Kế hoạch mở cửa trường học an toàn

Nhân Ngày Quốc tế giáo dục (24/1), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) công bố số liệu cho thấy trên thế giới vẫn có hơn 635 triệu học sinh bị ảnh hưởng vì trường học đóng cửa toàn bộ hoặc một phần. Trong bối cảnh đó, các nước đã nỗ lực dần mở cửa lại trường học, hạn chế thấp nhất các tác động của dịch bệnh lên việc học tập và tương lai của thế hệ trẻ.   

Nhiều trường học ở Philippines đang chuẩn bị mở cửa các lớp học trực tiếp .Ảnh: RAPPLER
Nhiều trường học ở Philippines đang chuẩn bị mở cửa các lớp học trực tiếp .Ảnh: RAPPLER

Tổn thất to lớn

Báo cáo chung do Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) và UNICEF thực hiện cuối năm 2021 đã đưa ra các bằng chứng về mức độ lớn chưa từng có của cuộc khủng hoảng giáo dục mà đại dịch Covid-19 gây ra. Theo báo cáo, do việc đóng cửa trường học liên quan đại dịch Covid-19 và các cú sốc kinh tế, ước tính thế hệ đương đại có thể mất 17.000 tỷ USD thu nhập suốt đời (tính theo giá trị hiện tại) hoặc 14% GDP toàn cầu hiện tại. Dự báo này vượt xa con số ước tính 10.000 tỷ USD được đưa ra năm 2020. 

UNICEF cũng cho biết, trước đại dịch, ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ trẻ em không biết đọc, biết viết là 53%, thì nay con số này có thể tăng lên tới 70% do trường học đóng cửa kéo dài cùng sự kém hiệu quả của việc học từ xa. Theo cơ quan của LHQ, có hơn 370 triệu trẻ em sống trong đói nghèo mong được đến trường mỗi ngày để có được bữa ăn đủ chất, tuy nhiên trường học đóng cửa cũng đồng nghĩa với nguồn cung cấp dinh dưỡng đáng tin cậy đó đã bị mất đi. 

Giáo dục được xem là chìa khóa để hướng đến công bằng và bền vững hơn, song việc học tập bị gián đoạn làm gia tăng khả năng trẻ em phải đối mặt nghèo đói, bạo lực và bị bóc lột. LHQ nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giáo dục vốn đã có từ trước. Việc phụ thuộc vào công nghệ kỹ thuật số để học tập khiến tình trạng bất bình đẳng thêm sâu sắc. Tổ chức hợp tác lớn nhất hành tinh cảnh báo, nếu không có biện pháp khắc phục, hỗ trợ tốt hơn cho giáo viên và tăng nguồn tài chính, tình trạng gián đoạn học tập và bỏ học sẽ tiếp tục gia tăng, đảo ngược tiến trình hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, tước đi tương lai cũng như cơ hội của thanh, thiếu niên.

Bà Debora Comini, Giám đốc UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng, với trẻ em, trường học không chỉ là nơi học tập mà còn là nơi tạo dựng tình bạn, là nơi an toàn và có môi trường lành mạnh. Học sinh nghỉ càng lâu, càng thiếu hụt sự hỗ trợ quan trọng đó. Vì thế, khi các nước nới lỏng các hạn chế, việc mở cửa trường học an toàn phải là một trong những ưu tiên hàng đầu. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, việc thích ứng, thận trọng và bảo đảm nguyên tắc phòng dịch cơ bản sẽ giúp trẻ nhỏ có môi trường giáo dục an toàn, hiệu quả. Đại diện UNICEF nhấn mạnh nguyên tắc trong đại dịch: Nơi đóng cửa cuối cùng là trường học và nơi mở cửa đầu tiên cũng phải là trường học.

Thận trọng mở cửa trở lại

Từ các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và UNICEF, nhiều quốc gia đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc mở cửa trường học, trong đó nền tảng của việc giảng dạy trực tiếp là các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ, như tiêm vaccine, xét nghiệm thường xuyên, các biện pháp ứng phó khi có ca lây nhiễm trong trường học, đeo khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách. 

Theo Vientiane Times, nhiều trường học tại Lào đã được chấp thuận để mở trở lại các lớp học trực tiếp từ ngày 31/1 tới, tuy nhiên phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc phòng dịch. Theo Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, các trường tiểu học và trung học cơ sở tại Thủ đô Vientiane có thể mở cửa trở lại, nếu đáp ứng điều kiện tuân thủ trên 70% trong số 10 quy định và 40 khuyến nghị phòng dịch. Chính phủ Lào yêu cầu cơ quan y tế bắt đầu triển khai tiêm phòng Covid-19 cho trẻ em trên 12 tuổi, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để bảo đảm mục tiêu bao phủ vaccine cho ít nhất 80% dân số vào cuối năm 2022.

