Tại sao báo in không bao giờ “chết”?

Ngày nay, thật khó có thể tìm ra một ai đó không có smartphone, hoặc ngôi nhà nào đó không máy tính để bàn hay laptop. Với các phương tiện đó, người ta có thể cập nhật tin tức đang diễn ra khắp nơi trên thế giới một cách nhanh chóng. Tuy nhiên hiện nay, người dân của một số nước phát triển, vì một lý do nào đó, đã quay lưng với các thiết bị điện tử và trở về với những tờ báo in thơm mùi mực.

Một buổi họp tại phòng tin tức của báo The New York Times. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Một buổi họp tại phòng tin tức của báo The New York Times. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Báo giấy còn nhiều lợi thế

Còn nhớ bộ phim “Moscow không tin vào những giọt nước mắt” của Liên Xô (trước đây), trong đó, một trong những nhân vật chính là tay quay phim Rudik dự đoán rằng: “Truyền hình sớm muộn gì cũng sẽ “lật đổ” cuộc sống của nhân loại. Sẽ chẳng còn gì hết. Không phim ảnh, không sân khấu, không sách báo, tuyệt đối chỉ còn lại truyền hình”. Thế nhưng Rudik đã sai. Những chiếc “màn hình xanh” đã thất bại trước sự bùng nổ của internet. Còn sân khấu và điện ảnh thì lại nở rộ hơn bao giờ hết.

Tương tự là với báo in. Nhiều người sau khi “no nê” với đủ loại rác thông tin và những thứ kỳ quái trên mạng đã quay lại chọn đọc báo truyền thống. Con người đã thấy mệt mỏi trong ảo giác, phát ngán với “bong bóng” công nghệ. Họ muốn cái gì đó thực tế hơn, hữu hình hơn và cổ điển hơn.

Như biên tập viên Sue Pirth của tờ Daily Mail viết: “Khi bắt đầu cầm một tờ báo, tôi cứ như đang nghe âm thanh của một dàn nhạc nổi lên trước khi bức màn chắn của nhà hát được kéo. Bạn không bao giờ biết được điều gì đang đợi bạn ở trong số báo ấy, nhưng bạn chắc chắn rằng, thông qua ý thức, bạn sẽ nảy ra nhiều ý tưởng hơn, những điều mà bạn chưa bao giờ nghĩ đến. Tôi cho rằng người ta đang trở lại với báo in”.

Tin tức trên báo in rõ ràng có nhiều ưu thế hơn với sự hợp lực của một đội ngũ nhân lực. Từ lúc đánh máy đến khi in ấn, bản thảo đã được “lục lọi” kỹ qua bàn tay một số biên tập viên chuyên nghiệp, bởi trách nhiệm với sản phẩm và yêu cầu đối với báo in là cao hơn nhiều so thông tin mà một ai đó đưa lên internet.

Thật khó tin, song báo in trên khắp thế giới đang trở thành một trong những thành trì cuối cùng của thứ ngôn ngữ chất lượng. Bởi, ngay cả những trang báo mạng tự nhận mình là phương tiện truyền thông lớn, vẫn để sót vô số lỗi, kể cả là lỗi chính tả hay những điều ngớ ngẩn khác. Nguyên nhân là ở chỗ, hầu hết trang báo mạng đều tuyển các sinh viên trẻ tuổi, sáng tạo của các trường đại học. Kiến thức còn hạn chế, hay sự thiếu kinh nghiệm sống khó giúp họ có được những ý tưởng hay ho và dễ hiểu, chưa nói đến việc thực hiện được những bài phóng sự, điều tra thu hút sự chú ý của công luận. Tất cả những gì họ có thể là viết lại những thông tin của nhau. Chính vì vậy, trong thế giới internet đầy rẫy thông tin mà không phải tất cả đều chính xác. Về cơ bản, đó như là một thanh kẹo cao-su nhai đi nhai lại nhiều lần.

