Sống chung an toàn với Covid-19

Cùng với tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa Covid-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đã điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch, chuyển từ mục tiêu “không Covid-19” sang “sống chung an toàn với Covid-19”. Để đưa ra quyết định này, các nước đã phải trải qua một quá trình thay đổi từ nhận thức về bản chất của dịch bệnh đến kiểm nghiệm sự hiệu quả của các chiến lược chống dịch khác nhau. 

Lấy mẫu xét nghiệm cho du khách tại sân bay quốc tế Ben Gurion, Israel. Ảnh: REUTERS
Lấy mẫu xét nghiệm cho du khách tại sân bay quốc tế Ben Gurion, Israel. Ảnh: REUTERS

Thay đổi cách tiếp cận

Mới đây, Quốc hội Anh công bố một báo cáo cho biết, việc chính phủ và các nhà khoa học nước này từng đưa ra quyết định ủng hộ chiến lược tạo miễn dịch cộng đồng trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 là một trong những “thất bại” y tế cộng đồng. Báo cáo chỉ ra rằng, vào tháng 3/2020, Anh đã chậm đóng cửa so với một số quốc gia châu Âu và không thể thực hiện xét nghiệm, truy vết thành công như nhiều quốc gia Đông Á, đồng thời không sớm áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt - điều giúp giảm sự lây lan dịch bệnh từ du khách. Mặt khác, báo cáo ca ngợi chương trình tiêm chủng của Anh và cách chính phủ nước này hỗ trợ phát triển một số loại vaccine là một trong những sáng kiến hiệu quả nhất trong lịch sử Vương quốc Anh, giúp cứu sống hàng triệu người ở Anh và trên toàn thế giới.

Trong khi đó, New Zealand - quốc gia từng được coi là mô hình chống dịch hiệu quả qua việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phong tỏa ngay từ đầu để đạt trạng thái “không Covid-19”, cũng đã thay đổi cách nhìn nhận về dịch bệnh. Biến thể Delta bùng phát đã buộc New Zealand từ bỏ chiến lược cố gắng xóa sổ hoàn toàn các ca nhiễm, chuyển sang vừa chống dịch vừa bảo đảm cuộc sống an toàn.

Israel cũng từng đem tới hy vọng về mô hình chống dịch hữu hiệu thông qua đẩy nhanh tốc độ tiêm bao phủ vaccine. Tháng 4/2021, Israel tuyên bố “chiến thắng” đại dịch với hơn một nửa dân số nước này được tiêm hai mũi vaccine và ghi nhận ngày đầu tiên trong gần một năm không có ca tử vong. Israel lập tức dỡ bỏ hạn chế và nối lại các chuyến bay quốc tế. Tuy nhiên, đến tháng 7, tình hình dịch bệnh phức tạp trở lại khiến dư luận hoang mang, kể cả khi tỷ lệ tiêm vaccine tại Israel tương đối cao so thế giới. Sau đó, Ủy ban quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 của Israel phải thừa nhận đã có nhận thức sai lầm rằng dịch bệnh đã kết thúc.

Đến đầu tháng 10, Thủ tướng Naftali Bennett tuyên bố, Israel đang dần phá vỡ làn sóng dịch bệnh do biến thể Delta gây ra, ghi nhận chính sách của chính phủ về “sự quản lý chặt chẽ, thông minh và linh hoạt” trong việc sống chung với Covid-19. Reuters dẫn lời GS Ran Balicer, người đứng đầu Ban cố vấn về Covid-19 cho Chính phủ Israel cho biết, sự kết hợp tổng thể các biện pháp đã giúp Israel làm chậm đà lây lan của biến thể Delta. Thời gian qua, Israel chuyển hướng tập trung vào các đối tượng chưa tiêm ngừa, tiêm bổ sung ở nhóm có hệ miễn dịch bắt đầu giảm, đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, trong đó có tăng cường xét nghiệm tại nhà, bắt buộc đeo khẩu trang và áp dụng trở lại “thẻ xanh”, chứng nhận đã tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh, hay có kết quả xét nghiệm âm tính. 

Cần chiến lược phù hợp

Liên quan chiến lược chống dịch, theo South China Morning Post (SCMP), thế giới chia làm hai luồng quan điểm khác biệt. Nhóm thứ nhất gồm những người ủng hộ chính sách “không Covid”, thường viện dẫn trường hợp của Trung Quốc để khẳng định cách thức an toàn nhất để chống dịch là loại bỏ nó thông qua phong tỏa và cách ly. Nhóm này cũng nhấn mạnh rằng, ở những nước lựa chọn chiến lược “không Covid”, nhìn chung kinh tế phát triển nhanh hơn ở những nước chọn phương án giảm nhẹ tác động của dịch bệnh. Đồng thời, nhóm ủng hộ “không Covid” cũng cảnh báo về những mối đe dọa khôn lường của các biến thể gây nên Covid-19 nếu để dịch kéo dài.

Nhóm thứ hai gồm những người ủng hộ việc mở cửa trở lại với nhận định rằng vaccine có thể bảo vệ phần lớn người dân khỏi những triệu chứng nghiêm trọng, do đó việc biến chủng Delta lây lan vẫn là “chấp nhận được”. Nhóm này lấy dẫn chứng nhiều nước có tỷ lệ tiêm chủng cao ở châu Âu đã dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch mà không dẫn tới sự tăng vọt về số ca tử vong. Những người ủng hộ mở cửa trở lại cảnh báo về việc các biện pháp hạn chế sẽ gây ra các thiệt hại không đáng có đối với xã hội, sức khỏe tinh thần và cả nền kinh tế.

