Hiến pháp biển của cộng đồng quốc tế

Đại hội đồng LHQ khóa 76 đã tổ chức Phiên họp toàn thể kỷ niệm 40 năm ngày thông qua Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 (30/4/1982-30/4/2022) tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ. Các chuyên gia đánh giá UNCLOS là bản “Hiến pháp của biển”, với những đóng góp to lớn trong duy trì trật tự trên đại dương, bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên biển.

Phiên họp toàn thể kỷ niệm 40 năm ngày thông qua UNCLOS 1982 tại New York .Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ
Phiên họp toàn thể kỷ niệm 40 năm ngày thông qua UNCLOS 1982 tại New York .Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ

Nền tảng quản trị đại dương

Theo trang tin tức của LHQ UN News, trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thông qua UNCLOS, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 76 Abdulla Shahid nhấn mạnh, được công nhận là Hiến pháp của biển, UNCLOS được xem là một trong những kết quả thành công nhất của chủ nghĩa đa phương dựa trên luật lệ, với thành quả cao nhất là một văn kiện ràng buộc pháp lý về đại dương. Ngày nay, UNCLOS tiếp tục đóng vai trò nền tảng trong việc xây dựng luật pháp quốc tế, thúc đẩy hòa bình, an ninh, hợp tác, quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, phát triển bền vững đại dương và biển. 

Tổng Thư ký Cơ quan Quản lý đáy biển quốc tế (ISA) Michael W. Lodge tái khẳng định tầm quan trọng của UNCLOS trong việc thiết lập hòa bình và trật tự trên các đại dương, cũng như vai trò cơ bản của hợp tác quốc tế trong việc hỗ trợ sử dụng công bằng và hiệu quả các nguồn tài nguyên của đại dương nhằm đạt được tiến bộ kinh tế-xã hội của tất cả các dân tộc trên thế giới. Đánh giá về những thành tựu của UNCLOS, Tổng Thư ký ISA nhấn mạnh, sự thành công của cơ chế pháp lý đối với đáy biển sâu nằm bên ngoài các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia như một thí dụ cụ thể về cách cộng đồng quốc tế có thể xích lại gần nhau để bảo đảm lợi ích chung của nhân loại.

Sau Hiến chương LHQ, UNCLOS 1982 được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau hơn bốn năm chuẩn bị và chín năm đàm phán, UNCLOS được 107 quốc gia ký tại Montego Bay (Jamaica), đánh dấu sự thành công của Hội nghị LHQ về Luật Biển lần thứ ba. UNCLOS có hiệu lực từ ngày 16/11/1994, 12 tháng kể từ ngày nước thứ 60 là Guyana phê chuẩn Công ước. Gồm 320 điều khoản và chín phụ lục, với hơn 1.000 quy phạm pháp luật, UNCLOS là một văn kiện pháp lý đồ sộ, đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của cộng đồng quốc tế về một trật tự pháp lý quốc tế mới đối với tất cả các vấn đề về biển và đại dương.

Trong tuyên bố thay mặt các quốc gia Bắc Âu nhân kỷ niệm 40 năm ngày UNCLOS được thông qua, Phái đoàn Thường trực Na Uy tại LHQ cho rằng, UNCLOS là một trong những công cụ đa phương quan trọng và có tầm nhìn xa nhất từng được thiết lập, là cột mốc quan trọng cho sự hợp tác và quản trị quốc tế, đặt ra khuôn khổ pháp lý trong đó mọi hoạt động trên đại dương và biển phải được thực hiện.

UNCLOS được đánh giá là một bản Hiến pháp về biển của cộng đồng quốc tế, bởi Công ước không chỉ bao gồm các điều khoản mang tính điều ước mà còn là văn bản pháp điển hóa các quy định mang tính tập quán. UNCLOS thể hiện sự thỏa hiệp mang tính toàn cầu, có tính đến lợi ích của tất cả các nước trên thế giới, dù là nước công nghiệp phát triển hay là nước đang phát triển… UNCLOS đã trù định toàn bộ các quy định liên quan các vùng biển mà một quốc gia ven biển có quyền được hưởng, cũng như những quy định liên quan việc sử dụng, khai thác biển và đại dương, như quy chế pháp lý của tất cả các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia; chế độ pháp lý đối với biển và đáy đại dương, di sản chung của loài người; các quy định hàng hải và hàng không; việc sử dụng và quản lý tài nguyên biển; vấn đề bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an ninh trật tự trên biển; việc giải quyết tranh chấp và hợp tác quốc tế về biển; quy chế hoạt động của cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương, ủy ban ranh giới ngoài thềm lục địa, tòa án luật biển quốc tế, hội nghị các quốc gia thành viên Công ước…

