Mỹ hé mở “Chiến dịch Encore”

Gần đây, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) công bố một tài liệu gồm 16 trang mới được giải mật, thuộc khuôn khổ “Chiến dịch Encore” do FBI tiến hành độc lập để điều tra về liên hệ giữa Saudi Arabia với vụ tiến công khủng bố ngày 11/9/2001. Tài liệu cho thấy một công dân Saudi Arabia đã có liên lạc với hai trong số những kẻ không tặc, nhưng không đưa ra được manh mối để có thể chứng minh mối quan hệ giữa chúng với Riyadh.

Vụ tiến công khủng bố ngày 11/9/2001 tại New York gây chấn động thế giới. Ảnh: CNN
Vụ tiến công khủng bố ngày 11/9/2001 tại New York gây chấn động thế giới. Ảnh: CNN

“Chiến dịch Encore”

Theo CNN, tài liệu được công bố và đang lưu trữ trên nền tảng Thư viện số Vault của FBI, với ghi chú đây là văn bản đáp ứng lệnh hành pháp số 14040 về việc xem xét giải mật một số tài liệu liên quan vụ tiến công khủng bố ngày 11/9/2001, do Tổng thống Joe Biden ký ngày 3/9 vừa qua. Đây là báo cáo tóm tắt được thực hiện từ tháng 4/2016, trong đó mô tả những đoạn phỏng vấn của đặc vụ FBI với nhân chứng quanh nghi ngờ về việc Omar al-Bayoumi, một sinh viên Saudi Arabia ở Los Angeles (Mỹ) có liên quan việc hỗ trợ hậu cần cho hai tên không tặc. Trong tài liệu 16 trang, danh tính của người phỏng vấn không được hiển thị, do nằm trong phần thông tin cấm tiết lộ. 

Năm 2000, hai kẻ khủng bố là Nawaf al-Hazmi và Khalid al-Midhar đã đóng giả là sinh viên để nhập cảnh Mỹ. Biên bản của FBI cho biết, sau đó Omar al-Bayoumi là nhân tố hậu cần đáng kể, bao gồm phiên dịch, hỗ trợ đi lại, chỗ ở và cung cấp tài chính cho hai tên không tặc. Nhân chứng cho biết, Bayoumi là “khách” thường xuyên đến Lãnh sự quán Saudia Arabia ở Los Angeles, mặc dù vào thời điểm đó, Bayoumi được ghi nhận là sinh viên. Theo AP, vài tuần trước khi xảy ra vụ tiến công 11/9, Bayoumi đã rời Mỹ. 

Đến nay, vẫn có nhiều nghi ngờ, đồn đoán về liên hệ giữa Saudi Arabia với vụ tiến công, song chưa từng có bằng chứng cụ thể nào. 15 trong số 19 đối tượng tiến hành các vụ cướp máy bay để thực hiện các cuộc tiến công khủng bố hôm 11/9/2001 đến từ Saudi Arabia. Thủ lĩnh mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda là Osama Bin Laden cũng xuất thân từ một gia đình giàu có tại nước này. Đã có nhiều báo cáo về vụ tiến công khủng bố, trong đó có báo cáo dài hơn 800 trang của Quốc hội Mỹ vào tháng 12/2002 và báo cáo hơn 500 trang của Ủy ban 11/9 thuộc Chính phủ Mỹ năm 2004, với kết luận không tìm thấy bằng chứng về việc Chính phủ Saudi Arabia tài trợ trực tiếp cho al-Qaeda.  

Trong cuộc điều tra độc lập của FBI về vấn đề này, được đặt mật danh là “Chiến dịch Encore”, FBI nghi ngờ khả năng có một nhóm Hồi giáo cực đoan ở Saudi Arabia có thể đã dính líu với mạng lưới al-Qaeda của Osama bin Laden và các hoạt động khủng bố. Các cơ quan điều tra của Mỹ cũng đã tìm kiếm giải đáp cho các nghi vấn xoay quanh việc Bayoumi và một công dân Saudi Arabia khác, từng đứng đầu một nhà thờ Hồi giáo ở Mỹ, đã giúp hai tên không tặc chưa từng đến Mỹ và không biết nói tiếng Anh ổn định cuộc sống tại đây. Báo cáo của FBI vừa giải mật cũng chưa làm rõ được sự hỗ trợ này. 

