Cuộc dàn xếp chưa hồi kết

Mới đây, bốn “ông lớn” trong ngành dược phẩm của Mỹ đã quyết định chi tổng cộng hơn 25 tỷ USD nhằm dàn xếp các đơn kiện liên quan lạm dụng thuốc giảm đau Opioid. Đây được xem là bước tiến mới của giới chức Mỹ trong việc bắt buộc các hãng dược phẩm phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc đền bù thiệt hại này vẫn chưa đủ, đòi hỏi chính quyền Mỹ cần có các biện pháp mạnh tay hơn.

Sử dụng Opioid đã trở thành cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng tại Mỹ. Ảnh: AP
Sử dụng Opioid đã trở thành cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng tại Mỹ. Ảnh: AP

Vụ dàn xếp đắt giá

Ngày 21/7 vừa qua, các công tố viên Mỹ đã công bố một thỏa thuận đề xuất, theo đó, ba nhà phân phối thuốc dược phẩm Mỹ gồm McKesson, Cardinal Health và Amerisource Bergen, cùng nhà sản xuất thuốc Johnson&Johnson sẽ chi 26 tỷ USD để dàn xếp hàng nghìn đơn khiếu kiện liên quan cáo buộc thúc đẩy cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau Opioid trên toàn nước Mỹ. Bà Letitia James - người đứng đầu Cơ quan Tư pháp bang New York cho biết, theo thỏa thuận, ba nhà phân phối cùng nhà sản xuất thuốc nói trên đã đối mặt hơn 4.000 đơn kiện trong nhiều năm qua. Số tiền 26 tỷ USD sẽ dùng cho mục đích dàn xếp đơn kiện, cũng như chi cho các chương trình xử lý khủng hoảng khác.

Cụ thể, Johnson&Johnson đồng ý trả 5 tỷ USD trong chín năm cũng như ngừng bán Opioid trên toàn quốc. Trong khi đó, ba hãng dược còn lại dự kiến trả 21 tỷ USD trong 18 năm, đồng thời chấp thuận thiết lập một trung tâm thanh toán bù trừ để giúp cơ quan chức năng theo dõi việc vận chuyển thuốc và có thể tăng cường kiểm tra đối với các đơn hàng đáng ngờ. 

Trong một thông báo, bà Letitia nhấn mạnh: “Nhiều công ty sản xuất và phân phối thuốc Opioid trên cả nước đã kinh doanh bất chấp những nguy hại mà loại thuốc họ bán gây ra. Nó đã tạo ra cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau trên cả nước. Vì vậy, ngày hôm nay, chúng tôi yêu cầu các công ty này phải chịu trách nhiệm và đền bù hàng chục tỷ USD cho các cộng đồng trên toàn quốc”. Bà cho biết thêm, thỏa thuận dàn xếp này xoay quanh các vụ kiện dân sự, song từ chối bình luận về việc liệu có thể thúc đẩy các cáo buộc hình sự hay không.

Theo Bloomberg, thỏa thuận được công bố vừa qua được cho là vụ dàn xếp lớn nhất lịch sử ngành sản xuất dược phẩm Mỹ, trong nỗ lực kéo dài nhiều năm của giới chức tư pháp nhằm buộc ngành này phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng thuốc Opioid. Sau khi thỏa thuận đền bù được đăng tải trên truyền thông, nhiều bang tỏ ra đồng tình và hy vọng thỏa thuận sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng. Hiện, các bang Connecticut, Delaware, Louisiana, Pennsylvania và Tennessee đã ký vào thỏa thuận dàn xếp nói trên. Các bị đơn cũng tin tưởng rằng thỏa thuận và quy trình giải quyết được đề xuất là những bước quan trọng để giải quyết khiếu nại về vấn đề sử dụng thuốc giảm đau Opioid, cũng như cung cấp các khoản hỗ trợ cho các cộng đồng trên khắp nước Mỹ.

Tuy nhiên, chính quyền hai bang là Washington và Western Virginia lại lên tiếng phản đối. Người đứng đầu cơ quan tư pháp Washington Bob Ferguson cho rằng, đề xuất đền bù 527,5 triệu USD cho bang này trong hơn 18 năm là “không đủ để giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng Opioid”. Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Tư pháp bang Virginia, Patrick Morrisey nhận định, thỏa thuận này “đánh lạc hướng” các bang nhỏ hơn bằng cách phân bổ nguồn tiền trên cơ sở dân số thay vì xét tới “mức độ của cuộc khủng hoảng”. 