Tại sao báo in không bao giờ “chết”? ảnh 1

Biếm họa của MACMAIN

Nhanh không có nghĩa là tốt

Ông Jeremy Leslie, nhà sáng lập tờ MagCulture (Anh) chuyên cung cấp thông tin cho những ai ưa thích công việc thiết kế biên tập báo giấy nói rằng, trong những năm gần đây nhiều tờ báo lớn đã bán được nhiều báo hơn, mỗi ngày lại xuất hiện thêm nhiều ấn phẩm mới. “Ngày càng có nhiều tờ báo in được chuẩn bị tốt cả về hình thức lẫn nội dung. Đây thật sự là một quãng thời gian đầy phấn khích. Báo in và tạp chí đang bước vào thời kỳ hồi phục mạnh mẽ”, Jeremy Leslie nói.

Lượng phát hành của báo in đang tăng lên ở châu Âu, châu Mỹ và nhảy vọt ở châu Á. Ở Nhật Bản, nơi công nghệ và tiến bộ đi trước thời đại, ngày càng nhiều người đặt mua một số tờ báo mới ra lò, và tất nhiên không phải để gói sushi. Báo in ở “đất nước mặt trời mọc” vẫn được phát hành với một số lượng lớn. Năm 2017, lượng phát hành của The New York Times tăng gấp 10 lần, The Wall Street Journal tăng gấp đôi, trong khi Los Angeles Times tăng hơn 60% so năm 2016.

Lượng phát hành của các tờ báo Mỹ nói trên tăng mạnh một phần do độc giả đã chán ngán những thông tin giả trên internet. Mong muốn được click chuột và đăng tải thông tin nhanh nhất đã kéo theo một hệ lụy, đó là có tới 90% thông tin ảo, không phản ánh đúng thực tế.

Sự cẩn thận trong quá trình chọn lọc thông tin giúp báo in ngày càng lấy lại được vị thế. Các trang tin tức có thể hoàn thành nhiệm vụ đưa tin một cách xuất sắc, nhưng nếu thiếu sự phân tích, thiếu đánh giá những sự kiện diễn ra, hay quan trọng là thiếu sự kiểm chứng thì nhanh chóng khiến độc giả mất lòng tin. Trong khi đó, báo in chiếm được sự tin cậy không phải ở sự nhanh nhạy mà là ở chất lượng. Theo Hiệp hội Báo chí và các nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA), khoảng 40% người lớn tuổi trên thế giới vẫn đọc báo in hằng ngày.

Báo in khác báo internet ở chỗ, thông tin được đưa ra luôn được kiểm chứng. Nó không cung cấp cho độc giả những tin tức giả mạo hay gây ngờ vực. Còn đối với tin tức trên các trang mạng, dù độc giả muốn nhận được những gì thú vị nhất, nhưng bộ não con người không thể chứa hết một khối lượng lớn thông tin mà rất nhiều trong số đó chưa được kiểm chứng. Trước sự bùng nổ của các mạng xã hội trong những năm gần đây, nhiều tờ báo đã vội vã chuyển sang dạng điện tử nhưng cũng nhanh chóng nhận ra rằng việc duy trì báo in vẫn là điều quan trọng.

Báo cáo chuyên nghành của Rospechat (Cơ quan Báo chí và Truyền thông Liên bang Nga) năm 2017 cho biết: “Báo giấy nên “sống” lâu nhất đến khi nào có thể, bởi đây không chỉ là sự cam kết tiếp tục tồn tại của các thương hiệu báo chí, mà còn là bảo đảm sự đáp ứng nhu cầu của thị trường, trong đó có quảng cáo”.

Kết quả của một nghiên cứu về tương lai của báo chí và nhu cầu về nội dung kỹ thuật số ở Mỹ, Anh và một số nước phương Tây khác giai đoạn đến năm 2020, được đăng trên The Guardian, cho thấy “doanh thu từ nội dung số trên thị trường chung của báo chí, sách và công nghiệp tạp chí ở hơn 50 nước nói tiếng Anh vào năm 2020 sẽ chỉ đạt khoảng 24%. Vì vậy, dù cho các tờ báo giấy, tạp chí đã suy giảm, song nhu cầu của người tiêu dùng và các nhà quảng cáo trong tương lai gần vẫn sẽ giúp báo in đứng vững”.