Cuộc tranh chấp biên giới Kyrgyzstan - Tajikistan

Ngày 1-5 vừa qua, chính quyền Kyrgyzstan lên tiếng cáo buộc quân đội Tajikistan đã nổ súng nhằm khu dân cư tại huyện Leilik, vùng biên giới Batken, phía tây nam Kyrgyzstan, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mà hai nước đã đạt được ngày 29-4. Đây là đợt giao tranh được xem là làm trầm trọng thêm cuộc tranh chấp biên giới nhiều thập kỷ qua giữa Kyrgyzstan và Tajikistan. 

Một chốt quân sự của Kyrgyzstan tại biên giới với Tajikistan. Ảnh: AP
Một chốt quân sự của Kyrgyzstan tại biên giới với Tajikistan. Ảnh: AP

Bùng phát căng thẳng 

Theo Gazeta.ru, trong số 5 quốc gia ở khu vực Trung Á, Tajikistan và Kyrgyzstan tuy là hai quốc gia nhỏ với dân số chưa tới 10 triệu người, nhưng đều đã từng xảy ra xung đột bạo lực ở các mức độ khác nhau. Chẳng hạn cuộc nội chiến ở Tajikistan từ năm 1992 tới năm 1997, sự thay đổi chế độ ở Kyrgyzstan trong các năm 2005, 2010. Thống kê cho thấy 10 năm qua, giữa Tajikistan và Kyrgyzstan đã có không dưới 100 cuộc xung đột biên giới, trọng tâm của các tranh chấp thường là các vấn đề như xây dựng cơ sở hạ tầng và sử dụng nguồn nước chung. Tình hình xung đột tại khu vực biên giới Batken giữa hai nước bất ngờ “nóng” trở lại từ các ngày 24 đến 30-4-2021. 

Ngày 24-4, các nhân viên thực thi pháp luật của Kyrgyzstan đã bắt giữ hai công dân Tajikistan khi họ đang lắp đặt camera giám sát trên cột truyền tải điện ở Isfara - khu vực biên giới với Kyrgyzstan, để theo dõi công việc phân phối nước. Hai ngày sau, Bộ Ngoại giao Kyrgyzstan đã triệu tập Đại sứ Tajikistan tại Kyrgyzstan để trao công hàm phản đối vụ việc. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Tajikistan trao công hàm đối ứng cho Đại sứ Kyrgyzstan tại Tajikistan, bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hành động bất hợp pháp của cơ quan biên phòng Kyrgyzstan đối với vụ bắt giữ trên.

Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao trào khi xảy ra xô xát giữa người dân hai nước tại khu vực biên giới vào đêm 28-4, liên quan tranh chấp trạm phân phối nước Golovnoy ở thượng nguồn sông Isfara mà cả hai cùng tuyên bố chủ quyền, dẫn đến việc ngày 29-4 lực lượng vũ trang hai bên nã đạn vào nhau. Sau các cuộc đấu súng, đã có 49 người thiệt mạng và 173 người bị thương, 27.000 người dân phải sơ tán khỏi vùng giao tranh. Mặc dù hai bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời vào ngày 1-5, song xung đột vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát. Ngày 1-5, sau cuộc điện đàm giữa nguyên thủ hai nước, các bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn và rút binh sĩ, trang thiết bị quân sự về căn cứ đóng quân thường trực. Ngày 3-5, hai bên đã hoàn tất quá trình rút quân khỏi khu vực biên giới. Đến nay, tình hình ở biên giới Tajikistan và Kyrgyzstan cơ bản đã ổn định và không ghi nhận thêm các vụ nổ súng, song hai bên vẫn cáo buộc lẫn nhau đã gây ra cuộc xung đột vừa qua.

Căng thẳng tại biên giới giữa Tajikistan và Kyrgyzstan lần này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, do cả Kyrgyzstan và Tajikistan đều không muốn đẩy xung đột đi quá xa. Nền kinh tế hai quốc gia đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá cả hàng hóa tăng cao, đồng tiền mất giá, tỷ lệ thất nghiệp cao,… là các nguyên nhân khiến giới lãnh đạo hai bên nhận thấy cần sớm kết thúc xung đột.

Ngoài ra, sự can thiệp của cộng đồng quốc tế cũng giúp “hạ nhiệt” căng thẳng. Sau khi vụ việc xảy ra, đại diện của LHQ, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), Tổng thống Kazakhstan, Tổng thống Uzbekistan, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Liên hiệp châu Âu (EU), Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi hai bên tiến hành đàm phán, bày tỏ mong muốn ngăn chặn không để xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát, ảnh hưởng tiêu cực an ninh khu vực và quốc tế. Nga can thiệp vụ việc này với vai trò “trung gian hòa giải” nhằm loại bỏ nguy cơ xung đột quy mô lớn giữa hai nước có thể phá vỡ sự ổn định của khu vực Trung Á.