Những thách thức đặt ra

Thế giới nhận thức được rằng, con người ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào đại dương, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển có quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên đại dương. Theo isa.org, Tổng Thư ký ISA Michael W. Lodge cho rằng, 40 năm kể từ khi UNCLOS được thông qua, các nước càng thấu hiểu tầm quan trọng của việc bảo đảm để tất cả hoạt động liên quan đại dương phải được thực hiện một cách thận trọng và áp dụng phương pháp phòng ngừa.

Tổng Thư ký ISA chỉ ra một số thách thức chính mà UNCLOS phải đối mặt hiện nay, tầm quan trọng của việc hợp tác tập thể để duy trì bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên liên quan UNCLOS. Các hành động đơn phương đang tiếp tục đe dọa các nguyên tắc của luật quốc tế cũng như chủ nghĩa đa phương, bất bình đẳng gia tăng gây cản trở việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững. Ông Lodge kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ nỗ lực hướng tới việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả các quy định của UNCLOS, cũng như tăng cường các thể chế được thành lập theo Công ước.

ISA nêu rõ, sự cần thiết hiện nay là tăng cường hành động tập thể để bảo đảm UNCLOS được tôn trọng và củng cố. Các quốc gia cần có cách tiếp cận nhất quán trong thực hiện các quy định của Công ước. Mỗi chương của Công ước là một phần không thể tách rời. Các quy định của UNCLOS phản ánh sự thống nhất sinh thái của đại dương và được thiết kế thận trọng để đáp ứng lợi ích của tất cả các quốc gia. Сác nước không thể chọn các yếu tố khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh và lợi ích riêng mà bỏ qua tính thống nhất của Công ước. 

Đại dương, biển và các khu vực ven biển tạo thành một bộ phận thiết yếu của hệ sinh thái Trái đất. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cung cấp khuôn khổ pháp lý cho việc sử dụng bền vững đại dương và các nguồn tài nguyên, đồng thời buộc các quốc gia bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Tuy nhiên, Phái đoàn Thường trực Na Uy tại LHQ chỉ ra rằng, môi trường biển và đa dạng sinh học tiếp tục bị axit hóa, tình trạng đánh bắt bất hợp pháp tiếp diễn, ô nhiễm và xả thải bất hợp pháp vẫn không được kiểm soát, trong khi tội phạm hàng hải tiếp tục là vấn đề nan giải. Biến đổi khí hậu dẫn đến lượng băng trên biển giảm, mực nước biển dâng cao và thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn. Những tác động này lại gây ảnh hưởng nặng nề nhất đến những khu vực dễ bị tổn thương nhất hoặc kém phát triển nhất trên thế giới.

Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại LHQ Olof Skoog đánh giá, UNCLOS vẫn thích hợp để giải quyết các vấn đề mới và đang nảy sinh, đồng thời hỗ trợ Chương trình nghị sự chung của LHQ và lộ trình phát triển, cũng như thực thi hiệu quả luật pháp quốc tế. EU kêu gọi tất cả các quốc gia duy trì tính toàn vẹn của UNCLOS, tôn trọng tất cả điều khoản của Công ước và lên án bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế, phá hoại hoặc coi thường công cụ đặc biệt này. EU nhấn mạnh, đặc biệt trong bối cảnh tình hình toàn cầu hiện nay, tất cả các yêu sách hàng hải cần được đưa ra và giải quyết một cách hòa bình phù hợp UNCLOS.

Đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt hành tinh và chiếm phần lớn lượng oxy mà loài người hít thở. Đại dương cung cấp thực phẩm, việc làm và tài nguyên cho hàng tỷ người. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 76 Abdulla Shahid nhấn mạnh thông điệp: Tài sản của đại dương vượt ra ngoài giá trị kinh tế, bởi nó còn mang những giá trị lịch sử và văn hóa phong phú. LHQ tái khẳng định, không thể có được sự thành công của UNCLOS và không thể tăng tốc hành động bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, nếu không có những cam kết tập thể và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.