Đường đua 5G

Một số quốc gia hiện đã tham gia “cuộc chiến” để giành vị trí đầu tiên trong sự phát triển toàn cầu của công nghệ truyền thông di động thế hệ năm (5G) và tiên phong trong việc phát triển tiêu chuẩn truyền thông mới. Theo báo cáo từ Business Insider, đến năm 2025, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) sẽ đứng đầu về triển vọng tăng trưởng của thị trường truyền thông 5G.

Viettel triển khai phát sóng thử nghiệm mạng 5G tại Hà Nội. Ảnh: VIETTEL
Viettel triển khai phát sóng thử nghiệm mạng 5G tại Hà Nội. Ảnh: VIETTEL

Theo các nhà phân tích của Business Insider, một số quốc gia đã tham gia cuộc chiến khốc liệt để giành vị trí đầu tiên trong sự phát triển toàn cầu của 5G. Các công ty viễn thông ở 18 quốc gia sẽ triển khai mạng 5G trong năm 2020 và sau đó, hơn một phần năm thế giới sẽ triển khai dịch vụ 5G. 5G sẽ đóng vai trò là xương sống của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ 5G ước tính sẽ đóng góp 2,2 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu trong 15 năm tới. Khả năng kỹ thuật của nó sẽ làm tăng giá trị của các công nghệ hiện có và làm thay đổi thế giới. Bởi, giao tiếp 5G bảo đảm cung cấp tốc độ truyền dữ liệu 1 gigabit/giây với độ trễ nhiều nhất là 0,001 giây (1 mili giây); trong giờ cao điểm, tiêu chuẩn mới cho phép kết nối tới một triệu thiết bị trên mỗi km2. Vì thế, tiêu chuẩn thế hệ mới cho phép giao tiếp trực tiếp giữa các thiết bị, kết nối cực kỳ ổn định và giảm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng.

Hiện, các nước tiên phong trong việc phát triển một tiêu chuẩn truyền thông mới là Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Các công ty lớn nhất liên quan 5G gồm AT&T, Sprint, Verizon Wireless (Mỹ); ZTE, China Mobile, China Telecom, Trung Quốc Unicom, Huawei (Trung Quốc); Ericsson (Thụy Điển), SK Telecom, Samsung KT, LG, LG Uplus (Hàn Quốc), Nokia (Phần Lan), T-Mobile (Đức).

Mỹ đã ra mắt mạng thương mại 5G đầu tiên vào năm 2018, và sẽ tăng gấp đôi kết nối 5G vào cuối năm nay. Ở Mỹ, các công ty tư nhân đóng một vai trò hàng đầu. Các nhà khai thác xác định độc lập các chiến lược, phương pháp để triển khai mạng 5G, điều này làm tăng sự cạnh tranh và thúc đẩy đổi mới, đầu tư trong lĩnh vực này.

Hàn Quốc là quốc gia thứ hai trên thế giới triển khai mạng 5G và đang có những chiến lược phát triển mới. Ở Hàn Quốc, hiện có khoảng một triệu người bắt đầu sử dụng mạng 5G thương mại. Sự phát triển nhanh chóng của 5G là kết quả của sự bảo trợ của chính phủ nước này trong việc điều tiết ngành viễn thông.

Trung Quốc là thị trường di động lớn nhất thế giới, dự kiến đến cuối năm 2025, đây sẽ là thị trường lớn nhất về số lượng kết nối với 5G. Chính quyền Trung Quốc đang thực hiện nhiều biện pháp để vươn lên trở thành nhà khai thác mạng 5G hàng đầu thế giới. Một số nhà khai thác của nước này đang đẩy nhanh các thử nghiệm để khởi động giai đoạn đầu tiên phát triển thương mại 5G trong năm nay.

Tại Nga, theo các nhà phân tích, vào năm 2025, kết nối 5G sẽ trở nên phổ biến. Theo Chương trình Kinh tế số của chính phủ nước này, đến năm 2022, truyền thông 5G sẽ hoạt động ở năm thành phố lớn và đến năm 2024 sẽ phổ biến tại 15 thành phố.

