Hành trình gian nan tìm kiếm hòa bình

Ngày 21-5 vừa qua, Chính phủ Israel và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas tại dải Gaza của Palestine đã công bố một lệnh ngừng bắn nhằm kết thúc 11 ngày giao tranh đẫm máu. Cả hai bên đều tuyên bố mình “chiến thắng”, song hậu quả là những tổn thất nặng nề, đặc biệt là đối với dân thường. Trải qua nhiều thập kỷ xung đột, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho khu vực này vẫn là một trong các bài toán khó tìm lời giải nhất trong chương trình nghị sự quốc tế.

Cảnh tượng đổ nát tại dải Gaza sau 11 ngày giao tranh. Ảnh: THE JAPAN TIMES
Cảnh tượng đổ nát tại dải Gaza sau 11 ngày giao tranh. Ảnh: THE JAPAN TIMES

Lịch sử đau thương của khu vực

Quan hệ đối đầu giữa Israel và Palestine là một trong những cuộc xung đột kéo dài nhất trên thế giới. Trong đó, khốc liệt nhất chính là các cuộc giao tranh vũ trang giữa quân đội Israel và phong trào Hamas. Sheikh Ahmed Yassin là người sáng lập Hamas và trở thành thủ lĩnh tinh thần của tổ chức. Thành lập năm 1987, Hamas được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của một số quốc gia ở Trung Đông hoặc Tây Á. Nhờ đó, tổ chức này đã phát triển từ một lực lượng vũ trang trở thành thực thể chính trị quyền lực nhất ở Palestine.

Thắng lợi của “Cuộc chiến sáu ngày” vào tháng 6-1967 giúp Israel giành được quyền kiểm soát bán đảo Sinai từ Ai Cập, dải Gaza, khu Bờ tây và phía đông thành cổ Jerusalem từ Jordan, cao nguyên Golan từ Syria. Vào năm 1979, sau một loạt lệnh ngừng bắn và đàm phán hòa bình, các đại diện của Ai Cập và Israel đã ký Hiệp định Trại David, một hiệp ước hòa bình chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 30 năm giữa Ai Cập và Israel. Mặc dù hiệp định đã cải thiện quan hệ giữa Israel và các nước láng giềng, nhưng quyền tự quyết, tự quản của người Palestine vẫn chưa được giải quyết. 

Năm 1987, hàng trăm nghìn người Palestine sống ở Bờ tây và dải Gaza đã nổi lên chống lại Chính phủ Israel, còn được gọi là phong trào “Intifada” đầu tiên. Cùng năm, tổ chức Hamas thành lập, khước từ mọi giải pháp hòa bình và không công nhận nhà nước Israel.

Năm 1993, các bên đã ký Hiệp định Oslo I để hòa giải, thiết lập khuôn khổ để người Palestine tự quản ở Bờ tây và dải Gaza, đồng thời cho phép sự công nhận lẫn nhau giữa chính quyền Palestine mới thành lập và Chính phủ Israel. Năm 1995, Hiệp định Oslo II mở rộng thỏa thuận đầu tiên, bổ sung các điều khoản bắt buộc Israel phải rút hoàn toàn khỏi sáu thành phố và 450 thị trấn ở Bờ tây.

Năm 2000, một phần do sự bất bình của người Palestine đối với quyền kiểm soát của Israel tại Bờ tây, tiến trình hòa bình bị đình trệ. Nhằm phản đối chuyến thăm của Thủ tướng Israel khi đó là Ariel Sharon đến đền thờ Al-Aqsa, địa điểm linh thiêng của người Hồi giáo ở thành cổ Jerusalem vào tháng 9 cùng năm, người Palestine đã phát động cuộc Intifada thứ hai, kéo dài đến năm 2005. Hamas đã thực hiện một loạt vụ đánh bom ở Thủ đô Tel Aviv vào tháng 6-2001. Để trả đũa, phía Israel cũng thực hiện nhiều cuộc tiến công quân sự. Ngày 27-12-2008, cuộc tiến công quân sự đẫm máu do quân đội Israel tiến hành kéo dài 22 ngày ở dải Gaza đã khiến 1.400 người Palestine bị thiệt mạng. Ngày 14-11-2012, chỉ huy cấp cao của Hamas là Ahmad Jabari thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel.

Một năm sau, Mỹ đã nỗ lực hồi sinh tiến trình hòa bình giữa Chính phủ Israel và chính quyền Palestine ở Bờ tây. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hòa bình đã bị gián đoạn, nguyên nhân là do Fatah - đảng cầm quyền của chính quyền Palestine, đã thành lập một chính phủ liên minh với Hamas vào năm 2014.

