Tác động của mạng xã hội tới trẻ em

Ngày 18/11, một loạt bang của Mỹ thông báo mở cuộc điều tra chung nhằm vào Meta-công ty Facebook mới đổi tên và là chủ sở hữu của ứng dụng Instagram, liên quan cáo buộc khuyến khích trẻ em sử dụng ứng dụng này bất chấp những tác hại có thể gây ra đối với trẻ. Trước đó, một tiểu ban của Quốc hội Mỹ đã mở phiên điều trần đối với ba mạng xã hội TikTok, Snapchat và YouTube, liên quan việc kiểm soát nội dung với những người dùng trẻ tuổi. 

Thanh, thiếu niên là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi các mạng xã hội. Ảnh: DAILY NEWS
Thanh, thiếu niên là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi các mạng xã hội. Ảnh: DAILY NEWS

Những lo ngại lớn

Theo AP, Bộ trưởng Tư pháp bang Massachusetts, Maura Healey cho rằng, Meta đã không bảo vệ thanh, thiếu niên trên các nền tảng của công ty này, mà thay vào đó lại chọn cách phớt lờ, hoặc trong một số trường hợp chỉ giảm bớt các hoạt động được xác định là tiềm ẩn mối đe dọa thật sự đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ em. Bộ trưởng Maura Healey nhấn mạnh, đó là lợi dụng trẻ em để kiếm lợi nhuận.

Tham gia cuộc điều tra có người đứng đầu cơ quan tư pháp và các cố vấn pháp luật hàng đầu của các bang New York, Colorado, California, Florida, Kentucky, Nebraska, New Jersey, Tennessee, and Vermont. Cuộc điều tra tiến hành trong bối cảnh vào tháng 10 vừa qua, Facebook đã đổi tên thành Meta khi công ty này tìm cách thoát khỏi các bê bối trong quá khứ và hướng sự chú ý của khách hàng đến sản phẩm thực tế ảo của hãng trong tương lai.

Bộ trưởng Tư pháp bang California, Rob Bonta cho biết, cuộc điều tra tập trung vào nhiều vấn đề, trong đó có các kỹ thuật của Meta nhằm thu hút và tăng thời lượng sử dụng của thanh, thiếu niên và đẩy tới những hậu quả tiềm tàng. Theo ông Bonta, cuộc điều tra được xúc tiến sau khi có nhiều thông tin tiết lộ kết quả báo cáo nội bộ của Meta cho thấy việc sử dụng Instagram có liên quan các nguy cơ về sức khỏe thể chất và tinh thần của thanh, thiếu niên, trong đó có chứng trầm cảm, rối loạn ăn uống, thậm chí tự tử. 

Trước đó, cuộc điều trần của Tiểu ban Bảo vệ người tiêu dùng, An toàn sản phẩm và Bảo mật dữ liệu thuộc Thượng viện Mỹ đã được tổ chức vào ngày 26/10, nối tiếp phiên điều trần khi “người tuýt còi” Frances Haugen-cựu giám đốc dự án tại Facebook, tiết lộ nhiều thông tin động trời về tác động của mạng xã hội có đông người sử dụng nhất thế giới đối với trẻ em và thanh, thiếu niên hồi đầu tháng 10. Tương tự, trong phiên làm việc lần này, các nhà lập pháp Mỹ cũng yêu cầu đại diện các mạng xã hội đang có ảnh hưởng hiện nay là TikTok, Snapchat và YouTube làm rõ các biện pháp quản lý nội dung nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực tới người sử dụng là trẻ em và thanh, thiếu niên trên không gian mạng. 

Theo The Wall Street Journal, Thượng nghị sĩ Mỹ Amy Klobuchar chất vấn đại diện Tiktok về việc thuật toán của mạng này có thể khiến người dùng trẻ tuổi bị cuốn theo những nội dung độc hại dẫn đến chứng rối loạn ăn uống, nghiện ma túy và bạo lực. Đại diện của ứng dụng chia sẻ video TikTok cho biết, hãng này đã xây dựng nhiều biện pháp để bảo vệ thanh, thiếu niên trước những rủi ro về sức khỏe tâm thần hiện nay trên mạng xã hội. 

Câu hỏi của Thượng nghị sĩ Mike Lee dành cho Snapchat về việc một nhân viên của ông đã thử tạo một tài khoản Snapchat cho người dùng 15 tuổi, song vẫn xuất hiện những nội dung quảng cáo liên quan trò chơi điện tử, hoặc khiêu dâm không phù hợp trẻ em. Theo bà Jennifer Stout, Phó Chủ tịch Đối ngoại công chúng toàn cầu của Snapchat, tính năng “khám phá” của ứng dụng này được kiểm duyệt chặt chẽ và “nếu video vi phạm các nguyên tắc của chúng tôi, nội dung đó sẽ bị gỡ xuống”. Bà Stout cũng cho rằng, Snapchat được xây dựng như một “liều thuốc giải” cho mạng xã hội. Theo bà, công ty đang nỗ lực để tham gia các hoạt động chống buôn bán ma túy. Trước đó, Snapchat từng bị chỉ trích chứa nhiều nội dung quảng cáo ma túy.

Đây là lần đầu hai mạng xã hội TikTok và Snapchat ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Trước đó, Facebook, Instagram và Google và YouTube đều đã phải tham gia điều trần trước hàng loạt cáo buộc về tác hại của mạng xã hội. Các nhà lập pháp Mỹ lo ngại rằng, các nền tảng truyền thông xã hội trực tuyến đều có thể đe dọa sức khỏe tinh thần, quyền riêng tư đối với người dùng là trẻ em, thanh, thiếu niên. Hầu hết mạng xã hội đều giới hạn độ tuổi người dùng từ 13, nhưng hiện nay, cả TikTok, YouTube, Snapchat, Instagram… ngày càng thu hút đông đảo trẻ em sử dụng và theo dõi, đồng thời tăng trưởng nhanh đối với nhóm người dùng là thanh, thiếu niên. 

Cần siết chặt kiểm duyệt nội dung

Vấn đề đặt ra hiện nay giữa các nền tảng truyền thông xã hội là việc cần đề ra những giải pháp thay thế “các thuật toán không rõ ràng” khi quản lý nội dung mọi sản phẩm của mình. Trong phiên điều trần vừa qua, đại diện của các công ty đã trình bày những nỗ lực để khiến các nền tảng an toàn hơn, bao gồm biện pháp chặn trẻ em tránh xa nội dung có thể gây hại, thiết kế các tính năng để hạn chế thanh, thiếu niên so sánh bản thân với bạn bè cùng trang lứa. 

Theo bà Leslie Miller, Phó Giám đốc của YouTube, thì: “Các chính sách dành riêng cho trẻ vị thành niên của chúng tôi hiện nay nghiêm cấm nội dung lợi dụng hoặc gây nguy hiểm cho trẻ trên YouTube”. Bà cũng cho biết, tính từ tháng 4 đến tháng 6, nhóm kiểm duyệt của công ty đã xóa gần 1,8 triệu video vi phạm chính sách trẻ em. Gần đây, công ty cũng rục rịch thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế quảng cáo mục tiêu đối với nội dung dành cho trẻ em. Động thái này được thực hiện sau án phạt 170 triệu USD đối với YouTube vào năm 2019 vì đã vi phạm các quy tắc về quyền riêng tư trực tuyến liên quan đến trẻ em. 

Bà Leslie Miller lập luận rằng: “Điều quan trọng là phải đưa ra các biện pháp bảo vệ, cho phép thanh, thiếu niên tiếp cận thông tin phù hợp lứa tuổi. Chúng tôi thực hiện điều này bằng cách đầu tư vào quan hệ đối tác, công nghệ và chính sách tạo ra môi trường an toàn hơn”. 

Mặc dù vậy, giới lập pháp Mỹ cho rằng những biện pháp kiểm soát nội dung chưa đủ mạnh, đặc biệt là việc xóa các video vi phạm chính sách an toàn không thể làm cho mọi trẻ em “miễn nhiễm” trước thông tin độc hại, mà chỉ hạn chế số lượng người xem trước khi video được lan truyền rộng hơn, hay nói cách khác là “mất bò mới lo làm chuồng”. 

Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn, đồng chủ trì phiên điều trần đã nhấn mạnh: “Các nền tảng xã hội ngày nay đã tự do quảng cáo và lan truyền những nội dung nguy hiểm cho trẻ em và thanh, thiếu niên trong suốt thời gian dài”. Bà lo ngại việc thiếu đi sự kiểm soát cần có đối với mạng xã hội sẽ kéo dài nếu giới chức không sớm can thiệp. 

Việc các “gã khổng lồ” công nghệ phải đối mặt cáo buộc đặt lợi nhuận lên trên đạo đức kinh doanh không còn xa lạ trong thời gian qua. Ngoài chỉ trích nội dung độc hại với trẻ em, các mạng xã hội cũng bị cáo buộc như “né thuế” hay trốn tránh trách nhiệm. Facebook, Instagram, YouTube, Snapchat… hiện cũng phải đối mặt những chỉ trích ngày càng gia tăng từ phía các chính phủ, khi làm lan truyền thông tin sai lệch về dịch bệnh và vaccine.  

Chẳng hạn tại Anh, các cơ quan chức năng nước này đã tiến hành các biện pháp can thiệp sâu hơn trong việc quản lý và kiểm soát nội dung trên mạng xã hội Facebook. Cơ quan Quản lý viễn thông Anh (Ofcom) đã được đề xuất trao quyền lớn hơn trong việc kiểm toán cũng như kiểm tra hoạt động nội bộ của các công ty công nghệ, bao gồm những thuật toán giúp điều chỉnh nội dung mà người dùng sử dụng. Các nhóm vận động cũng đã kêu gọi đưa thêm nhiều biện pháp bảo vệ trẻ em vào Dự luật An toàn trực tuyến mới của Anh, đồng thời có thể truy tố hình sự đối với những người điều hành nền tảng xã hội cố ý vi phạm đạo đức kinh doanh khiến người dùng là trẻ em gặp rủi ro.

Một số ý kiến cũng đề xuất phải coi Facebook như một “nhà xuất bản” chịu trách nhiệm về nội dung trên nền tảng của mình, cũng như về trách nhiệm trước pháp luật. Trước các tác hại tiềm tàng to lớn do các mạng truyền thông xã hội gây ra với một thế hệ người dùng trẻ tuổi, ngày càng nhiều quốc gia ủng hộ và thực hiện việc xây dựng chính sách kiểm soát quản lý mạng xã hội, cũng như kêu gọi trách nhiệm của những “gã khổng lồ” công nghệ để chia sẻ lợi nhuận và chi phí cho các vấn đề an ninh, an toàn trên không gian số.