Nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em

Theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện có khoảng 160 triệu trẻ em, tương đương gần một phần mười tổng số trẻ em trên thế giới đang là nạn nhân của tình trạng lao động trẻ em và con số này đang có xu hướng gia tăng. Hội nghị toàn cầu lần thứ năm về xóa bỏ lao động trẻ em diễn ra tại Nam Phi kêu gọi các nước hành động mạnh mẽ hơn để xóa bỏ tình trạng này. 

Tình trạng lao động trẻ em vẫn diễn ra tại nhiều nước. Ảnh: NEW EUROPE
Tình trạng lao động trẻ em vẫn diễn ra tại nhiều nước. Ảnh: NEW EUROPE

Gia tăng tình trạng lao động trẻ em

Theo UN News, Hội nghị toàn cầu lần thứ năm về xóa bỏ lao động trẻ em được tổ chức tại thành phố cảng Durban của Nam Phi từ ngày 15 đến 20/5. Được tổ chức dưới sự phối hợp giữa ILO, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Bộ Việc làm và Lao động Nam Phi, đây là lần đầu hội nghị toàn cầu về xóa bỏ lao động trẻ em diễn ra tại một nước châu Phi, khu vực có số lượng lao động trẻ em cao nhất thế giới và cũng là nơi có tiến độ xóa bỏ tình trạng trẻ em tham gia lao động chậm nhất.

Số liệu do ILO cung cấp cho thấy, tỷ lệ trẻ em là nạn nhân của lao động trẻ em ở khu vực phía nam sa mạc Sahara là hơn 23%, cao hơn gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Lao động trẻ em tại châu Phi xuất hiện nhiều nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm tỷ lệ đến 70%.

Bốn hội nghị toàn cầu trước đó về xóa bỏ lao động trẻ em được tổ chức tại Buenos Aires (2017), Brasilia (2013), The Hague (2010) và Oslo (1997), nhằm nâng cao nhận thức của nhân loại về vấn đề này, cũng như đánh giá tiến độ, huy động nguồn lực và thiết lập định hướng chiến lược cho phong trào toàn cầu chống lao động trẻ em.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhấn mạnh, lao động trẻ em là kẻ thù của sự phát triển trẻ em và sự tiến bộ của nhân loại. Tổng thống Nam Phi cho rằng: “Không một nền văn minh nào, không một quốc gia nào và không một nền kinh tế nào có thể tự coi là đi đầu trong sự tiến bộ nếu sự thành công và giàu có được tạo dựng từ trẻ em”.

Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cũng nhấn mạnh rằng, lao động trẻ em là vi phạm quyền cơ bản của con người. Theo ILO, tiến bộ toàn cầu về ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em lần đầu bị đình trệ năm 2020, sau hai thập niên đi đúng hướng. Năm 2000 từng ghi nhận khoảng 245 triệu trẻ em, tương đương 16% tổng số trẻ em trên thế giới phải tham gia lao động. Con số này đã giảm rất nhiều sau những nỗ lực của các tổ chức quốc tế cũng như chính phủ các nước. 

Năm 2020, Công ước 182 của ILO về các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, một văn kiện lịch sử nhằm chống lại tình trạng lao động trẻ em, đã nhận được sự phê chuẩn toàn cầu. Công ước 138 về độ tuổi lao động tối thiểu cũng đã được phần lớn quốc gia thành viên ILO phê chuẩn. Gần đây nhất, LHQ đã chọn năm 2021 là Năm Quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em. Với khung pháp lý, cùng cơ hội giáo dục, bảo trợ xã hội và hỗ trợ cải thiện sinh kế, các quốc gia thành viên ILO đã giảm khoảng 86 triệu lao động trẻ em kể từ năm 2000. ILO hiện hoạt động tại hơn 60 quốc gia để hỗ trợ các chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động trong việc xóa bỏ lao động trẻ em. 

Tuy nhiên, kể từ năm 2016, các số liệu về tình trạng lao động trẻ em có xu hướng tăng dần trở lại. Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết, với những tác động tiêu cực cao gấp bốn lần so cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, Covid-19 đã gây ảnh hưởng mạnh đến cuộc chiến chống lại lao động trẻ em. Các biện pháp phong tỏa nhằm phòng, chống dịch buộc các công xưởng, nhà máy ngừng hoạt động, vì vậy trẻ em cũng được ngừng làm việc. Tuy nhiên, khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ, các gia đình nghèo lại càng dễ bị tổn thương hơn và càng có nhiều trẻ em phải làm việc.

Theo ước tính của ILO, có tới hơn một nửa trong số 160 triệu trẻ em đang phải tham gia lao động trong độ tuổi từ 5 đến 11. Đại dịch Covid-19 đã khiến gần chín triệu trẻ em phải lao động. Tổng Giám đốc ILO nhấn mạnh, thế giới chỉ còn ba năm để đạt được mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, trong đó kêu gọi xóa bỏ mọi hình thức lao động trẻ em vào năm 2025. 

