đường lối cách mạng miền Nam với các đồng chí, tôi đã nhận định rằng cách mạng miền Nam không tiến hành bằng cách trường kỳ đấu tranh vũ trang, lấy nông thôn bao vây thành thị, tiến lên dùng lực lượng quân sự giải phóng toàn bộ đất nước như Trung Quốc đã làm, mà đi con đường của Việt Nam”.

Trong thư gửi anh Mười Cúc và Trung ương Cục miền nam, tháng 7/1962, Lê Duẩn viết: “Hiện nay, cách mạng miền Nam đang ở giai đoạn đầu. Mặc dù vậy, cuộc đấu tranh đã trở nên rất quyết liệt. Vì nó phản ánh cuộc đối đầu giữa hai thế lực, cách mạng và phản cách mạng của thời đại, phản ánh cuộc tranh chấp gay go nhất, phức tạp nhất trên thế giới hiện nay”. Từ thực tiễn thắng lợi của cách mạng Lào, cũng trong thư này, đồng chí khẳng định: “Đế quốc Mỹ phải thua nhưng có thể thua đến mức nào, ta phải thắng nhưng có thể thắng đến mức nào; đó là điều phải tính toán, đo lường cho chuẩn xác... Nhiệm vụ cách mạng trên thế giới là phải giữ gìn hòa bình, ngăn ngừa đế quốc gây chiến tranh, bảo đảm an ninh cho nhân dân các nước, đồng thời phải đẩy mạnh đấu tranh, đánh lùi từng bước, đánh đổ từng bộ phận chủ nghĩa đế quốc. Hai mặt đó quan hệ khăng khít với nhau”.

Biết thắng từng bước là cách nhìn khoa học về so sánh lực lượng và mục tiêu cách mạng, nhưng trong thư gửi anh Xuân (Nguyễn Chí Thanh), tháng 2/1965, Lê Duẩn lại nhấn mạnh: “Trước sau phương châm chiến lược của ta vẫn là: Chiến đấu lâu dài và ra sức tranh thủ thời cơ”. Để đón thời cơ, phải nỗ lực chủ quan, chuẩn bị lực lượng, cả ở hậu phương và tiền tuyến. Thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, làm lung lay ý chí xâm lược, đã buộc Mỹ phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Paris. 

Tiếp đến, thắng lợi của Chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 cùng trận “Điện Biên Phủ trên không” ở miền bắc đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris tháng 1/1973.

Đầu xuân 1973, đồng chí Lê Duẩn trực tiếp vào thăm và kiểm tra Đoàn 559, đang xây dựng đường xuyên Việt, đông Trường Sơn, chủ động đón thời cơ. Với tầm nhìn xa cho con đường chiến lược này, đồng chí Lê Duẩn ghi trong Sổ vàng của bộ đội Trường Sơn: “Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền nam-bắc, thống nhất nước nhà, là con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta... Chúng ta nhất định tiếp tục đi con đường này để tiến đến thắng lợi hoàn toàn”.

Giữ trọn lời thề của toàn Đảng, toàn dân trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lễ truy điệu, “quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền nam, bảo vệ miền bắc, thống nhất đất nước để thỏa lòng mong ước của Người”, đồng chí Lê Duẩn sáng suốt chọn đúng thời cơ kết thúc chiến tranh sớm, không để kéo dài cuộc chiến tranh chống xâm lược thành cuộc nội chiến trong lòng dân tộc.

Trong bức điện ngày 10/10/1974 gửi anh Bảy Cường (Phạm Hùng) về Kết luận đợt một Hội nghị Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duẩn viết: “Đối với ta, điều quan trọng của hiệp định Pa-ri không phải là ở chỗ thừa nhận hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát, tiến tới thành lập chính phủ ba thành phần, mà mấu chốt là ở chỗ quân Mỹ phải ra còn quân ta thì ở lại, hành lang Nam Bắc vẫn nối liền, hậu phương gắn với tiền phương thành một dải liên hoàn thống nhất; thế trận tiến công của ta vẫn vững. Ý định của ta là giữ nguyên thế và lực của mình ở miền Nam để tiến lên tiếp tục tiến công địch... Lúc này, chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn”.

