Kinh tế thế giới dưới tác động của đại dịch

LHQ cảnh báo, Covid-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng về sức khỏe, mà còn tác động đến các mặt của đời sống xã hội và nền kinh tế toàn cầu. Mức độ ảnh hưởng có thể khác nhau ở các quốc gia, song dịch bệnh sẽ làm gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng ở quy mô toàn cầu, khiến việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững càng trở nên cấp thiết. Và nếu không có các phản ứng khẩn cấp, khủng hoảng toàn cầu sẽ leo thang, gây nguy hiểm cho đời sống và sinh kế của người dân trong nhiều năm tới.

Nền kinh tế ở các nước nghèo bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Ảnh: REUTERS
Nền kinh tế ở các nước nghèo bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Ảnh: REUTERS

Cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 90 năm

Tại Diễn đàn của Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ năm 2021, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres từng nhấn mạnh rằng, thế giới đang đối mặt cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe toàn cầu tồi tệ nhất trong 90 năm qua. Theo Báo cáo Kinh tế thế giới của LHQ, nền kinh tế toàn cầu năm 2020 suy giảm tới 4,3%, cao gấp hơn hai lần so mức suy giảm được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Theo dự đoán của LHQ, mức phục hồi 4,7% vào năm 2021 vẫn khó bù đắp cho những thiệt hại của năm trước.

Cũng theo LHQ, trong năm 2020, thế giới có thêm 131 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em và thành viên thuộc các thành phần dễ bị tổn thương nhất của xã hội. Phụ nữ chiếm hơn 50% lực lượng lao động trong các ngành có mức độ biến động cao trong đại dịch, như bán lẻ, khách sạn, du lịch. Nhiều người trong số họ có rất ít hoặc không được tiếp cận với bảo trợ xã hội.

Sự chênh lệch rõ rệt về quy mô của các gói cứu trợ kinh tế dẫn tới mức độ phục hồi khác nhau ở các nước phát triển và đang phát triển. Chi tiêu của chính phủ cho mục đích phục hồi tính theo bình quân đầu người ở các nước phát triển trong năm 2020 cao hơn gần 580 lần so với mức chi ở các nước kém phát triển nhất, mặc dù thu nhập bình quân tính theo đầu người ở các nước phát triển chỉ cao hơn 30 lần so mức thu nhập ở các nước nghèo.

Việc tài trợ cho các chương trình của chính phủ những nước phát triển và đang phát triển nhằm kích thích nền kinh tế đã dẫn đến các khoản vay nợ lớn kỷ lục, làm tăng nợ công trên toàn thế giới lên 15%. Sự gia tăng nợ lớn như vậy sẽ đặt gánh nặng lên vai các thế hệ tương lai. Nhiều quốc gia có thu nhập trung bình và thấp hiện đang rất cần thanh khoản để tránh vỡ nợ.

LHQ và các tổ chức quốc tế liên tục kêu gọi đầu tư cho một tương lai lành mạnh, bền vững, trong đó con người được đặt ở vị trí trung tâm của toàn bộ mô hình kinh tế - xã hội của thế giới hiện đại. Sự bất bình đẳng rõ rệt đang chỉ ra sự cần thiết phải hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn, bao gồm cả xóa nợ cho nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. 

“Cú sốc” lâu dài

Theo số liệu của trang thống kê worldometers.info, tính đến giữa tháng 9/2021, cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 4,68 triệu người, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo đói, làm trầm trọng thêm bất bình đẳng thu nhập, gián đoạn thương mại quốc tế, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu. Triển vọng xây dựng một thế giới công bằng, an toàn và bền vững sẽ phụ thuộc vào việc các nước trên thế giới ngày nay ứng phó với thách thức khó khăn như thế nào.

Nghiên cứu của Viện Brookings có trụ sở tại Thủ đô Washington D.C (Mỹ) chỉ ra rằng, hỗ trợ tài chính ở quy mô toàn cầu đạt gần 16.000 tỷ USD (khoảng 15% GDP toàn cầu) vào năm 2020, tuy nhiên, năng lực của các quốc gia để thực hiện biện pháp này là hoàn toàn khác nhau. Viện Brookings xác định một số điều kiện quan trọng tồn tại trước đó đã “khuếch đại” tác động của cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra, đó là không gian tài chính hay khả năng tiếp cận thị trường tài chính quốc tế, năng lực của nhà nước trong hỗ trợ hộ gia đình, doanh nghiệp và cấu trúc thị trường lao động của mỗi nước. Ngoài ra, tốc độ và sức mạnh của quá trình phục hồi phụ thuộc cốt yếu vào năng lực của các chính phủ trong việc mua và triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Đơn vị tình báo kinh tế (EIU) thuộc công ty truyền thông The Economist (Anh) công bố một nghiên cứu cho thấy, vào giữa năm 2022, các nước không tiêm đủ vaccine cho 60% dân số sẽ phải chịu tổn thất tương đương 2.000 tỷ euro (khoảng 2.348 tỷ USD) trong giai đoạn 2022 - 2025. Đáng chú ý, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ phải gánh chịu khoảng 70% khoản thiệt hại trên, bởi tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa Covid-19 ở những nước này thấp hơn rất nhiều so các nước giàu hơn. Tính đến cuối tháng 8, khoảng 60% dân số của các nước thu nhập cao hơn đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19, trong khi tỷ lệ này chỉ là hơn 1% tại các nước thu nhập thấp hơn. EIU cũng cảnh báo, sự chậm trễ trong việc triển khai tiêm vaccine còn làm gia tăng nguy cơ bất ổn xã hội tại các nền kinh tế đang phát triển. Theo số liệu của EIU, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chịu thiệt hại nặng nhất khi chiếm ba phần tư tổng số khoản thiệt hại nêu trên. Nếu xét về tỷ lệ phần trăm của GDP, khu vực phía nam sa mạc Sahara của châu Phi chịu tổn thất nặng nhất.

Trong báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế thế giới công bố ngày 27/7 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021, nhưng mức tăng trưởng sẽ không đồng đều khi các nước phát triển có mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn các nước đang phát triển. Bản cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần này không thay đổi so dự báo công bố hồi tháng 4 của IMF. Cộng đồng các nhà kinh tế trưởng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng dự báo, mức tăng trưởng trung bình dự kiến ​​trên toàn cầu đạt khoảng 5,5% đến 6% trong năm 2021.

Tuy nhiên, LHQ nhấn mạnh rằng, sự phục hồi bền vững sau đại dịch sẽ không chỉ phụ thuộc vào khối lượng các gói kích thích và việc triển khai nhanh chóng các chương trình tiêm chủng, mà còn phụ thuộc vào chất lượng và hiệu quả của các biện pháp này để giúp cho nền kinh tế toàn cầu có khả năng chống chịu tốt hơn trước nguy cơ phải đối mặt những cú sốc mới trong tương lai. Quỹ đạo phát triển trong dài hạn sẽ bị ảnh hưởng bởi những lựa chọn mà các quốc gia đưa ra, cũng như sự hỗ trợ mà họ nhận được ngay trong hiện tại.