Cuộc khủng hoảng chip bán dẫn

Chip bán dẫn là một bộ phận quan trọng, được sử dụng cho các chức năng điều khiển và bộ nhớ trong các thiết bị hiện đại, từ điện thoại thông minh, máy vi tính, đến xe ô-tô và nhiều sản phẩm công nghệ khác. Trong thời kỳ dịch bệnh, nguồn cung cấp chip trở nên khan hiếm đã khiến nhiều ngành sản xuất công nghiệp điêu đứng, buộc nhà chức trách các nước phải đưa ra nhiều chiến lược mới nhằm kịp thời cải thiện năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực này. 

Chip bán dẫn là “bộ não” của các thiết bị điện tử. Ảnh: GETTY
Chip bán dẫn là “bộ não” của các thiết bị điện tử. Ảnh: GETTY

“Bộ não” của thiết bị điện tử

Chip máy tính, còn được biết đến như một dạng chất bán dẫn, là “bộ não” của các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính, tivi, ô-tô… Chip bán dẫn là thành phần không thể thiếu trong cấu tạo của các dòng ô-tô hiện đại, không chỉ ở hệ điều hành hay hệ thống giải trí trên xe, mà còn ở các bộ phận truyền lực, hệ thống phanh và cảm biến, nhất là ở các mẫu xe thế hệ mới. 

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, có tới 169 ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chip bán dẫn, trong đó sản xuất ô-tô là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất. Tình trạng thiếu nguồn cung chất bán dẫn buộc nhiều hãng ô-tô phải cắt giảm hoặc đóng cửa tạm thời các dây chuyền sản xuất.

Lúc đầu, nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt là sự gián đoạn tạm thời về nguồn cung, do các nhà máy sản xuất chất bán dẫn buộc phải đóng cửa để tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, khi độ bao phủ vaccine tăng lên, các nhà máy quay trở lại sản xuất như trước, song cung vẫn không đủ cầu, vì nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử thông minh tăng đột biến trong thời gian áp dụng các biện pháp cách ly, làm việc từ xa. Ngành công nghiệp bán dẫn đã dịch chuyển nguồn lực sang ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao về điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính cá nhân... 

Trong năm vừa qua, hai hãng sản xuất ô-tô của Mỹ là General Motors và Ford Motor liên tục thông báo cắt giảm sản lượng do tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn. General Motors, nhà sản xuất ô-tô lớn nhất nước Mỹ, dự báo lợi nhuận của hãng sẽ giảm khoảng hai tỷ USD trong năm 2021 do sản xuất gián đoạn bởi thiếu chất bán dẫn. Ford Motor dự kiến sản lượng xe của hãng trong năm nay sẽ giảm khoảng hơn một triệu chiếc so kế hoạch ban đầu. 

Herbert Diess-Giám đốc điều hành hãng sản xuất xe hơi Volkswagen của Đức, cho rằng ngành công nghiệp sản xuất ô-tô vừa trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng chip. Hãng xe Stellantis thành lập đầu năm nay sau khi sáp nhập hai hãng Fiat-Chrysler và Peugeot-Citroen, cho biết không thể sản xuất 700.000 xe trong nửa đầu năm 2021. Từ tháng 7 đến tháng 9 vừa qua, lượng xe bàn giao của Stellantis sụt giảm 27%, trong khi đó con số sụt giảm của Volkswagen là 24%, General Motors là 33% và Ford là 27%. 

Công ty tư vấn AlixPartners cho hay, xét trên quy mô toàn cầu, tình trạng thiếu hụt chip có thể khiến các hãng ô-tô không thể sản xuất 7,7 triệu xe, gây thiệt hại khoảng 210 tỷ USD doanh thu của các hãng này.

Cuộc đua sản xuất chip bán dẫn

Tình trạng thiếu nguồn cung chip bán dẫn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình sản xuất, kinh doanh, kéo theo cuộc đua nhằm tự chủ nguồn cung ứng chip trên thế giới ngày càng gay gắt hơn. Các nước, khối kinh tế sẵn sàng chi mạnh tay hơn nữa cho sản xuất chip bán dẫn. Hàn Quốc công bố khoản đầu tư khổng lồ 451 tỷ USD cho lĩnh vực bán dẫn, trong khi Quốc hội Mỹ đã chấp thuận trợ cấp 52 tỷ USD cho các nhà máy sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn của Mỹ cho rằng, trước các thảm họa tự nhiên và biến động địa-chính trị, chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu ngày càng dễ tổn thương hơn. Tình trạng thiếu chip trên toàn cầu từng trở nên trầm trọng chỉ sau một vụ hỏa hoạn tại một nhà máy ở Nhật Bản, thời tiết băng giá khiến bang Texas của Mỹ bị mất điện, hay hạn hán nghiêm trọng ở Đài Loan (Trung Quốc)...

