Liên minh tình báo “Ngũ nhãn”

Nhóm “Ngũ nhãn” (FVEY) là liên minh các cơ quan tình báo của năm nước, gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand, được thành lập với mục đích chia sẻ dữ liệu thông tin tình báo giữa các quốc gia trong nhóm. Dù còn nhiều tranh cãi về các biện pháp thu thập thông tin, song FVEY vẫn được xem là một trong các liên minh tình báo toàn diện nhất trong lịch sử.

Nguồn: ASIA TIMES
Nguồn: ASIA TIMES

Hiệp định UKUSA 

Theo Business Leader, FVEY bắt nguồn từ một thỏa thuận liên quan Hiến chương Đại Tây Dương năm 1941 trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai, sau đó được bí mật gia hạn với việc thông qua Thỏa thuận tình báo giữa Anh và Mỹ năm 1943, có tên là BRUSA, trước khi chính thức mang tên “Hiệp định UKUSA” vào năm 1946. Đến những năm 50 của thế kỷ trước, Canada, Australia và New Zealand lần lượt tham gia thỏa thuận UKUSA, từ đó FVEY chính thức được thành lập, gồm năm nước thành viên cùng sử dụng tiếng Anh, chia sẻ thông tin và dữ liệu tình báo trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, thông tin, truyền thông và địa lý. 

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và thời kỳ sau đó, FVEY đã phát triển hệ thống tình báo điện tử toàn cầu “Echelon” có khả năng quét một lượng lớn thông tin liên lạc cá nhân, thương mại, gồm các cuộc gọi điện thoại, fax, email, tin nhắn văn bản... Điều này được thực hiện thông qua việc chặn các thiết bị liên lạc như hệ thống truyền dẫn vệ tinh, cáp quang, mạng điện thoại và đài phát thanh. Sự tồn tại của hệ thống Echelon lần đầu được tiết lộ vào năm 1972, khi một nhà phân tích truyền thông của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) chia sẻ với tạp chí Ramparts (chuyên đăng tải những công trình dự báo) rằng, NSA đã phát triển thành công loại công nghệ có thể phá vỡ tất cả các mật mã của Liên Xô (trước đây). 

Năm 1996, nhà báo người New Zealand, Nicky Hager đã mô tả chi tiết về hệ thống Echelon trong cuốn sách có tựa đề “Sức mạnh bí mật - Vai trò của New Zealand trong mạng lưới gián điệp quốc tế”, trong đó nhấn mạnh, Echelon là hệ thống phức hợp gồm các trạm do thám được đặt tại những vị trí có vĩ độ thấp ở lãnh thổ 5 quốc gia thành viên để có thể dễ dàng bắt được mọi tín hiệu từ các vệ tinh do thám không gian, như Intelsat hay Inmarsat. Một trạm do thám được đặt tại Waihopai (New Zealand), hai trạm nằm ở phía đông bờ biển Sugar Grove và phía tây bờ biển Yakima (Mỹ), một trạm được đặt tại Morwenstow (Anh) và một trạm được đặt tại Geraldton, phía tây Australia.

Những tín hiệu điện tử được hệ thống này thu thập và truyền về các hệ thống siêu máy tính, nhằm tìm kiếm những từ khóa nhất định như “khủng bố”, “chủ nghĩa khủng bố”, “ma túy”, “phiến quân” hoặc những cái tên nổi bật như “Osama bin Laden” hay “Saddam Hussein”... Sự tồn tại của hệ thống Echelon được tiết lộ đã gây ra nhiều tranh luận trong Nghị viện châu Âu (EP) và Quốc hội Mỹ về ranh giới giữa giám sát với xâm phạm quyền riêng tư trực tuyến của người dân. Ngày 16-3-2000, EP thông qua nghị quyết yêu cầu FVEY tháo dỡ hoàn toàn hệ thống giám sát Echelon. Song, những việc này không tác động lớn đến hoạt động hợp tác của các nước thành viên thuộc FVEY, và các nước này vẫn tiếp tục tăng cường hoạt động theo dõi, không chỉ thông tin tình báo quốc gia mà cả thông tin của người dân. 

Sau sự kiện chấn động ngày 11-9-2001, FVEY tích cực tham gia cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, nâng cao khả năng giám sát, theo dõi hệ thống internet. Việc chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước thành viên FVEY giúp lực lượng an ninh của Anh và Mỹ ngăn chặn hiệu quả nhiều vụ tiến công khủng bố nghiêm trọng, như đập tan âm mưu dùng chất nổ lỏng cho nổ tung 10 máy bay dân sự xuyên Đại Tây Dương vào năm 2006. Hoặc năm 2009, nhờ thông tin do Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) khai thác từ một thành viên từng tham gia huấn luyện khủng bố ở Pakistan, các công tố viên của Australia có thể kết tội âm mưu đánh bom ở Sydney đối với một trong chín phần tử Hồi giáo cực đoan. 