Bất đồng kéo dài nhiều thập kỷ

Theo các chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu Carnegie (Mỹ), ngòi nổ của cuộc xung đột lần này bắt đầu từ việc Tajikistan có ý định lắp đặt hệ thống camera trên các cột điện dọc biên giới, nhưng đã vấp phải sự phản đối của Kyrgyzstan. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa xuất phát từ các mâu thuẫn, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên giữa Kyrgyzstan và Tajikistan nhiều thập kỷ qua.

Trước hết, xung đột bắt nguồn từ việc chưa phân định rõ biên giới thời kỳ Liên Xô (trước đây). Trước năm 1991, Kyrgyzstan, Tajikistan là hai nước thuộc Liên Xô. Thời kỳ này, các đường biên giới chỉ thuần túy mang tính chất hành chính. Sau khi Liên Xô tan rã (năm 1991), việc phân định lãnh thổ hai nước chưa rõ ràng, dẫn đến tình trạng một số vùng đất, cộng đồng của hai nước bị cô lập trong lãnh thổ của nhau. Đến nay, chỉ có 580 km trong tổng số 980 km đường biên giới chung giữa hai nước được phân định biên giới. Những năm qua, nỗ lực đàm phán giữa hai nước chưa mang lại kết quả. Hiện, có hai vùng đất của Tajikistan là Voluch và Kayragach vẫn nằm trong lãnh thổ Kyrgyzstan. 

Thứ hai, cạnh tranh nguồn nước luôn là vấn đề gây mâu thuẫn giữa hai bên. Xung đột biên giới hồi tháng 4 vừa qua bắt đầu tại khu vực trạm phân phối nước Golovnoy ở thượng nguồn sông Isfara, nơi cả hai bên đều coi là lãnh thổ của mình. Trung Á nằm cách xa đại dương, khí hậu rất khô hạn, người dân sống chủ yếu dựa vào các hồ chứa do chính phủ xây dựng để tưới tiêu cho đất nông nghiệp. Theo phía Kyrgyzstan, Trung tâm điều phối nước Golovnoy là cơ sở nằm trên lãnh thổ Kyrgyzstan. Trong khi đó, phía Tajikistan tuyên bố theo bản đồ hành chính các năm 1924, 1927 và 1989 thì Golovnoy hoàn toàn thuộc về Tajikistan. Hai bên có nhiều con kênh chung được xây dựng từ thời Liên Xô, nhưng sau khi tuyên bố độc lập, người dân ở hạ lưu thường cáo buộc bên còn lại chặn dòng nước gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, tưới tiêu.

Vấn đề nguồn nước còn đan xen với nạn buôn bán ma túy và cả khủng bố. Do việc phân định ranh giới không rõ ràng, việc quản lý nhiều đường biên giới lỏng lẻo, khiến hoạt động buôn bán ma túy diễn ra tràn lan. Sau khi hoàn thành giao dịch, những kẻ buôn bán ma túy có thể trốn sang nước khác qua đường biên giới. Một số tổ chức tôn giáo cực đoan cũng nhân cơ hội mở rộng hoạt động tại khu vực này, đe dọa đời sống của cư dân biên giới. Do đó, về cơ bản, xung đột bùng nổ là do sự tranh giành tài nguyên của người dân và tình trạng mất an ninh lâu dài gây nên. 

Có thể thấy, hai quốc gia Trung Á Kyrgyzstan và Tajikistan đã tồn tại các tranh chấp khu vực biên giới nhiều thập kỷ qua, song vụ xung đột vừa qua là nghiêm trọng nhất trong vài năm trở lại đây. Dù xung đột đã nhanh chóng được ngăn chặn nhờ thiện chí của lãnh đạo hai nước nhằm giảm leo thang ngay ở giai đoạn đầu và sự hỗ trợ hòa giải của cộng đồng quốc tế, nhưng việc giải quyết tranh chấp vùng biên giữa hai quốc gia vẫn là vấn đề nan giải, do các bên còn nhiều khúc mắc cũng như những yêu sách lãnh thổ chồng chéo. 

Thời gian tới, với vai trò trung gian hòa giải của Nga và cộng đồng quốc tế, xung đột giữa Kyrgyzstan và Tajikistan tiếp tục được kiểm soát. Hai bên đã lên kế hoạch ngồi vào bàn đàm phán để tìm phương án phân định ranh giới. Thỏa thuận ngừng bắn đã làm dịu tình hình, song xung đột giữa hai nước vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát khi các mâu thuẫn, tranh chấp lãnh thổ, nguồn nước và xung đột dân tộc, tôn giáo chưa đạt được sự đồng thuận và có giải pháp triệt để.