Mỹ hiện dẫn đầu về phần mềm và sở hữu trí tuệ trong thiết kế các loại chip công nghệ cao, trong khi châu Âu sở hữu nhiều loại chất đặc biệt để chế tạo chip. Tuy nhiên, khâu sản xuất những con chip phức tạp nhất lại nằm ở châu Á. Theo số liệu của công ty nghiên cứu TrendForce, các hợp đồng sản xuất chip bán dẫn tại Đài Loan chiếm hơn 60% tổng doanh thu toàn cầu của ngành này. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Nhật Bản (JRI) ước tính, nếu sản xuất chip bán dẫn tại Đài Loan buộc phải tạm dừng trong một tháng, tình trạng này sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 67 tỷ USD, và nếu sản xuất bị đình chỉ một năm thì con số thiệt hại tăng lên 800 tỷ USD.

Ngay khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quan tâm tới vấn đề chất bán dẫn. Kế hoạch đầu tư cho cơ sở hạ tầng trị giá kỷ lục gần 2.000 tỷ USD của Nhà trắng cũng đề cập những khoản đầu tư khổng lồ cho ngành sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn. Tập đoàn Intel cam kết đầu tư 20 tỷ USD vào hai nhà máy sản xuất chất bán dẫn, nhằm vực dậy vị thế của Mỹ. 

Trong khi đó, châu Âu cũng có các kế hoạch riêng nhằm tăng cường tính cạnh tranh trong ngành sản xuất chip bán dẫn. Ủy ban châu Âu (EC) đã lập kế hoạch xây dựng một hệ sinh thái sản xuất chip bán dẫn, hướng tới mục tiêu tự cung cấp vật liệu này, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ các nhà sản xuất Mỹ và châu Á. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh, một đạo luật về nguồn cung chip điện tử sẽ giúp châu Âu giải quyết được vấn đề chủ quyền công nghệ, bảo đảm an ninh về nguồn cung, tạo ra những bước đột phá mới cho ngành sản xuất này của châu Âu. Song trên thực tế, kế hoạch nâng cao năng lực sản xuất chất bán dẫn của châu Âu có thể vấp phải nhiều trở ngại, trong đó có việc tiếp cận nguồn khoáng sản đất hiếm ở các nước ngoài liên minh. 

Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản (METI) coi ngành sản xuất chất bán dẫn là một trong những trụ cột của ngành công nghiệp quốc gia, và việc triển khai các chính sách tăng cường với lĩnh vực này là không thể thiếu. METI cho rằng, phát triển ngành công nghiệp kỹ thuật số, bảo đảm nguồn cung chất bán dẫn ổn định, có năng lực cạnh tranh cao có tính quyết định đối với vận mệnh quốc gia. Theo METI, doanh thu của ngành công nghiệp chất bán dẫn Nhật Bản năm 1968 chiếm khoảng 50% doanh thu của toàn thế giới, tuy nhiên đến năm 2010, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 10%. 

Theo hãng tin Kyodo, Nhật Bản đã ký các dự án trị giá hàng trăm triệu USD nhằm phát triển công nghệ sản xuất chất bán dẫn trong nước, phối hợp với nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới là TSMC đến từ Đài Loan. Khoảng 20 công ty của Nhật Bản sẽ phối hợp với TSMC, công ty sở hữu các nhà máy sản xuất chip lớn nhất và hiện đại nhất trên thế giới, nhằm nỗ lực cải thiện khả năng cạnh tranh của các công ty nội địa trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển chất bán dẫn vốn rất cần thiết với các mạng lưới viễn thông thế hệ mới và việc sản xuất xe tự hành. 

Công ty tư vấn Deloitte nhận định tình trạng thiếu chip bán dẫn sẽ kéo dài đến đầu năm 2023 và chính sự thiếu hụt này thúc đẩy các dòng đầu tư mới khi nhu cầu tiếp tục tăng. Deloitte dự đoán, các công ty đầu tư mạo hiểm sẽ rót hơn sáu tỷ USD vào các công ty bán dẫn vào năm 2022, con số này là gấp ba lần so với khoản đầu tư mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2016. Trong khi đó, Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn Mỹ cũng cho rằng, bất chấp nhiều thách thức, doanh số chất bán dẫn toàn cầu vẫn tiếp tục tăng. Theo hiệp hội này, doanh thu chất bán dẫn tăng 20% trong cả năm 2021 và được dự đoán tiếp tục tăng thêm 9%, lên 574 tỷ USD vào năm 2022.

Trong một bài trả lời phỏng vấn của hãng tin CNBC, Phó Chủ tịch EC Margrethe Vestager cho rằng, một trong những lý do đằng sau việc các nước thúc đẩy tự chủ nguồn cung vật liệu bán dẫn chính là tránh khỏi tầm ảnh hưởng của các tác động địa-chính trị. Theo bà Vestager, mâu thuẫn giữa các cường quốc tiếp tục gia tăng có thể dẫn tới phá vỡ chuỗi cung ứng. Châu Âu đang làm việc với các đối tác, trong đó có Mỹ, để xác định rõ nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt trong sản xuất chất bán dẫn và chỉ có đẩy mạnh hợp tác quốc tế mới giúp cho chuỗi cung ứng hoạt động tốt hơn.