Năm 2013, cựu nhân viên kỹ thuật của NSA, Edward Snowden cũng từng tiết lộ hoạt động thu thập thông tin mật của FVEY. Ngoài hệ thống giám sát Echelon, FVEY còn phối hợp vận hành nhiều chương trình giám sát quy mô lớn, như “Chương trình giám sát toàn cầu Prism”, cho phép NSA truy cập máy chủ của chín hãng công nghệ lớn là Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, PalTalk, AOL, Skype, YouTube và Apple, thu thập nhật ký kết nối, dữ liệu, email, ảnh, đoạn tin nhắn hội thoại audio/video của người dùng internet; “Chương trình Xkeyscore” giám sát hành động của người truy cập mạng, gồm nội dung thư điện tử và người nhận thư, thông tin trao đổi qua Facebook, lịch sử truy cập, nội dung tìm kiếm, mã IP của người dùng… Các tài liệu do Snowden cung cấp cho thấy, FVEY cũng đang thu thập và lưu trữ một lượng lớn hồ sơ liên lạc điện tử từ chính công dân của năm nước thành viên và chia sẻ thông tin. 

Chủ đề gây tranh cãi

Hiện, các tổ chức và cá nhân mà FVEY nhắm đến rất đa dạng, gồm các tập đoàn đa quốc gia, công ty dầu mỏ, công ty công nghệ, truyền thông cũng như các hãng hàng không và tổ chức giáo dục. Ngoài ra, FVEY cũng tiến hành theo dõi các chính trị gia, lãnh đạo chính phủ, doanh nhân, giám sát hoạt động của những nghi can khủng bố tại Trung Đông, các nhà khoa học hạt nhân ở Iran, tay súng thánh chiến ở Indonesia… 

Mỗi nước thành viên trong liên minh FVEY được phân công do thám các khu vực khác nhau trên thế giới. NSA nhận trách nhiệm thu thập toàn bộ tín hiệu ở khu vực châu Mỹ, đóng vai trò hạt nhân cung cấp thông tin tình báo chủ chốt, hỗ trợ kỹ thuật công nghệ tiên tiến và ngân sách dồi dào cho các thành viên trong liên minh. Trong khi đó, Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh (GCHQ) đảm nhận khu vực châu Âu, châu Phi và vùng phía tây nước Nga. 

Từ phía Australia, Cơ quan Tình báo mạng Australia (ASD) triển khai hoạt động thu thập tình báo tại khu vực Đông - Nam Á, tây nam Thái Bình Dương và đông Ấn Độ Dương. Australia cũng nổi bật với trạm theo dõi vệ tinh Pine Gap được đặt tại khu vực miền trung nước này. Trong khi đó, Cục An ninh viễn thông New Zealand (GCSB) đảm nhận khu vực nam Thái Bình Dương và Cơ quan An ninh truyền thông Canada (CSE) phụ trách khu vực Bắc Âu, Bắc Nga và Bắc Mỹ. Ngoài năm nước thành viên chính thức, FVEY cũng đã thành lập cơ chế hợp tác mới, mở rộng chia sẻ thông tin với các quốc gia đối tác bên thứ ba. Dù mối quan hệ với các quốc gia đối tác bên thứ ba không chặt chẽ như năm nước thành viên, song các nước vẫn tích cực tham gia chia sẻ thông tin về các vấn đề tình báo quốc tế. 

Hiện nay, nhiều dấu hiệu cho thấy liên minh “Ngũ nhãn” đang xây dựng mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa năm thành viên và mở rộng hợp tác với các nước lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp nhằm tạo ra một mặt trận tình báo quốc tế, thúc đẩy việc chia sẻ thông tin, dữ liệu tình báo và xây dựng chiến lược chung. Dù vậy, FVEY cũng trở thành chủ đề gây tranh cãi ở nhiều nơi trên thế giới. 

Cuối năm 2013, Thẩm phán liên bang Canada, Richard Mosley ra phán quyết dài 51 trang cáo buộc Cơ quan Tình báo an ninh Canada (CSIS) hợp tác với các nước thành viên trong FVEY để theo dõi người dân Canada và thực hiện các hoạt động giám sát toàn cầu. Năm 2014, Quốc hội New Zealand yêu cầu Cơ quan Tình báo an ninh New Zealand (NZSIS) công khai các khoản tiền tài trợ nhận được từ các nước thành viên của liên minh FVEY. Sau đó, NZSIS khẳng định đó là “bí mật hợp tác” giữa các cơ quan tình báo trong FVEY và từ chối tiết lộ mọi thông tin liên quan. Đầu năm 2014, Ủy ban Tư pháp của EP đã công bố bản báo cáo xác nhận rằng, các cơ quan tình báo của New Zealand và Canada đã hợp tác với NSA chia sẻ thông tin cá nhân của công dân các nước trong Liên hiệp châu Âu (EU). 

Dù còn nhiều tranh cãi về các biện pháp thu thập thông tin, song FVEY vẫn được xem là một trong những liên minh tình báo toàn diện nhất trong lịch sử. Năm nước thành viên trong liên minh đã xây dựng các mối liên hệ ngày càng sâu rộng, nâng cao năng lực kỹ thuật để thực hiện các hoạt động giám sát.