Vào mùa hè năm 2014, các cuộc đụng độ trên lãnh thổ Palestine leo thang trở thành cuộc đối đầu quân sự giữa quân đội Israel và Hamas. Trong đó, Hamas bắn gần 3.000 quả rocket vào lãnh thổ Israel và chính quyền Tel Aviv trả đũa bằng một cuộc tiến công lớn ở dải Gaza. Cuộc giao tranh kết thúc vào cuối tháng 8-2014 sau một thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian, nhưng hậu quả để lại là 73 người Israel và 2.251 người Palestine thiệt mạng. Sau làn sóng bạo lực giữa người Israel và người Palestine năm 2015, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố người Palestine sẽ không còn bị ràng buộc bởi sự phân chia lãnh thổ theo Hiệp định Oslo. Vào tháng 3 và tháng 5-2018, người Palestine đã tiến hành các cuộc tuần hành hằng tuần tại biên giới giữa dải Gaza và Israel. Theo số liệu của LHQ, 183 người biểu tình đã thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương.

Gian nan kiếm tìm giải pháp hòa bình

Đã có nhiều phương án giải quyết cuộc xung đột Israel và Palestine được đưa ra, song nổi bật nhất là “giải pháp hai nhà nước” và “giải pháp một nhà nước”. Trong đó, “giải pháp hai nhà nước” là cách công nhận hai chính phủ Israel và Palestine độc ​​lập. Theo đó, người Israel và người Palestine điều hành đất nước theo cách khác nhau. Cụ thể, người dân Israel muốn xây dựng một nhà nước Do thái, trong khi người Palestine muốn hình thành một nhà nước Arab của riêng họ. Trong khi đó, “giải pháp một nhà nước” sẽ hợp nhất Israel, Bờ tây và dải Gaza thành một quốc gia lớn. Mặc dù các cuộc thăm dò đều cho thấy, cả người Israel và người Palestine đều ủng hộ giải pháp hai nhà nước, nhưng trên thực tế, tới nay cả Chính phủ Israel lẫn chính quyền Palestine đều chưa đạt được các điều khoản thỏa thuận. Bên cạnh đó, do quan điểm không chấp nhận sự tồn tại của Nhà nước Do thái, nên Hamas quyết liệt phản đối.

Theo The Washinton Post (Mỹ), cuộc chiến 11 ngày vừa qua giữa quân đội Israel và Hamas là lần đụng độ bạo lực gây thiệt hại nhiều nhất kể từ năm 2014. Các cuộc tiến công liên tiếp nổ ra, nhắm vào các thành phố của Israel và dải Gaza khiến hàng trăm người thiệt mạng và bị thương, hàng nghìn người phải di tản, lánh nạn trong hầm trú ẩn. Hamas và lực lượng đồng minh đã bắn rocket vào các thị trấn ven biển và miền nam Israel, như thành phố cảng Ashkelon hay Rishon LeZion… Để đáp trả, quân đội Israel tiến hành chiến dịch không kích khốc liệt tại dải Gaza, nhắm vào hơn 500 mục tiêu của Hamas. 

Nhờ vai trò trung gian hòa giải của Ai Cập, lệnh ngừng bắn mong manh giữa Israel và Hamas có hiệu lực từ ngày 21-5, chấm dứt 11 ngày giao tranh đẫm máu. Ngay cả khi xung đột tạm ngừng, những nguyên nhân cơ bản của cuộc xung đột vẫn tồn tại. Đó là chính sách mở rộng định cư ở Jerusalem và Bờ tây của Israel, căng thẳng tôn giáo ở thành cổ Jerusalem và thiếu vắng một tiến trình hòa bình thiết thực. 

Mối quan tâm cấp bách nhất hiện nay là cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza sau xung đột. Cộng đồng quốc tế đang kêu gọi Israel nới lỏng phong tỏa Gaza để cho phép hàng cứu trợ nhân đạo, nhiên liệu và các hỗ trợ khác từ LHQ, Liên hiệp châu Âu (EU) và các nước láng giềng như Qatar có thể tiếp cận người dân. Mới đây, trong bài phát biểu tại Nhà trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: “Tôi tin rằng người Palestine và người Israel đều xứng đáng được sống một cách an toàn, bảo đảm và được hưởng các sự bình đẳng về tự do, thịnh vượng và dân chủ”.