Cuộc chiến với biến đổi khí hậu

Thời gian qua, số lượng và tần suất thảm họa tự nhiên ngày càng tăng trên thế giới. Hạn hán kéo dài tại Kenya, lũ lụt ở Bangladesh, cháy rừng tại Mỹ và châu Âu,… tàn phá sinh kế của nhiều người dân, hủy hoại hệ sinh thái.

Lũ lụt tại Bangladesh khiến người dân nghèo mất nhà cửa và sinh kế. Ảnh: CONCERN WORLDWIDE US
Lũ lụt tại Bangladesh khiến người dân nghèo mất nhà cửa và sinh kế. Ảnh: CONCERN WORLDWIDE US

Báo cáo mới nhất của LHQ công bố ngày 17/9 cho thấy hiện tại cam kết giảm phát thải của tất cả các quốc gia không đủ để giảm một nửa lượng CO2 trong 10 năm tới, khiến nhiệt độ toàn cầu có thể tăng lên 1,5oC. Thực tế trên càng khiến nhiều người kỳ vọng vào các bước tiến mới từ Hội nghị lần thứ 26 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) tổ chức vào tháng 11 năm nay.

Cơn giận dữ của “mẹ thiên nhiên”

Theo The Guardian, dường như “cơn thịnh nộ” của tự nhiên đang giáng xuống nhiều quốc gia trên khắp các châu lục. Tại Kenya, có khoảng 2,1 triệu người phải đối mặt nạn đói do hạn hán hoành hành khiến mùa màng thất thu. Ông Asha Mohammed, Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ tại Kenya cho biết, người dân nước này còn phải đối phó các hệ lụy từ hạn hán, như bão sa mạc, lũ quét, nạn châu chấu và bất ổn an ninh do nguồn lương thực ngày càng giảm. Theo công bố của Cơ quan Quản lý hạn hán quốc gia (NDMA) Kenya, trong sáu tháng tới người dân sống tại 23 quận trên khắp các vùng khô hạn phía bắc, đông bắc và ven biển nước này đang cần viện trợ khẩn cấp lương thực. Tuần trước, Tổng thống Kenya, ông Uhuru Kenyatta đã tuyên bố hạn hán là một thảm họa quốc gia và cam kết thực hiện các biện pháp giảm thiểu hạn hán toàn diện. Tuy nhiên, đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO) tại Kenya ước tính, nước này cần tới 84 triệu USD nếu muốn giảm thiểu tác động của hạn hán từ tháng 7 đến tháng 11.

Trong khi đó, ngày 17/9 tại Tây Ban Nha, gần 1.000 lính cứu hỏa đã được điều động để chiến đấu với một trong những trận cháy rừng lớn nhất lịch sử. Chỉ trong vài ngày, lửa đã thiêu rụi ít nhất 7.400 ha rừng ở khu vực phía nam Andalucía, khiến nhà chức trách buộc phải sơ tán hơn 2.600 người. Tới ngày 19/9, 260 thành viên của đơn vị quân sự khẩn cấp nước này đã được triển khai để giúp dập lửa. Bắt đầu từ một đám cháy nhỏ do thời tiết khô hạn vào ngày 15/9 ở vùng núi Sierra Bermeja, gần thị trấn nghỉ mát Estepona, tới nay ngọn lửa đã lan rộng trong phạm vi 85 km. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez cho biết, chính phủ và các chuyên gia, lực lượng chức năng đang hợp tác và nỗ lực không mệt mỏi để xử lý cháy rừng.

Cháy rừng thường xảy ra ở khu vực Nam Âu trong những tháng mùa hè khô nóng, nhưng trong năm nay, số lượng các thảm họa tự nhiên này đang gia tăng cùng với mức độ ngày càng nghiêm trọng, do những đợt nắng nóng gay gắt vào tháng 8. Theo báo cáo từ Bộ Chuyển đổi sinh thái và thách thức nhân khẩu học (MITECO), trong tám tháng đầu năm, hơn 75.000 ha rừng ở Tây Ban Nha đã bị hủy hoại. Các nhà khoa học khí hậu khẳng định, việc đốt than, dầu và khí đốt tự nhiên đang gây ra nhiều hiện tượng khí hậu khắc nghiệt hơn.