Chưa thể khắc phục hậu quả

Trong khi các cuộc tranh cãi về thỏa thuận 26 tỷ USD vẫn tiếp tục nổ ra, trên khắp các mạng xã hội, nhiều chuyên gia sức khỏe đã nhắc lại những tác hại khôn lường của thuốc giảm đau thuộc nhóm Opioid. Theo đó, thuốc giảm đau Opioid là nhóm chất tự nhiên và tổng hợp, chứa thành phần hóa học như heroin, với hiệu ứng giảm đau tương tự morphine. Các loại thuốc giảm đau có chứa tiền chất ma túy như Opioid được đánh giá là có độ nguy hiểm ngang ngửa việc sử dụng heroin, có thể dẫn tới chứng nghiện Opioid. Do đó, việc kê đơn thuốc giảm đau nhóm Opioid thường chỉ được sử dụng để cắt cơn đau đối với các bệnh nan y, như ung thư giai đoạn cuối.

Bất chấp cảnh báo từ các chuyên gia, các hãng dược phẩm Mỹ đã quảng bá sản phẩm không trung thực, hạ thấp những tác hại mà thuốc giảm đau Opioid đem lại, từ đó đã thu lời hàng tỷ USD, đồng thời biến hàng triệu người dân Mỹ trở thành con nghiện. 

Theo The New York Times, thời gian qua, Mỹ đối mặt cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau tồi tệ nhất trong lịch sử. Ước tính mỗi năm, thuốc giảm đau cướp đi sinh mạng của gần 60.000 người Mỹ. Chỉ riêng năm 2016, nước Mỹ đã ghi nhận 63.600 người tử vong do sử dụng thuốc giảm đau quá liều (trung bình 174 người/ngày). Con số này cao hơn số người Mỹ thiệt mạng trong suốt cuộc chiến tranh ở Việt Nam và trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng AIDS. Bộ Y tế Mỹ khẳng định, cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau đã khiến tuổi thọ trung bình của người Mỹ giảm liên tục trong vài năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2014 - 2017. 

Không chỉ gây thiệt hại về người, Ủy ban Cố vấn kinh tế Nhà trắng (CEA) cũng cho biết, trong năm 2015, việc lạm dụng thuốc giảm đau đã gây thiệt hại tới 500 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ. Chỉ tính riêng New York, chính quyền thành phố này cho biết, đã chi tới vài trăm triệu USD nhằm thanh toán các khoản chi phí lớn về y tế, xét xử tội phạm và thực thi luật pháp liên quan thuốc giảm đau.

Các số liệu thống kê từ Bộ Y tế Mỹ cho thấy, năm 2016 được xem là giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử TP New York, khi có hơn 1.000 người tử vong do uống thuốc giảm đau quá liều, cao hơn tổng số người thiệt mạng trong các vụ tai nạn ô-tô và xả súng. Thị trưởng New York khi đó đã gọi đây là một “thảm kịch quốc gia” và kêu gọi các nhà chức trách cần phải có biện pháp thiết thực và mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn thảm kịch.

Trước tình hình đó, tháng 10/2017, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố lạm dụng thuốc giảm đau là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc gia. Để siết chặt việc kê đơn thuốc giảm đau có chứa tiền chất ma túy, Bộ Tư pháp Mỹ đã thành lập một đơn vị phụ trách giám sát việc lạm dụng và sử dụng không đúng cách thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện. Bộ trưởng Tư pháp khi đó cũng bổ nhiệm 12 công tố viên nhằm điều tra các gian lận trong ngành y và đưa những người vi phạm ra xét xử.

Giới phân tích cho rằng, thỏa thuận vừa qua là một bước tiến lớn trong nỗ lực của giới chức Mỹ nhằm buộc các hãng dược phẩm chịu trách nhiệm về hành động của họ. Tuy nhiên, việc bồi thường được cho là vẫn chưa đủ sức răn đe trước hậu quả khôn lường mà thuốc giảm đau nhóm Opioid gây ra. Do đó, các nhà chức trách “xứ cờ hoa” cần phải có những biện pháp cứng rắn hơn mới có thể ngăn chặn triệt để tình trạng này.