Phục hồi du lịch sau đại dịch

Du lịch vốn được coi là một trong các trụ cột trong phần lớn những mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, nhưng thời gian qua đã chịu tác động nặng nề do đại dịch Covid-19. Trong thông điệp nhân Ngày du lịch thế giới (27/9), Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi tái khởi động ngành du lịch nhằm thúc đẩy phục hồi toàn cầu, vì tăng trưởng bao trùm, thịnh vượng và góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững. 

Du khách tại sân bay Malaga-Costa del Sol, Tây Ban Nha. Ảnh: AP
Du khách tại sân bay Malaga-Costa del Sol, Tây Ban Nha. Ảnh: AP

Du lịch nội địa dần hồi sinh

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đưa ra lời kêu gọi trên trong bối cảnh ngành du lịch tại nhiều nơi trên thế giới tiếp tục “điêu đứng” trước những biện pháp hạn chế đi lại do các nước áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Theo số liệu từ Tổ chức Du lịch thế giới của LHQ (UNWTO), trong 5 tháng đầu năm 2021, lượng khách du lịch quốc tế giảm 85% so cùng kỳ trước đại dịch năm 2019 và giảm 65% so cùng kỳ năm 2020, khi du lịch quốc tế bị tê liệt bởi các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Tính theo khu vực, châu Á - Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với lượng khách du lịch quốc tế trong 5 tháng đầu năm 2021 giảm 95% so cùng kỳ năm 2019; mức giảm ghi nhận ở châu Âu là 85%, trong khi các con số này ở Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ lần lượt là 83%, 81% và 72%. 

Năm 2019, với hơn 1,4 tỷ lượt khách quốc tế, du lịch đóng góp gần 9.000 tỷ USD vào GDP toàn cầu. Năm 2020, do dịch bệnh, lượng khách du lịch quốc tế giảm, khiến ngành du lịch thế giới thiệt hại khoảng 3.300 tỷ USD, tương đương 4,2% tổng GDP toàn cầu. UNWTO ước tính, năm 2021, đại dịch tiếp tục khiến du lịch quốc tế thất thu khoảng 2.400 tỷ USD. Đáng lo ngại là các nước đang phát triển lại phụ thuộc nhiều vào du lịch, trong khi lực lượng lao động trong ngành này là các đối tượng thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất. Theo UNWTO, phụ nữ chiếm tới 54% lực lượng lao động chính trong ngành du lịch.  

Du lịch trong nước, nhất là ở một số quốc gia có thị trường khách du lịch nội địa lớn, hiện là động lực tăng trưởng chính cho sự hồi sinh của toàn ngành du lịch. Số lượng hành khách trên các chuyến bay nội địa ở Trung Quốc có thời điểm vượt mức trước khủng hoảng dịch bệnh. Đến cuối tháng 8 vừa qua, tỷ lệ lấp phòng khách sạn và lượng hành khách bay nội địa tại Trung Quốc tăng trở lại, đạt 90% con số cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh công tác tiêm chủng, chính quyền các địa phương yêu cầu người dân sử dụng ứng dụng trên điện thoại để lưu lại lịch trình, giúp đơn giản hóa công tác truy vết nếu phát hiện ca nhiễm.

Ngày 16/9, Malaysia đã thực hiện thí điểm “bong bóng du lịch” ở đảo Langkawi thuộc bang Kedah, đối với du khách nội địa là người đã hoàn thành tiêm chủng. Langkawi đã đón 9.500 du khách ngay trong ngày đầu mở cửa và đặt mục tiêu đến cuối năm thu hút được khoảng 200.000 du khách. Indonesia cũng đã triển khai các “vùng xanh” tại các đảo du lịch Bintan, Batam và Bali sau khi hoàn thành tiêm vắc-xin cho ít nhất 70% người dân.

Tại châu Âu, lượng khách du lịch nội địa ở Italia thậm chí còn đạt mức kỷ lục mới. AP dẫn số liệu của Liên đoàn các cơ sở buôn bán hàng thủ công và các doanh nghiệp vừa và nhỏ Italia (CNA) cho hay, trong hai tháng 7 và 8, Italia ghi nhận khoảng 23 triệu lượt khách du lịch trong nước, cao hơn cả con số 18 triệu lượt khách năm 2019, thời điểm trước khi Covid-19 xuất hiện. Giấy chứng nhận Covid-19, hay còn gọi là “thẻ xanh”, góp phần quan trọng giúp Italia đạt được lượng khách nội địa ấn tượng này. 