Trong Kết luận đợt hai Hội nghị Bộ Chính trị, ngày 7/1/1975 về nhiệm vụ, kế hoạch tác chiến trên từng chiến trường, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “Chiến trường Khu 5, Tây Nguyên, dùng 3 sư đoàn quân chủ lực đánh Tây Nguyên, mở thông hành lang nối liền nam Tây Nguyên với đông Nam Bộ, tạo điều kiện để bộ đội chủ lực cơ động nhanh vào miền đông, phối hợp với quân chủ lực Miền để tiến đánh Sài Gòn. Mở trận đầu đánh chiếm Buôn Ma Thuột, thọc thẳng xuống Tuy Hòa, Phú Yên, cắt đồng bằng Khu 5 ra làm đôi, tạo thêm một hướng nữa để tiến nhanh vào phía nam vây ép Sài Gòn”. 

Khi lực lượng cách mạng áp đảo, địch đứng trước nguy cơ sụp đổ, Mỹ hoàn toàn bất lực, trong thư gửi anh Bảy Cường (Phạm Hùng), anh Sáu (Lê Đức Thọ), anh Tuấn (Văn Tiến Dũng) ngày 1/4/1975, Lê Duẩn viết: “Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”. Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp”.Không chỉ sáng suốt nhìn xa trông rộng và nhạy bén chính trị trong lãnh đạo và chỉ đạo, mà ở những tình huống phức tạp, phải vừa thiết kế vừa thi công, đồng chí Lê Duẩn thể hiện bản lĩnh quyết đoán của người đứng đầu, chịu trách nhiệm cao nhất. Trước một ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, phát hiện ý đồ sâu xa của một số thế lực nước ngoài thỏa hiệp với nhau tìm cách thương lượng với ta dưới ngọn cờ hòa giải, hòa hợp nhằm ngăn chặn ta giành thắng lợi hoàn toàn, ngày 29/4/1975, đồng chí Lê Duẩn trực tiếp  điện cho các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà và Lê Trọng Tấn: “Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đang họp thì được tin Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị: Các anh ra lệnh cho quân ta tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch; tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống  cự của chúng.

Và ngay trưa 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị Trung ương Đảng gửi điện khen toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Sài Gòn-Gia Định.

Trong những tháng ngày cùng các anh biên soạn “Thư vào Nam”, tôi có nhiều dịp được tiếp cận anh Ba, rất nhiều kỷ niệm khó quên. Anh rất quan tâm, theo dõi công việc chúng tôi làm, đặc biệt là những vấn đề của nội bộ khi ra sách công khai. Vài lần anh nói: “Trong kết luận của Hội nghị Bộ Chính trị và một số thư, tôi trình bày tất cả khó khăn, phức tạp tình hình quốc tế và trong nước là để dự báo, lường trước, thống nhất, nỗ lực... Như quan hệ với ta, mâu thuẫn Trung-Xô, mưu đồ các thế lực không muốn Việt Nam thống nhất, Việt Nam mạnh lên. Đó là một lẽ, nhưng không có sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc, chúng ta cũng khó mà thắng Mỹ. Dù đã 10 năm, nhưng khi ra sách các chú phải tìm cách diễn đạt thế nào để bạn bè không nghĩ ta quên ơn, không có trước có sau”. 

Năm nay, kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907 - 7/4/2022) và kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), ngồi chép lại những dòng này từ sổ tay ghi chép cách đây gần 40 năm, tôi vô cùng xúc động, kính trọng, bồi hồi nhớ anh, thấy anh Ba như hiển hiện bên mình, thấy Tổng Bí thư Lê Duẩn vẫn sống mãi với chúng ta, sống mãi trong sự nghiệp vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta.