Đằng sau những khẩu súng thất lạc

Các năm gần đây, Mỹ thường xuyên là điểm nóng của những vụ xả súng hàng loạt, gây ra nhiều hậu quả thương tâm. Ngoài việc truy cứu trách nhiệm của thủ phạm, nhiều ý kiến băn khoăn về nguồn gốc và cách thức súng, đạn rơi vào đối tượng gây án. Để trả lời vấn đề này, mới đây hãng thông tấn AP (Mỹ) đã công bố nhiều tài liệu, thông tin điều tra liên quan tình trạng thất lạc súng, đạn từ quân đội Mỹ.

Vũ khí trong quân đội Mỹ bị thất lạc thường xuyên những năm gần đây. Ảnh: DAILY NEWS
Vũ khí trong quân đội Mỹ bị thất lạc thường xuyên những năm gần đây. Ảnh: DAILY NEWS

Những thống kê đáng lo ngại

Kết quả điều tra của AP đã phát hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây có tới 1.900 khẩu súng quân dụng của quân đội Mỹ đã thất lạc hoặc bị đánh cắp, cùng với đó là sự “tái xuất” của chúng trong các vụ bạo lực, xả súng. Danh sách các loại vũ khí thất lạc bao gồm súng ngắn, súng máy, súng trường tiến công,… đã biến mất từ kho vũ khí, kho tiếp nhiên liệu, tàu chiến, trường bắn và nhiều đơn vị khác thuộc lục quân, thủy quân lục chiến, hải quân, không quân.

Các sự cố liên quan vũ khí mất tích đã được ghi nhận trên khắp nước Mỹ, cũng như nơi đóng quân của Mỹ ở nước ngoài. Chỉ một vụ mất cắp riêng lẻ, đã có tới 65 khẩu súng lục Beretta biến mất khỏi căn cứ quân sự ở Afghanistan. Phần lớn nguyên nhân của việc mất tích vũ khí đến từ các lỗ hổng an ninh và sai sót trong hệ thống giám sát. Thống kê cho thấy, trong số vũ khí quân sự thất lạc hoặc bị đánh cắp từ năm 2010 tới năm 2019, có số súng trường tiến công là 1.179 khẩu, 694 khẩu súng lục và 74 khẩu súng máy đã biến mất. Một số vũ khí sát thương cao như 36 súng phóng lựu, 34 súng phóng tên lửa, 25 súng cối và 11 súng săn cũng nằm trong số vũ khí bị mất tích trong giai đoạn đó. Các loại vật liệu nổ quân sự bị đánh cắp như thuốc nổ C4, lựu đạn xuyên giáp,… cũng chưa được thống kê đầy đủ.

Trong cuộc điều tra kéo dài 10 năm của AP, các đơn vị lục quân của quân đội Mỹ có số lượng vũ khí bị mất tích nhiều nhất, với hơn 1.500 khẩu, trong khi thủy quân lục chiến và hải quân bị mất khoảng 400 khẩu. Súng, đạn thậm chí còn được cho là đã biến mất khỏi một số đơn vị quân sự tinh nhuệ nhất của Mỹ. Hãng tin trên cũng cho biết, một cựu thành viên của đơn vị hoạt động đặc biệt trong thủy quân lục chiến bị phát hiện sở hữu hai khẩu súng từng bị mất cắp. Một người khác thuộc lực lượng biệt kích hải quân (SEAL) từng báo cáo làm mất khẩu súng lục của mình trong một cuộc giao tranh tại Lebanon.

Những khẩu súng quân dụng thất lạc hay bị đánh cắp đã rơi vào tay nhiều băng nhóm tội phạm trên đường phố và được sử dụng trong không ít vụ bạo lực. Các phóng viên AP có thể xác định năm khẩu súng bị đánh cắp khác nhau đã gây ra tám vụ xả súng mới đây. Điển hình như khẩu Beretta 9 mm là hung khí gây ra bốn vụ xả súng ở Albany (New York), trong đó một vụ khiến hai người bị thương ngày 4/7 vừa qua. Trong khi đó, các nhà chức trách ở bang California vẫn đang tìm kiếm tung tích chín khẩu còn lại trong số 26 khẩu súng trường tiến công AK-74 bị đánh cắp từ doanh trại quân đội Fort Irwin cách đây 10 năm. Theo đó, một số sĩ quan quân cảnh đã lấy trộm súng từ căn cứ và bán cho băng nhóm đường phố Fresno Bulldogs. Nhà chức trách cho rằng, có khả năng vũ khí đã thâm nhập cộng đồng theo ba cách chính: giao dịch trực tiếp từ kẻ trộm tới người mua, các cửa hàng cầm đồ và cuối cùng là cửa hàng trực tuyến.

Nghiêm trọng hơn, số lượng lớn vũ khí, đạn dược và quân dụng thất lạc của lính Mỹ hoặc viện trợ cho đồng minh đã vô tình rơi vào tay các nhóm phiến quân, khủng bố, tổ chức cực đoan sau các cuộc giao tranh ở nhiều nơi. Đơn cử như năm 2015, sau một cuộc giao tranh tại Yemen giữa liên minh do Saudi Arabia đứng đầu và phiến quân Houthi đã để lại sau lưng nhiều “nghĩa địa khí tài”, như khu vực gần thành phố cảng Hodeidah, dẫn tới tình trạng buôn bán, sử dụng vũ khí trở nên phức tạp. Thậm chí một số nhóm khủng bố thu được lợi nhuận từ việc buôn bán vũ khí Mỹ. Tại TP Taiz ở nước này, các cửa hàng, đại lý buôn bán vũ khí đã “nở rộ”, với các thương nhân đề nghị mua hoặc bán bất cứ thứ gì, từ súng trường đến xe tăng, xe bọc thép của Mỹ,… cho người trả giá cao nhất. Không ngạc nhiên khi tháng 9/2017, kênh truyền thông của lực lượng Houthi đã phát sóng hình ảnh Mohammed Ali al-Houthi - thủ lĩnh phiến quân, ngồi trên xe chống mìn MRAP do Mỹ sản xuất và diễu hành ở Thủ đô Sana’a.