Một số chuyên gia tin rằng, có thể kết hợp cả hai chiến lược khi hướng tới việc vừa tích cực chống dịch, đồng thời “bình thường hóa” trở lại cuộc sống. Bên cạnh việc đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine, ứng dụng rộng rãi “thẻ xanh” đi lại, tuân thủ triệt để những khuyến cáo y tế, các chuyên gia y tế tiếp tục nhắc lại vai trò của xét nghiệm thường xuyên và rộng rãi. 

Trong bài đăng trên SCMP, TS Adam Claridge-Chang thuộc Trường Y Duke-NUS (Singapore) cho rằng, tự xét nghiệm có thể dễ dàng thực hiện như các thói quen vệ sinh cá nhân hằng ngày và việc bảo đảm để bộ xét nghiệm có chi phi thấp như một thứ nhu yếu phẩm được phổ cập rộng rãi sẽ là công cụ hữu hiệu để đẩy lùi những làn sóng gây nên bởi các biến thể mới, hoặc các đại dịch khác trong tương lai. GS chuyên ngành dịch tễ học Michael Mina, Đại học Harvard (Mỹ) cũng cho rằng, sử dụng thường xuyên và rộng rãi phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART) với độ nhạy cao, cho kết quả nhanh và chi phí thấp có thể giúp bẻ gãy chuỗi lây nhiễm.

Singapore, một trong những nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, thúc đẩy sử dụng rộng rãi ART. Người tiếp xúc gần với các ca bị nhiễm Covid-19 sẽ được phát bộ xét nghiệm miễn phí để sử dụng hằng ngày trong vòng một tuần. Tuy nhiên, việc sử dụng bộ xét nghiệm tại nhà ở Singapore được cho là vẫn tương đối chậm, bởi giá thành ART vẫn cao, khoảng 7,3 USD cho một lần xét nghiệm.

Kết quả một cuộc khảo sát dư luận tại Mỹ cho thấy, nếu bộ xét nghiệm nhanh có giá 1 USD, thì khoảng 79% người được hỏi tuyên bố sẵn sàng sẽ sử dụng ART thường xuyên. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã có những động thái điều chỉnh chính sách như thúc đẩy Đạo luật Sản xuất quốc phòng nhằm tăng sản xuất và nhập hàng triệu bộ xét nghiệm.

Xu hướng tất yếu

Channel News Asia (CAN) phân tích, trước khi biến thể Delta xuất hiện, số ca nhiễm Covid-19 tại Singapore có nguồn gốc từ nước ngoài nhiều hơn số ca lây nhiễm cộng đồng trong nước. Tuy nhiên, với biến thể Delta, tỷ lệ này đã đảo ngược, khi số ca bệnh nhập cảnh chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Điều đó cho thấy việc chuyển trọng tâm từ các biện pháp đóng cửa biên giới sang các hạn chế lây nhiễm trong nước sẽ có lợi hơn. Các nước châu Âu, Bắc Mỹ đã nhận thấy điều này và từng bước mở cửa biên giới, đồng thời vẫn áp dụng một số hạn chế và giãn cách xã hội trong nước.

Nhà trắng cho biết, từ ngày 8/11 tới, Chính phủ Mỹ sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại với người nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, du khách quốc tế có giấy chứng nhận tiêm các loại vaccine ngừa Covid-19 đã được các cơ quan quản lý của Mỹ hoặc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép, sẽ được phép nhập cảnh. Người nhập cảnh bằng đường hàng không cần có thêm kết quả xét nghiệm âm tính, trong khi khách nước ngoài nhập cảnh qua đường bộ không cần kết quả xét nghiệm này.

Singapore tuyên bố mở rộng Chương trình Hành lang du lịch cho khách đã tiêm đủ liều vaccine, mở cửa đường biên giới, từ ngày 19/10 không yêu cầu cách ly với người đã tiêm đủ vaccine từ chín quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ. Thái-lan nghiên cứu nhân rộng mô hình “Hộp cát Phuket” vốn đem lại thành công bước đầu trong việc tiếp nhận trở lại khách quốc tế, tái khởi động ngành du lịch. Từ ngày 1/11 tới, Thái-lan sẽ mở cửa hoàn toàn cho du khách đã tiêm đầy đủ vaccine đến bằng đường hàng không từ 10 quốc gia được coi là có nguy cơ bùng phát dịch bệnh thấp. CNA cho rằng, những thành công trong việc tiếp nhận khách quốc tế mà không gây ảnh hưởng tình hình sức khỏe cộng đồng có thể tạo “hiệu ứng domino” tại khu vực, khi ngày càng có nhiều nước cân nhắc mở cửa trở lại biên giới. 

Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho rằng, Covid-19 sẽ là “một phần tất yếu” của thế giới, do vậy sống chung an toàn với Covid-19 cũng là xu hướng tất yếu để vừa ứng phó dịch bệnh, vừa khôi phục cuộc sống, bảo đảm phát triển kinh tế. Đồng thời, các chuyên gia y tế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hệ thống y tế, áp dụng linh hoạt biện pháp ứng phó theo từng mức độ dịch bệnh ở mỗi nước, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch và đề cao trách nhiệm cá nhân trong phòng, chống dịch bệnh.