Kêu gọi hành động

Giám đốc điều hành Liên đoàn người sử dụng lao động Kenya Jacqueline Mugo cho rằng, các nguyên nhân sâu xa của lao động trẻ em bao gồm nghèo đói, hạn chế tiếp cận giáo dục, yếu kém hoặc thiếu bảo trợ xã hội, thiếu thanh tra lao động và quản lý yếu kém.

Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cũng nhận định, nghèo đói là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em phải tham gia lao động. Hơn hai phần ba số trẻ em tham gia lao động hiện nay làm việc cùng cha mẹ. Ông Guy Ryder cho rằng, giải pháp hữu ích giúp chống lại lao động trẻ em chính là giáo dục và đẩy mạnh tiếp cận giáo dục. Bên cạnh đó, bảo trợ xã hội, hỗ trợ thu nhập cho các gia đình nghèo giúp tránh được tình trạng lao động trẻ em. 

Các trang trại gia đình và doanh nghiệp phụ thuộc sức lao động của con cái họ cần được hỗ trợ nhiều hơn để cải thiện sinh kế. Thúc đẩy sinh kế nông thôn đầy đủ, giúp người lao động và doanh nghiệp nhỏ cùng phát huy lợi ích, đa dạng hóa nền kinh tế và môi trường kinh doanh phù hợp để tạo việc làm tốt, đầu tư vào cơ sở hạ tầng dịch vụ cơ bản sẽ tạo điều kiện cho toàn bộ cộng đồng vươn lên thoát nghèo và chấm dứt lao động trẻ em. 

Các số liệu của ILO cho thấy, rõ ràng rằng trình độ học vấn của các phụ huynh là yếu tố quyết định trong việc ngăn ngừa lao động trẻ em. Bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục có chất lượng bình đẳng cho trẻ em gái cũng vô cùng quan trọng. Trẻ em gái phải được bảo vệ khỏi kết hôn sớm và khỏi “gánh nặng kép” của công việc bên ngoài gia đình, cũng như công việc nội trợ trong gia đình. 

Cao ủy châu Âu về hợp tác quốc tế Jutta Urpilainen cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đầu tư 10 triệu euro để góp phần giải quyết tình trạng lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng. EU đang tích cực làm việc với ILO và các tổ chức quốc tế khác để chia sẻ kinh nghiệm cũng như các số liệu và triển khai các dự án liên quan.

Bà Anousheh Karvar, Chủ tịch Liên minh 8.7 - một liên minh toàn cầu của các chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và tổ chức quốc tế nhằm chống lại lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, cũng kêu gọi sự đoàn kết để chấm dứt lao động trẻ em. Bà Anousheh Karvar chỉ ra ba điểm mà các chính phủ cần hành động, bao gồm xóa bỏ lao động trẻ em phải được đặt là ưu tiên hàng đầu, xây dựng các kế hoạch hành động quốc gia với các chỉ số rõ ràng để thể hiện sự tiến bộ và thúc đẩy sự đoàn kết để phát triển kinh tế-xã hội. 

Trong khi đó, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cũng chỉ ra sáu điểm mà cộng đồng toàn cầu phải hành động để thể hiện cam kết sâu rộng nhằm chấm dứt lao động trẻ em. Thứ nhất, phải bảo đảm tất cả các quốc gia thực hiện đầy đủ Công ước của ILO về các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Thứ hai, cần tăng cường khả năng tiếp cận phổ cập đối với bảo trợ xã hội, đặc biệt tập trung vào trẻ em và những người dễ bị tổn thương. Bằng cách cung cấp hỗ trợ cơ bản cho các gia đình có trẻ em, có thể làm giảm nhu cầu buộc trẻ phải lao động. Thứ ba, phải hướng tới nền giáo dục miễn phí, bình đẳng và có chất lượng cho mọi trẻ em, để mọi trẻ em đều có cơ hội học tập và cải thiện đời sống vật chất của mình. Thứ tư, cần tăng cường các nỗ lực để chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử đối với trẻ em gái, đặc biệt đối với các công việc giúp gia đình và tiếp cận giáo dục. Thứ năm, phải nỗ lực mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu và không bỏ các quốc gia nghèo lại phía sau. Cuối cùng, cần bảo đảm rằng, các công ty và người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về lao động trẻ em và tác động của tình trạng này, đồng thời thông qua các quyết định mua hàng và đầu tư của mình để thể hiện việc không ủng hộ các hành vi bóc lột lao động.

Thông qua Lời kêu gọi hành động Durban về xóa bỏ lao động trẻ em, các nước hy vọng vạch ra lộ trình và những cam kết cụ thể hơn, hướng tới xóa bỏ lao động trẻ em vào năm 2025.