Đường đua 5G ảnh 1

Mạng 5G sẽ tạo bước đột phá về truyền tải dữ liệu. Ảnh: CBSISTATIC

Ở Việt Nam, một số nhà mạng đã hoàn thiện cơ bản định hướng phát triển và gấp rút đưa mạng 5G vào thương mại hóa trong năm nay. Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công mạng 5G sớm nhất trên thế giới, sau khi lắp đặt thành công trạm 5G đầu tiên tại Thủ đô Hà Nội. Về mặt hạ tầng truyền dẫn, công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT) trên nền tảng 4G LTE-M và NB-IoT đã được Viettel triển khai và trở thành một trong 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai các công nghệ này.

Việt Nam hiện đang có ba đơn vị tập trung phát triển 5G là Viettel, VinGroup và FPT. Trong đó, Viettel cùng Vingroup được giao nhiệm vụ chế tạo các thiết bị hạ tầng và FPT tập trung nghiên cứu, sản xuất bộ vi xử lý. Trên thế giới hiện nay chưa có nhiều nước có thể sản xuất được các thiết bị 5G, vì vậy, nếu chúng ta có thể làm chủ công nghệ và sản xuất nội địa thì việc thương mại ra toàn cầu là một bước đột phá mới. Đây cũng là mục tiêu chung được các tập đoàn và Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT - TT) đặt quyết tâm “đi tắt, đón đầu và làm chủ”.

Tại hội thảo “Thúc đẩy phát triển thông tin di động 5G và ứng dụng” diễn ra tháng 12-2019 tại Hà Nội, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT - TT) cho biết, Việt Nam đang cân nhắc và tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc lựa chọn triển khai băng tần 5G. Theo đó, định hướng của Việt Nam là quy hoạch cả băng tần trung và cao cho việc triển khai thương mại hóa 5G vào năm 2020.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi nền tảng số dẫn theo yêu cầu cao về an ninh và bảo đảm tài nguyên băng tần. Nếu 5G được đưa vào sử dụng đại trà trong năm 2020, mạng viễn thông Việt Nam sẽ có tất cả bốn nền tảng di động hoạt động riêng biệt là GMS (2G), IMT 2000 (3G), LTE-A (4G) và 5G. Để duy trì vận hành và khai thác bốn mạng di động này cần rất nhiều tài nguyên về băng tần và chi phí vận hành, khiến doanh nghiệp viễn thông khó có thể tập trung toàn bộ nguồn lực để phát triển nền tảng công nghệ mới. Vì vậy, Bộ TT - TT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022. Đây là một phương án được cho là phù hợp nhất với thực trạng viễn thông ở nước ta hiện nay. Đồng thời, vấn đề cốt lõi là an toàn, an ninh mạng cũng cần được các bên liên quan tập trung bảo đảm trước khi nền tảng 5G bắt đầu đưa vào khai thác.

Hơn nữa, người dùng Việt Nam sẽ có cơ hội trải nghiệm thực tế mạng 5G hiện đại nhất thế giới tại trường đua Công thức 1 (F1) đang được hoàn thiện mang tên “Đường đua Hà Nội”, chặng đua đầu tiên dự kiến diễn ra từ ngày 3 đến ngày 5-4 tới.

Đáng chú ý, trong năm vừa qua, các nghiên cứu đang được tiến hành tích cực để tạo ra một thế hệ truyền thông hoàn toàn mới. Ở châu Âu, trung tâm nghiên cứu hàng đầu là Đại học Oulu (Phần Lan) đang triển khai Dự án 6-Genesis, nhằm “Phát triển một phương thức liên lạc và công nghệ truy cập vô tuyến đổi mới cho các mạng 5G/6G, bảo đảm cung cấp thông tin liên lạc cực kỳ an toàn, đáng tin cậy với độ trễ tối thiểu”. Công nghệ mới mà họ đang cố gắng tạo ra sẽ cho phép hoạt động trong phạm vi terahertz với băng thông hàng chục gigahertz và độ trễ của phần triệu giây. Đối với người dùng thì hiểu đơn giản là bạn có thể tải xuống tệp dữ liệu 2 GB trong 0,009 giây. Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đã có tuyên bố về những nghiên cứu này.

Như vậy, cuộc đua mạng 5G toàn cầu đã bước vào giai đoạn nước rút. Một kỷ nguyên kết nối không dây tốc độ cao và IoT sẽ quyết định ai là “người chiến thắng”. Hy vọng với nền tảng công nghệ hiện có từ các tập đoàn công nghệ lớn trong nước, Việt Nam có thể tự tin và mang đến những bước đột phá mới.