Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022)

Những người đưa thơ Bác sang tiếng Thụy Điển

Có lẽ Truyện Kiều của Nguyễn Du và Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem là hai tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài nhất của văn học Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay số lượng ngôn ngữ và số bản dịch của hai tác phẩm này vẫn chưa được biết một cách thống nhất1

Nhà thơ Sara Lidman (trái) và nhà thơ Ola Palmer. Ảnh: NEW EUROPE
Nhà thơ Sara Lidman (trái) và nhà thơ Ola Palmer. Ảnh: NEW EUROPE

Cuối năm ngoái bản dịch bằng tiếng Phần Lan2 và tiếng Na Uy3 mới được biết đến và giới thiệu với bạn đọc Việt Nam, mặc dù cả hai đều được xuất bản và đã tái bản cách đây hơn nửa thế kỷ. Còn trước đó chỉ có tiếng Thụy Điển và tiếng Đan Mạch được nhắc đến là đã có bản dịch Nhật ký trong tù, trong một bài viết vào năm 2013 của dịch giả Thúy Toàn4.

Từ việc sưu tầm ở Thụy Điển, chúng tôi đã tìm được hai bản dịch thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Thụy Điển. Một bản có tên“Dagbok från fängelset” (Nhật ký trong tù) và bản khác là “Ho Chi Minh-Dikter”(Hồ Chí Minh - Thơ). Cả hai bản dịch này đều do nhà thơ, dịch giả Jan Kunicki (1938-2008) thực hiện dựa trên bản dịch “Dziennik więzienny”(Nhật ký trong tù) bằng tiếng Ba Lan của hai nhà thơ Ba Lan, Maria Kurecka và Witold Wirsza, được xuất bản ở Warszawa năm 1962 và bản dịch tiếng Anh “Prison Diary” của Aileen Palmer, xuất bản năm 1962 ở Hà Nội.   

Ho Chi Minh - Thơ gồm 27 bài thơ có trong Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, in trong một cuốn sách mỏng khổ nhỏ (brochure) với sáu trang có kích thước 24,5x11cm mỗi trang, được xuất bản tại Stockholm năm 1969. Ở trang bìa có ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn ở phía cuối năm trang khác, mỗi trang có in một bức tranh khắc gỗ nghệ thuật dân gian Việt Nam rất đẹp. Trong hệ thống thư viện ở Thụy Điển, ấn phẩm này hiện chỉ còn một bản in duy nhất được bảo quản (không cho mượn) tại Thư viện Quốc gia Thụy Điển ở Stockholm.

Nhật ký trong tù có dung lượng lớn hơn với 142 trang, khổ 15x19,5cm, mang tên“Dagbok från fängelset”, được xuất bản lần đầu năm 1970 và tái bản năm 1975. Cùng với 97 bài thơ được dịch sang thơ tự do Thụy Điển, trong đó có 27 bài đã in trong Ho Chi Minh - Dikter, với một số chỉnh sửa nhỏ, “Dagbok från fängelset” còn có năm bức tranh minh họa bằng vải cắt của họa sĩ đồ họa Thụy Điển, Svenolov Ehren (1927 - 2004). Đáng chú ý, bên cạnh các bài thơ và tranh minh họa, “Dagbok från fängelset” còn có lời giới thiệu về hoàn cảnh sáng tác và “sự thật về nhật ký trong tù”, tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh (tr.133-138) và chú thích có trong các bài thơ (tr.139-140). Đây là phần giới thiệu và chú thích chi tiết nhất trong các bản dịch “Nhật ký trong tù” bằng các ngôn ngữ Bắc Âu và có thể cũng của các bản dịch sang các ngôn ngữ khác.

Tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi biết Jan Kunicki, tác giả của hai bản dịch đó là một người Ba Lan đến định cư ở Thụy Điển vào năm 1961, khi ở tuổi 23. Sau khi được xuất bản, nhiều bài thơ trong “Dagbok från fängelset” của Kunicki đã được trích đăng trên một số tạp chí về văn học nghệ thuật của Thụy Điển. 

Năm 1975, “Dagbok från fängelset” đã được Nhà xuất bản FIBs Lyrikklubb (Câu lạc bộ Thơ Thụy Điển) ở Stockholm tái bản. Hiện nay, cùng với 16 tác phẩm khác của Jan Kunicki, “Dagbok från fängelset” có mặt ở 26 thư viện công cộng trên khắp Thụy Điển. Tôi đồ rằng chắc đây là bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng Thụy Điển được biết đến ở Việt Nam mà dịch giả Thúy Toàn nói đến trong bài báo tôi đọc được.

*

Nhưng, trước khi “Ho Chi Minh - Dikter”và “Dagbok från fängelset” của Jan Kunicki được xuất bản, từ năm 1967 bạn đọc Thụy Điển đã được đọc một số bài thơ trong tập Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua bản dịch của một số nhà thơ, dịch giả Thụy Điển khác đăng trên một số ấn phẩm về văn học nghệ thuật của nước này.

Dưới đây là một số tác giả và bài thơ được dịch và in trong một số ấn phẩm mà chúng tôi sưu tầm được:

1. Sara Lidman (1923-2004)

Sara Lidman có lẽ là nhà thơ Thụy Điển quen thuộc nhất với các nhà văn Việt Nam. Mùa thu năm 1965, Sara Lidman đã đi tàu hỏa đến Hà Nội. Bà đã ghi lại những trải nghiệm và ấn tượng của bà về chuyến đi này trong cuốn ghi chép “Samtal i Hanoi” (Chuyện trò ở Hà Nội) được xuất bản ở Thụy Điển vào năm sau (1966). Ngoài ra, Sara Lidman còn viết “Fåglarna i Nam Dinh” (Chim ở Nam Định), xuất bản năm 1972.