Tiến trình giải mật tài liệu 

Đến nay, chỉ tính riêng trên nền tảng thư viện giải mật thông tin Vault của FBI đã chứa 6.700 tài liệu được quét từ bản in thành các bản sao kỹ thuật số và hàng trăm tệp lưu trữ thông tin khác, như ảnh, video ở nhiều sự kiện, nhiều mốc thời gian trong lịch sử hoạt động của FBI để người quan tâm truy cập miễn phí. 

Đi kèm với việc công bố các tài liệu, cơ quan chủ quản cũng luôn thông báo rõ việc miễn trừ trách nhiệm. Theo đó, “nội dung của các tệp trong Vault và không phải lúc nào cũng phản ánh quan điểm, chính sách và ưu tiên hiện tại của FBI”. Tầm quan trọng, ý nghĩa của các tài liệu giải mật còn phụ thuộc thời gian giải mật. Trước đây, thời gian ấn định là 10 năm, sau đó kéo dài thành 25 năm để xem xét một tài liệu có thể được tự động giải mật hay không. Những trường hợp ngoại lệ cho phép thông tin được phân loại vào nhóm “tuyệt mật”, kéo dài thời gian lưu trữ tới 50 năm, thậm chí 75 năm nếu được cho phép đặc biệt. 

Trước khi giới chức Mỹ công bố quyết định giải mật, Đại sứ quán Saudi Arabia tại Thủ đô Washington D.C đã hoan nghênh việc công khai tài liệu này, đồng thời tái phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào giữa Riyadh với những kẻ không tặc. Việc giải mật được Tổng thống Joe Biden yêu cầu thực hiện nhân kỷ niệm 20 năm vụ tiến công khủng bố đẫm máu nhất do thế lực nước ngoài nhằm vào nước Mỹ. Thảm kịch khiến gần 3.000 người chết, hơn 300 lính cứu hỏa và cảnh sát thiệt mạng khi tham gia giải cứu người kẹt trong tòa tháp đôi thuộc khu phức hợp Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) ở TP New York. Và còn gần 10.000 người bị thương hoặc ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng sau chuỗi sự kiện kinh hoàng này. Đây cũng là tài liệu đầu tiên trong số hàng trăm trang văn bản khác thuộc “Chiến dịch Encore” dự kiến ​​được công bố trong thời gian tới. 

Trước thềm kỷ niệm 20 năm vụ tiến công 11/9, một số gia đình nạn nhân ở Mỹ đã yêu cầu Tổng thống Joe Biden phải giải mật tài liệu trong “Chiến dịch Encore”. Trước đó, các chính quyền Tổng thống George W.Bush, Barack Obama, Donald Trump từng từ chối với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Vừa qua, qia đình các nạn nhân đã gửi thư tới Tổng thống Biden và đặt câu hỏi về vai trò của Saudi Arabia, đồng thời cho rằng các thành viên chính phủ của nước này có thể đã tham gia “hỗ trợ các cuộc tiến công”. Một số lãnh đạo Quốc hội như Thượng nghị sĩ Robert Menendez, lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Chuck Schumer… tuyên bố ủng hộ giải mật tất cả các hồ sơ của Mỹ về “mối liên hệ” giữa Arab Saudi với vụ tiến công 11/9. 

Ông Biden cũng từng đưa ra cam kết trong chiến dịch tranh cử về việc công bố các tài liệu liên quan đến vụ 11/9. Vụ tiến công khủng bố kinh hoàng cách đây 20 năm đã làm thay đổi gần như mọi mặt của nước Mỹ. Sau vụ khủng bố, chính quyền Tổng thống Mỹ khi đó là ông George W.Bush đã phát động cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, dẫn tới việc Mỹ tiến hành cuộc chiến tại Afghanistan ngay trong năm 2001. Do vậy, quyết định hối thúc công bố tài liệu của ông Biden được cho là nhằm trấn an dư luận khi nước Mỹ tưởng niệm các nạn nhân của vụ tiến công, đồng thời xoa dịu chỉ trích nhằm vào Mỹ liên quan tình hình ở Afghanistan hiện nay. Các chuyên gia cũng cho rằng, còn cần chờ thêm các văn bản khác được tiết lộ trong sáu tháng tới, mới có thể giải đáp những nghi ngờ của gia đình nạn nhân.