Cuộc đua phát triển tiền kỹ thuật số

Theo số liệu cập nhật của tổ chức tư vấn Atlantic Council (Mỹ), hiện có 87 quốc gia, chiếm hơn 90% GDP toàn cầu, đang nghiên cứu và phát triển Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Nhiều nước kỳ vọng CBDC sẽ có đóng góp đáng kể vào tiến trình hiện đại hóa môi trường tiền tệ, song cũng có không ít ý kiến cho rằng, tiền kỹ thuật số có thể gây hại đến sự ổn định tài chính và quyền riêng tư.

Hiện có 87 quốc gia nghiên cứu và phát triển CBDC. Ảnh: INCIMAGES
Hiện có 87 quốc gia nghiên cứu và phát triển CBDC. Ảnh: INCIMAGES

Bước tiến công nghệ trong tài chính

Theo định nghĩa của Atlantic Coucil, CBDC là dạng kỹ thuật số của tiền pháp định thuộc một quốc gia. Thay vì in tiền, ngân hàng trung ương phát hành tiền ở dạng điện tử, hoặc các tài khoản được hỗ trợ đầy đủ bởi niềm tin và tín dụng của chính phủ.

Hiện, có hàng chục nghìn loại tiền kỹ thuật số, hay còn gọi là tiền điện tử, tiền mã hóa đang tồn tại. Hầu hết những đồng tiền này được tạo ra một cách tập trung, tuy nhiên không phải từ chính phủ. Dự án “Diem” từng được Facebook (Meta) phát triển là thí dụ điển hình của một đồng tiền kỹ thuật số do một tổ chức đứng ra nghiên cứu, phát hành. Phiên bản phi tập trung của tiền điện tử nổi tiếng nhất hiện nay phải kể đến là Bitcoin. Loại tiền điện tử này vận hành dựa trên công nghệ sổ cái phân tán, có nghĩa là nhiều thiết bị trên toàn thế giới, mà không phải một trung tâm tập trung, tham gia xác thực các giao dịch trên hệ thống.

Theo công ty tư vấn PwC tại Mỹ, khoảng 88% các dự án CBDC sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) làm nền tảng ở các giai đoạn thử nghiệm, hay phát triển. Công nghệ này mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của CBDC. Các ứng dụng được xây dựng trên nền tảng blockchain có thể dễ dàng chia sẻ giá trị và chuyển quyền sở hữu một cách an toàn. Ngôn ngữ lập trình để tạo ra các hợp đồng thông minh trên blockchain ngày càng trở nên phổ biến. Bên cạnh đó, công nghệ blockchain giúp tăng cường khả năng bảo mật, đồng thời cung cấp các lịch sử giao dịch nhằm hỗ trợ kiểm toán một cách minh bạch khi cần thiết. 

Có rất nhiều lý do thôi thúc các nước tham gia nghiên cứu, phát triển CBDC. Theo Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), nguyên nhân chính trong cuộc đua phát triển CBDC là do các nước nhận thấy nhờ các bước tiến công nghệ nên tiền kỹ thuật số giúp giảm chi phí hơn so tiền giấy truyền thống. Với sự phổ biến của điện thoại thông minh, ngày nay người dân trên thế giới, nhất là những người không có tài khoản ngân hàng, có thể tiếp cận dễ dàng và an toàn hơn với các dịch vụ tài chính ngay trên điện thoại. CBDC cũng giúp đáp ứng các tiêu chuẩn minh bạch và hạn chế hoạt động bất hợp pháp, góp phần đưa chính sách tiền tệ lưu thông nhanh chóng và liền mạch.

Số liệu PwC công bố cho thấy, từ năm 2014, đã có hơn 60 ngân hàng trung ương nghiên cứu CBDC. Các dự án phát triển CBDC hiện nay đã đạt những bước tiến đáng kể. Một số dự án bước vào giai đoạn triển khai ở một số nước. Trong khi đó, các tổ chức về tài chính, tiền tệ hàng đầu thế giới như IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)… đều dành sự quan tâm đến chủ đề CBDC.

Tăng cường tài chính toàn diện

CNN cho hay, Ngân hàng trung ương các nước thiết kế hai mô hình CBDC chính, gồm ứng dụng bán lẻ và ứng dụng liên ngân hàng, hoặc bán buôn. Ở hình thức bán lẻ, CBDC được sở hữu trực tiếp bởi người tiêu dùng và doanh nghiệp. Với ứng dụng bán buôn, CBDC chỉ được sử dụng bởi các tổ chức tài chính - tín dụng cho mục đích thanh toán liên ngân hàng hoặc quyết toán. 

Theo xếp hạng năm 2021 của PwC, hai dự án CBDC bán lẻ đã đi vào hoạt động và được đánh giá là phát triển nhất là tại Bahamas và Campuchia. Trung Quốc, Ukraine, Uruguay, Ecuador, Thụy Điển, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… cũng là những nước được đánh giá có các dự án CBDC nổi bật. CBDC bán lẻ hoạt động mạnh mẽ tại những nền kinh tế mới nổi, nơi tài chính toàn diện và số hóa là động lực thúc đẩy chính. Tuy nhiên, chưa có dự án CBDC liên ngân hàng nào được cho là hoàn thiện.

Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) bắt đầu nghiên cứu về tiền kỹ thuật số từ tháng 6/2018. Dự án mang tên “Bakong”, với mục tiêu xây dựng hệ thống thanh toán liên ngân hàng dựa trên công nghệ sổ cái phân tán được thử nghiệm vào tháng 7/2019, chính thức ra mắt tháng 10/2020. Bakong liên kết các ngân hàng thương mại trong nước và tổ chức xử lý thanh toán. Dự án này được đánh giá là góp phần tích cực tăng cường tài chính toàn diện ở một quốc gia mà hầu hết người dân không quen với việc sử dụng tài khoản ngân hàng, nhưng có tần suất sử dụng điện thoại di động cao. Bakong hỗ trợ phát triển ngành tài chính tại các vùng nông thôn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dự án này cũng thúc đẩy các giao dịch bằng đồng riel của Campuchia, trong bối cảnh giao dịch sử dụng USD trở nên phổ biến tại đất nước Chùa tháp.

Trung Quốc đại lục bắt đầu phát triển CBDC bán lẻ vào năm 2014. Và tháng 4/2020, Trung Quốc đại lục trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới thí điểm tiền kỹ thuật số, một phần trong nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và giảm sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng toàn cầu mà đồng USD chiếm ưu thế. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) bắt đầu thử nghiệm từ tháng 3/2020 để khám phá tiềm năng của tiền kỹ thuật số. Tháng 2/2021, BOK công bố một báo cáo, trong đó xem xét các vấn đề pháp lý liên quan CBDC và trình bày những sửa đổi về các luật liên quan, đặc biệt là Đạo luật Ngân hàng Hàn Quốc.

Các dự án CBDC liên ngân hàng có giai đoạn nghiên cứu trung bình ngắn hơn các dự án bán lẻ nhưng giai đoạn thí điểm thường lâu hơn. HKMA - Cơ quan Tiền tệ Hongkong (Trung Quốc) bắt đầu dự án LionRock vào năm 2017, nhằm nghiên cứu tiềm năng của việc áp dụng CBDC cho các khoản thanh toán bán buôn và xuyên biên giới. Năm 2019, để thử nghiệm việc áp dụng CBDC trong thanh toán xuyên biên giới, HKMA và Ngân hàng Thailand (BOT) bắt đầu dự án Inthanon-LionRock. Tháng 7/2021, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) và Ngân hàng Trung ương Pháp (BdF) thông báo, hai bên đã hoàn thành việc thử nghiệm hình thức xử lý giao dịch và thanh toán hàng hóa số lượng lớn xuyên biên giới bằng CBDC.

Những lo ngại

Năm 2021, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Bộ Tài chính Anh thành lập nhóm đặc trách để nghiên cứu khả năng cho ra đời CBDC, còn gọi là “Britcoin”. BOE cho biết, CBDC sẽ là một dạng tiền kỹ thuật số mới do BOE phát hành để sử dụng trong các hộ gia đình và doanh nghiệp. CBDC sẽ tồn tại song song với tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, chứ không thay thế chúng. 

Tuy nhiên, sau đó Ủy ban các vấn đề kinh tế Hạ viện Anh cho rằng, việc các hộ gia đình và doanh nghiệp sử dụng đồng bảng điện tử hằng ngày có thể dẫn tới việc người dân chuyển tiền từ các tài khoản ngân hàng thương mại sang ví điện tử, gây mất ổn định tài chính trong thời gian khủng hoảng kinh tế và làm gia tăng chi phí vay do nguồn vốn của các bên cho vay cạn kiệt. Trong một báo cáo công bố đầu năm 2022, Ủy ban này kết luận rằng CBDC có thể cung cấp một số lợi thế, song có thể gây ra những thách thức đáng kể đối với sự ổn định tài chính và bảo vệ quyền riêng tư. Báo cáo cho biết thêm, đồng bảng kỹ thuật số cũng có thể làm xói mòn quyền riêng tư bằng cách cho phép ngân hàng trung ương giám sát chi tiêu của người dân.

Đối với Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới, các chuyên gia nhận định nếu được xây dựng chung quanh đồng USD, hệ thống thanh toán mới có thể hạn chế khả năng theo dõi dòng chảy xuyên biên giới đối với các nhà hoạch định chính sách. Điều này đặt ra những thách thức lớn đối với việc sử dụng biện pháp trừng phạt và công cụ chính sách kinh tế, nhất là khi các quốc gia và tổ chức có thể chuyển đổi hệ thống thanh toán để tránh bị phát hiện.

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho biết, ông ghi nhận sự tiến bộ của công nghệ thanh toán và khẳng định FED đã theo dõi cẩn thận cũng như thích ứng với những đổi mới. Ông Powell cho rằng, trách nhiệm của FED là nghiên cứu về công nghệ và chính sách phát hành tiền số trong những năm tới. Theo lãnh đạo FED, đây là việc mà ngân hàng này cần làm để sẵn sàng đưa ra các hướng dẫn khi cần thiết. Để có thể phát hành CBDC, FED sẽ cần sự ủng hộ rộng rãi trong xã hội nói chung và Quốc hội Mỹ nói riêng. Chủ tịch FED cũng nhấn mạnh đến vai trò của việc nghiên cứu các yếu tố pháp lý cần thiết trước khi phát hành tiền số.