Năm 1967, Sara Lidman và Ola Palmer đã dịch bốn bài thơ trong Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Thụy Điển. “Fyra dikter (Bốn bài thơ), được in trong Tạp chí “Scen och Salong” (Sân khấu và nhà hát), số 52, năm 1967. Đó là các bài: 

1. I kvällningen (Hoàng hôn)

2.Vid läsning av de tusen poeternas antologi (Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”)
3. Nocturne (Cảnh chiều hôm) và 

4. Kyla (Đêm lạnh).

Cũng trong năm 1967, Sara Lidman và Ola Palmer còn dịch hai bài thơ khác từ Nhật ký trong tù sang tiếng Thụy Điển là:

- “Vägarbetaren” (Phu làm đường) và 

- “Livets väg” (Đường đời hiểm trở) 

Hai bài thơ này được in trong Tạp chí Fönstret của Hiệp hội Giáo dục Công nhân Thụy Điển, số 44, năm 1967 cùng với hai bản dịch khác “Nocturne” (Cảnh chiều hôm) và “Vid läsning av de tusen poeternas antologi” (Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”).

2. Ola Palmær (1932-2011)

Ola Palmær còn ít được biết đến với bạn đọc Việt Nam, song cũng là một nhà thơ nổi tiếng của Thụy Điển. Về văn học Việt Nam, bên cạnh sáu bài dịch chung với Sara Lidman, Palmær còn dịch bài “Lek med tecken”(chơi chữ) từ bản dịch “Carnet de Prison” (Nhật ký trong tù) bằng tiếng Pháp của Phan Nhuận (1963). Bài này được in trong Tạp chí Tidsignal, số 5 năm 1969. Đây là tờ tuần báo của lực lượng cánh tả Thụy Điển phát hành ở Stockholm trong thời gian từ 1965-1970.

Ngoài ra, đáng chú ý là Ola Palmær đã cùng người em là Carsten Palmær (1946-), nhà văn và kịch tác gia Thụy Điển đã tuyển dịch thơ của 12 tác giả Việt Nam ra tiếng Thụy Điển, in trong tập “Dessa riskorn och dessa sånger” (Những bài thơ Việt Nam), do Solidaritet xuất bản ở Stockholm năm 1973. Trong đó tác giả được dịch nhiều nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh.  

3. Lasse Söderberg (1931-)

Lasse Söderberg, sinh ngày 4 tháng 9 năm 1931 tại Stockholm, là một tác giả, nhà thơ và dịch giả người Thụy Điển. Söderberg từng là nhà phê bình văn học cho các báo Expressen, BLM, Arbetet và Sydsvenskan. Söderberg dịch nhiều thơ từ các nền văn học Mỹ latin sang tiếng Thụy Điển. Ông được phong giáo sư năm 2002. Trong những năm 1987-2006, ông là người khởi xướng và cũng là “thủ lĩnh thơ” của hoạt động “Những ngày thơ quốc tế ở Malmö”. Về văn học Việt Nam, Lasse Söderberg đã dịch năm bài thơ trong Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua bản dịch tiếng Pháp sang tiếng Thụy Điển. Đó là các bài: 
 
1. Kväll (Chiều hôm)
 
2. Hasardspel (Đánh bạc)

3. Skymming (Hoàng hôn)

4. Fängelseliv (Sinh hoạt trong tù), và

5. I polirbyrån för fjärde motståndszonen (Đến cục Chính trị Chiến khu IV). 

Các bài thơ này được in trong báo Lantarbetaren (Nông trang viên), số 52 (1967) và Arbetet (Lao động), số 7/9 (1969) một tờ báo của lực lượng dân chủ xã hội ở Malmö, một trong những thành phố lớn nhất của Thụy Điển. Arbetet đã có một ảnh hưởng mạnh mẽ so với các tờ báo địa phương tương ứng ở các thành phố khác. 

Như vậy, trong vòng ba năm (từ năm 1967 đến năm 1970) các bài thơ trong Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được năm dịch giả khác nhau dịch sang tiếng Thụy Điển. Có lẽ hiếm có ngôn ngữ nào có được nhiều nhà thơ - dịch giả và nhiều bài thơ dịch thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh như tiếng Thụy Điển trong một thời gian ngắn như vậy. 

1- Xem: Truyện Kiều đã được dịch ra bao nhiêu ngôn ngữ và có bao nhiêu bản dịch?(http://vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa/k2-users/dien-dan/14534-truyen-kieu-da-duoc-dich-ra-bao-nhieu-ngon-ngu-va-co-bao-nhieu-ban-dich).

2- Bản dịch “Nhật ký trong tù” bằng tiếng Phần Lan chưa được biết đến? (https://kinhtedothi.vn/ban-dich-nhat-ky-trong-tu-bang-tieng-phan-lan-chua-duoc-biet-den.html).

3- Bản dịch “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Na Uy có gì đặc biệt? (https://baoquocte.vn/ban-di-ch-nha-t-ky-trong-tu-cua-chu-tich-ho-chi-minh-ba-ng-tie-ng-na-uy-co-gi-dac-biet-134394.html).

4-http://www.tapchivannghedatto.org.vn/tintuc.aspx?ID=687.