Nhiều lỗ hổng, thiếu giải pháp

Các quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ khẳng định, trách nhiệm giám sát vũ khí là ưu tiên hàng đầu nên khi vũ khí bị mất tích sẽ nhanh chóng dẫn tới quy trình phối hợp để thu hồi. Trong trường hợp không có yêu cầu báo cáo thường xuyên, Lầu năm góc có trách nhiệm thông báo cho Quốc hội về bất kỳ sự cố “nghiêm trọng” nào liên quan vũ khí bị mất tích. Tuy nhiên, việc đó đã không được thực hiện, ít nhất kể từ năm 2017. Nếu một tên lửa hiện đại như Stinger bị mất tích, nó sẽ đủ điều kiện để Lầu năm góc thông báo cho cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng, nếu chỉ có một khẩu súng máy bị đánh cắp thì sẽ không có ai báo cáo Quốc hội.

Vấn đề còn tồn tại ở chính trong các doanh trại quân đội, cụ thể là những người trực tiếp xử lý và bảo quản vũ khí, quân dụng. Theo Đại tá Kenneth Williams, Giám đốc cung ứng thuộc chi nhánh Hậu cần G-4 của lục quân Mỹ, những người bảo quản vũ khí, quân dụng thường là binh sĩ cấp dưới hoặc người mới. “Đây là một trong các nhiệm vụ đầu tiên của binh sĩ cấp dưới. Chúng tôi đặt trách nhiệm lớn cho binh sĩ ngay từ khi họ đến. Các binh sĩ trên có quyền tiếp cận cả vũ khí lẫn phụ tùng thay thế nếu cần sửa chữa. Trong đó có các bộ phận như cụm cò súng, thường được sử dụng để chế tạo súng mới hoặc cải tiến súng hiện có”. Theo ông Mark Ridley, cựu Phó Giám đốc Cơ quan Điều tra hình sự hải quân Mỹ, đây chính là “lỗ hổng” trong việc giám sát khí tài. Ông Ridley cho biết: “Chúng tôi đã từng thấy trường hợp một lính canh có thể chế tạo súng trường tiến công tự động M16 từ các bộ phận riêng lẻ”. Năm 2014, cơ quan chức năng đã điều tra vụ trộm các bộ phận vũ khí từ một đơn vị thuộc hải quân có trụ sở tại TP Coronado, bang California. Bốn cụm cò súng M4 đã bị đánh cắp và thủ phạm là sĩ quan quản lý kho vũ khí.

Phần lớn sĩ quan biến chất này đã lợi dụng kẽ hở của hệ thống giám sát để ăn trộm vũ khí và sau đó thủ tiêu chứng cứ. Cụ thể như vụ mất trộm súng phóng lựu M203 tại doanh trại thủy quân lục chiến ở TP Albany, bang Georgia. Nhà chức trách đã không thể tìm thấy dữ liệu từ camera giám sát khi xảy ra vụ trộm. Một báo cáo phân tích 45 cuộc điều tra liên quan trộm vũ khí trong hải quân và thủy quân lục chiến cho thấy, có tới 55% số trường hợp không thể tìm thấy nghi phạm và vũ khí vẫn bị mất tích. Nguyên nhân là do phần lớn hồ sơ, dữ liệu hình ảnh đều bị phá hủy hoặc giả mạo, trong khi kho vũ khí thiếu bảo mật cơ bản và việc kiểm kê không được hoàn thành trong nhiều tuần, nhiều tháng.

Đối với vấn đề thất lạc và ăn cắp súng, các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng thể hiện một thái độ dè dặt, né tránh thảo luận cụ thể về mức độ thiệt hại, thiếu những giải pháp thu hồi triệt để. Một số quan chức cấp cao của lực lượng không quân Mỹ thậm chí không tiết lộ dữ liệu và nói rằng không có hồ sơ nào tồn tại liên quan vấn đề thất lạc súng, đạn. 

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, phát ngôn viên Lầu năm góc John Kirby đã trấn an rằng, số lượng súng, đạn bị mất hoặc bị đánh cắp chỉ chiếm một phần nhỏ trong kho dự trữ rất lớn của quân đội. Ông Kirby cũng khẳng định, hiện nay số lượng vũ khí mất tích đã giảm đáng kể vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19 khiến Mỹ cắt giảm nhiều hoạt động quân sự. 

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, luật sư Soares, sống tại thủ phủ Albany, cho rằng: “Đó là điều vô cùng đáng báo động khi một khẩu súng có thể tạo ra hậu quả thảm khốc. Nó đòi hỏi các quan chức địa phương và cơ quan thực thi pháp luật trung ương cần phải nỗ lực hơn nữa để cố gắng loại bỏ những khẩu súng đó khỏi cộng đồng”.