Phục hồi du lịch sau đại dịch -0
Bãi biển trên đảo Lampedusa của Italia. Ảnh: REUTERS 

Vực dậy du lịch quốc tế

Du lịch quốc tế cũng cho thấy những dấu hiệu phục hồi, dù ở mức độ rất thấp, mong manh và không đồng đều giữa các khu vực. Mối lo ngại gia tăng về biến thể Delta khiến một số quốc gia phải áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế. Ngoài ra, sự biến động và thiếu thông tin rõ ràng về các yêu cầu nhập cảnh tiếp tục ảnh hưởng đến việc vực dậy ngành du lịch quốc tế. 

Tuy nhiên, các chương trình tiêm chủng trên khắp thế giới, cùng những hạn chế nhẹ nhàng hơn đối với khách du lịch đã tiêm chủng và việc áp dụng các công cụ kỹ thuật số đang góp phần quan trọng vào việc dần bình thường hóa việc đi lại. Cuộc khảo sát mới đây của Hội đồng chuyên gia du lịch UNWTO cho thấy, niềm tin vào phục hồi ngành du lịch quốc tế đã cải thiện đáng kể. Có tới 60% người được hỏi cho rằng du lịch quốc tế sẽ quay trở lại mức trước đại dịch vào năm 2022.

Với việc triển khai Chứng chỉ Covid kỹ thuật số của Liên hiệp châu Âu (EUDCC), nhằm chứng nhận việc đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính hay đã khỏi bệnh, phần lớn các nước châu Âu cho phép người nước ngoài nhập cảnh với mục đích du lịch mà không cần trải qua cách ly y tế. Hy Lạp, Cyprus, Thổ Nhĩ Kỳ là các nước ghi nhận sự phục hồi tốt nhất trong ngành du lịch trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua. Thành phố nghỉ dưỡng Palma Mallorca của Tây Ban Nha và Athens của Hy Lạp đứng đầu danh sách các thành phố du lịch châu Âu phục hồi tốt nhất, với lượng du khách đạt trên 70% so mức cùng kỳ năm 2019.

Nhiều nước châu Á cũng có các thử nghiệm để tiếp nhận trở lại du khách quốc tế. Thái-lan nghiên cứu nhân rộng mô hình “hộp cát Phuket”, chương trình bước đầu đem lại kết quả khả quan khi thu hút hơn 26.000 du khách quốc tế là những người đã tiêm chủng đầy đủ và đến từ các nước có nguy cơ dịch tễ thấp hoặc trung bình trong hai tháng 7 và 8 vừa qua. Cơ quan Du lịch Thái-lan (TAT) đề xuất kế hoạch phát huy hiệu quả của dự án Phuket, đặt mục tiêu thu hút một triệu lượt khách trong quý IV/2021 và quý I/2022, tạo ra doanh thu khoảng 60 tỷ baht (1,8 tỷ USD). Chính phủ Thái-lan cũng đã phê duyệt đề xuất thành lập Quỹ thúc đẩy du lịch, đồng thời công bố Năm Du lịch Thái-lan 2022.

Singapore, một trong những quốc gia đạt tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 cao nhất và sớm nhất trên thế giới, đã khởi động hoạt động du lịch quốc tế bằng chương trình “Hành lang du lịch tiêm chủng”, thí điểm với các du khách đến từ Đức và Brunei. Indonesia dự kiến mở cửa đón các du khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và New Zealand đến đảo Bali và một số địa điểm khác vào tháng 10. Sáng kiến “Hành lang xanh” nhằm khôi phục du lịch quốc tế an toàn do Bộ Du lịch Philippines đề xuất hướng tới các du khách đến từ 10 quốc gia, tuy nhiên khách quốc tế vẫn cần cách ly y tế 14 ngày để kiểm dịch.

Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili nhấn mạnh, cùng với việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trên toàn thế giới, việc cải tiến các công cụ kỹ thuật số, phối hợp và thống nhất nguyên tắc đi lại giữa các quốc gia cũng đóng vai trò quan trọng giúp xây dựng lại niềm tin và khởi động lại ngành du lịch.

Vực dậy ngành du lịch an toàn và có trách nhiệm góp phần đẩy nhanh phục hồi và tăng trưởng, đồng nghĩa với việc tiếp cận được những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều biến thể mới gây bệnh nguy hiểm liên tục xuất hiện, phục hồi du lịch cần có lộ trình thận trọng, từng bước và có kiểm soát.