Trong báo cáo gửi Tổng thống vào cuối tháng 12/2021, Bộ Giáo dục Philippines cho biết, việc mở thí điểm các lớp học trực tiếp đã diễn ra thành công. Theo Philippine News Agency, 100 trường học ở Philippines đã mở cửa các lớp học trực tiếp với số lượng hạn chế từ tháng 11/2021, không có báo cáo nào về các trường hợp nhiễm Covid-19 hay các sự cố nghiêm trọng liên quan học sinh. Các trường được phép tham gia mở cửa trở lại nếu đáp ứng các tiêu chuẩn do các cơ quan nhà nước đặt ra. Bộ Giáo dục Philippines khẳng định, đã sẵn sàng cho kế hoạch mở rộng thêm số lượng các trường có thể tổ chức học trực tiếp từ đầu năm 2022. 

Trong khi đó, kể từ đầu tháng 11/2021, nhiều trường học ở Tháiland đã tổ chức dạy trực tiếp. Bộ Giáo dục và Bộ Y tế nước này đã soạn thảo cẩm nang mở lại trường học, hướng dẫn các cơ sở đào tạo trong việc bảo vệ học sinh cũng như cách xử lý khi phát hiện ca mắc Covid-19. Khi tỷ lệ các ca nhiễm biến thể Omicron tăng vọt từ đầu năm 2022, Văn phòng Ủy ban Giáo dục phổ thông Tháiland cho biết, việc các trường có chuyển sang hình thức học trực tuyến hay không là do ủy ban kiểm soát dịch bệnh cấp tỉnh quyết định. Phụ huynh có thể lựa cho con học trực tuyến nếu chưa muốn cho con tới lớp.

Từ cuối tháng 11/2021, Hàn Quốc cho trẻ em từ cấp mẫu giáo đến trung học phổ thông trên toàn quốc trở lại trường học. Tuy nhiên, khi đó xuất hiện nhiều ý kiến lo lắng rằng, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của dân số Hàn Quốc đạt gần 80%, nhưng tỷ lệ này ở trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 17 vẫn ở mức thấp hơn. Do đó, các nhà trường vẫn luôn ở trạng thái sẵn sàng chuyển sang học trực tuyến tùy thuộc vào tình hình cụ thể.

Những giải pháp phù hợp

UNICEF nhấn mạnh, việc mở cửa lại trường học cần tuân thủ công tác phòng, chống dịch chung của ngành y tế nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ, nhân viên, giáo viên và gia đình. UNICEF khuyến nghị một số biện pháp thiết thực mà nhà trường có thể triển khai như sắp xếp xen kẽ giờ đến trường và tan học; sắp xếp xen kẽ giờ ăn; tổ chức lớp học trong các không gian tạm thời hoặc ngoài trời; sắp xếp lịch học theo ca, giảm sĩ số lớp…

Hàng triệu trẻ em Australia đang chuẩn bị quay lại trường học, khi các tiểu bang và vùng lãnh thổ bắt đầu vạch ra các kế hoạch tựu trường. Queensland là bang duy nhất lùi khai giảng năm học mới. Tất cả các tiểu bang và vùng lãnh thổ khác đang trên đà mở trở lại theo kế hoạch vào cuối tháng 1 này, hoặc vào tháng 2 tới, tập trung vào việc xét nghiệm nhanh, đeo khẩu trang và cải thiện hệ thống thông gió lớp học. Hai bang đông dân nhất của Australia là New South Wales, Victoria thực hiện kế hoạch xét nghiệm sàng lọc cho học sinh mỗi tuần 2 lần. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, phụ huynh cần thông báo cho trường và chính quyền. Các trường hạn chế tối đa tiếp xúc giữa các nhóm lớp cũng như hạn chế khách tới trường. Bên cạnh đó, các trường cũng chuẩn bị phương án dự phòng nhân sự, trong đó có việc sử dụng giáo viên đã nghỉ hưu tham gia giảng dạy. 

Cùng với tiêm vaccine cho nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ triển khai tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Nhật Bản và Tháiland đều đã phê duyệt tiêm vaccine của Pfizer cho nhóm tuổi này. Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) triển khai tiêm vaccine cho nhóm trẻ từ 5 đến 11 tuổi từ ngày 21/1, trong khi Malaysia sẽ tiêm từ tháng 2. 

Đáng chú ý, Israel quyết định triển khai tiêm mũi thứ 3 cho trẻ ở độ tuổi 5 đến 11 thuộc nhóm có nguy cơ cao, giúp bảo vệ nhóm này trước biến thể Omicron. Theo các nhà khoa học Israel, so với các em đã tiêm trước thời gian này, trẻ em đã tiêm ít nhất một mũi vaccine trong vòng hai tháng trở lại đây được bảo vệ tốt hơn trước biến thể Omicron. Trẻ em từ 5 đến 11 tuổi đã tiêm hai mũi vaccine trong vòng hai tháng gần đây được bảo vệ hiệu quả gấp hai lần so với trẻ em cùng độ tuổi không tiêm vaccine.

Việc mở cửa trường học an toàn trong thời gian đại dịch được coi là mục tiêu hàng đầu để bảo đảm chất lượng giáo dục cũng như sức khỏe tinh thần của trẻ, qua đó giúp tránh “một thế hệ bị mất mát”. Vì thế, một trong các trọng tâm mà LHQ đặt ra là phải đưa học sinh quay lại học bình thường và bổ sung những thiếu hụt khi các em phải học trực tuyến ở nhà.