Có thể nói, đối tượng chịu hậu quả nặng nề nhất từ các thảm họa tự nhiên chính là người dân nghèo. Một báo cáo mới đây của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Môi trường và Phát triển quốc tế Anh (IIED) cảnh báo, hàng triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa vì thiên tai và có nguy cơ trở thành nạn nhân của hoạt động buôn người, bóc lột lao động. Theo đó, hạn hán ở miền bắc Ghana đã khiến người dân nông thôn phải di cư đến các thành phố lớn. Nhiều người bắt đầu bằng công việc khuân vác và có nguy cơ trở thành nạn nhân của các nhóm buôn người, bị bóc lột tình dục hoặc lao động khổ sai. “Do lũ lụt, mất nhà cửa nên tôi buộc phải chuyển đi. Trong bảy năm, tôi đã làm công việc bốc vác. Tất cả thu nhập của tôi đều được chuyển đến tay người chủ thuê và đôi khi họ mới chia cho tôi một phần nhỏ trong số tiền tôi kiếm được. Tôi làm việc không ngừng mà vẫn không thể trả hết nợ”, một phụ nữ di cư đến Thủ đô Accra từ miền bắc Ghana cho hay.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, vào năm 2050, các tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu như năng suất cây trồng kém, thiếu nước và mực nước biển dâng cao, sẽ khiến hơn 216 triệu người ở nhiều khu vực, nhất là tại châu Phi và Nam Á, mất nhà cửa, buộc phải di cư. Báo cáo của WB là một lời cảnh báo cụ thể, rõ ràng với các nhà lãnh đạo thế giới trước thềm Hội nghị COP26 tại Glasgow (Anh), nhằm kêu gọi giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu và quyền con người. “Thế giới không thể tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước sự gia tăng nạn lao động cưỡng bức, nô lệ hiện đại và nạn buôn người do biến đổi khí hậu”, ông Ritu Bharadwaj - một nhà nghiên cứu của IIED, khẳng định.

Cắt giảm khí thải và hỗ trợ kinh tế

Ngày 17/9, theo AFP, các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) đã ký cam kết chung để cắt giảm gần một phần ba lượng khí thải toàn cầu trong thập kỷ tới. Sự kiện này được các chuyên gia khí hậu đánh giá là một trong các bước quan trọng nhất hướng tới việc hoàn thành thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015. Sản xuất khí đốt tự nhiên, chế biến thực phẩm và một số hoạt động nông nghiệp là những nguồn phát thải chính. Hiệp ước giữa Mỹ và EU đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ cắt giảm ít nhất 30% lượng khí thải toàn cầu. Nếu được thông qua trên toàn thế giới, thì đến năm 2040 sẽ làm giảm nhiệt độ toàn cầu khoảng 0,2 độ C. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, nước này sẽ là một trong những nước đầu tiên tham gia cùng Mỹ và EU, khi hiệp ước này được mở rộng ký kết đa phương tại COP26. “Trong 30 năm qua, Anh đã cắt giảm 60% lượng khí thải. Thế giới có thể cắt giảm sản lượng khí thải nếu có quyết tâm”, ông Boris Johnson nhấn mạnh.

Tiếp nối thành công nói trên, hơn 30 nhà lãnh đạo thế giới đã được mời tham dự một cuộc họp quan trọng diễn ra ngày 20/9 vừa qua tại Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ). Cuộc họp kéo dài ba ngày, do Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì, tập trung vào vấn đề tài chính liên quan tình trạng biến đổi khí hậu. Theo tờ The Guardian, sự kiện là cuộc gặp giữa lãnh đạo của những nền kinh tế lớn, với lãnh đạo các nước chậm phát triển đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Các nước chậm phát triển sẽ có cơ hội chứng minh tầm quan trọng của việc xin hỗ trợ vốn cho mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cũng như giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu.

Năm 2009, các nước đang phát triển từng được cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD/năm từ các nguồn tài chính công và đóng góp tư nhân để hạn chế phát thải. Tuy nhiên, dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, nguồn hỗ trợ này chỉ đạt 80 tỷ USD vào năm 2019. Bởi vậy, cuộc họp cấp cao tại New York cho thấy nỗ lực kêu gọi sự chung tay từ các nước phát triển. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo LHQ và Anh cũng kỳ vọng sẽ thuyết phục các nước có lượng phát thải lớn nhất thế giới tăng cường cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong thập kỷ tới.

Tổng Thư ký LHQ cho rằng, việc không đưa ra được các động thái mạnh mẽ chính là sự phá vỡ những cam kết tại Thỏa thuận Paris. “Thế giới đang bước trên một “con đường thảm khốc” với mức nóng lên toàn cầu ngày càng tăng. Nguy cơ thất bại của COP26 vẫn tồn tại. Đã đến lúc mỗi quốc gia cần thể hiện trách nhiệm lớn hơn của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chúng ta cần nhiều đóng góp hơn về tài chính, thích ứng và cắt giảm khí thải… Nếu không đạt được các mục tiêu này, hậu quả sẽ được tính bằng thiệt hại lớn về nhân mạng cũng như sinh kế”, ông Guterres nhấn mạnh.