Cuộc chiến dai dẳng

Lực lượng chức năng Tây Ban Nha mới đây thông báo đã bắt giữ một tàu đánh cá chở gần ba tấn cocaine ở ngoài khơi quần đảo Canary, một trong những “điểm nóng” ma túy tại châu Âu. Giới chức “lục địa già” đã đưa ra những cảnh báo về tình trạng gia tăng các vụ buôn bán trái phép ma túy trước những vụ bắt giữ tương tự thời gian gần đây.

Gần ba tấn cocaine bị thu giữ tại cảng Canary. Ảnh: REUTERS
Gần ba tấn cocaine bị thu giữ tại cảng Canary. Ảnh: REUTERS

Giả làm tàu cá

Ngày 17/4, giới chức Tây Ban Nha cho biết, đã chặn chiếc tàu mang tên AKT-1 vào ngày 13/4 ở vị trí cách quần đảo Canary khoảng 300 hải lý về phía nam. Trong quá trình khám xét, lực lượng chức năng đã phát hiện 2,9 tấn cocaine, trị giá 72 triệu euro (khoảng 77,80 triệu USD), được cất giấu trong một thùng chứa nhiên liệu của tàu. Trước đó, nhà chức trách đã được MAOC-N, một cơ quan quốc tế về chống buôn bán ma túy do một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thành lập, có trụ sở tại Lisbon (Bồ Đào Nha), cảnh báo có thể có ma túy trên tàu “AKT-1”. 

Năm thành viên thủy thủ đoàn, gồm bốn người Thổ Nhĩ Kỳ và một người Gruzia, đã bị bắt giữ. Chiếc tàu này sau đó đã buộc phải quay lại đảo Gran Canaria thuộc quần đảo Canary vào ngày 16/4 trong khi năm thành viên thủy thủ đoàn được áp tải về Las Palmas. Những người bị bắt giữ cũng như chiếc tàu và ma túy sẽ được giao cho Tòa án Quốc gia Tây Ban Nha để thực hiện các thủ tục tố tụng. 

Theo The Guardian, Tây Ban Nha được xem là cửa ngõ chính để các nhóm buôn bán ma túy tuồn hàng vào châu Âu, trong đó cần sa thường được chuyển từ Bắc Phi và cocaine được vận chuyển từ Mỹ latin. Trước vụ bắt giữ nói trên, giới chức Tây Ban Nha cũng từng phát hiện nhiều vụ vận chuyển trái phép ma túy vào nước này.

Theo đó, ngày 9/1 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha cho biết, đã triệt phá một đường dây buôn bán ma túy, bị tình nghi sử dụng trực thăng để vận chuyển các loại cần sa từ Morocco sang Tây Ban Nha, với điểm đến cuối cùng là Pháp. Với sự hỗ trợ của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) và cảnh sát Pháp, nhà chức trách Tây Ban Nha đã bắt giữ 11 đối tượng và đang tiếp tục truy lùng 11 nghi can liên quan đường dây này tại Pháp. Nhà chức trách cũng thu giữ 112 kg cần sa, 2,4 tấn hashish-một loại ma túy chiết xuất từ các tuyến nhựa cuống cây gai dầu và được nén lại thành cục, ba máy bay trực thăng và bốn khẩu súng cùng đạn dược. 

Trong năm 2021, hàng loạt vụ vận chuyển và buôn bán ma túy lớn qua các cảng biển cũng bị cảnh sát Tây Ban Nha triệt phá, trong đó lớn nhất phải kể đến vụ vận chuyển lậu bảy tấn cần sa. Hai cuộc tuần tra của cảnh sát vào giữa tháng 4/2021 đã chặn đứng một chiếc tàu kéo được hoán cải chất đầy 200 bọc cần sa ngoài khơi biển phía nam Tây Ban Nha. 

Cuộc chiến dai dẳng -0
Các nghi phạm trên tàu bị bắt giữ. Ảnh: REUTERS 

Truy quét diện rộng

Bất chấp đại dịch Covid-19, việc buôn bán ma túy vẫn rất “sôi động” tại châu Âu trong mấy năm qua. Theo số liệu công bố tháng 4/2021 của Cơ quan Hợp tác tư pháp châu Âu (Eurojust), số vụ án buôn bán ma túy mà cơ quan này thụ lý hồ sơ xét xử đã tăng gấp hai lần chỉ trong vòng  bốn năm qua, lên 562 vụ vào năm 2020. Theo báo cáo trên, tổng giá trị ma túy buôn bán khắp các nước thành viên EU ước tính lên tới 30 tỷ euro (khoảng 36 tỷ USD) mỗi năm.

Europol và Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC) thời gian qua cũng cảnh báo về tình trạng gia tăng các vụ buôn bán ma túy và bạo lực tại các “điểm nóng” ma túy châu Âu như Canary, Rotterdam (Hà Lan), Hamburg (Đức) và đặc biệt là Antwerp (Bỉ)… Số liệu của Europol cho thấy, trong vòng bảy năm kể từ năm 2014, số lượng cocaine bị bắt giữ tại riêng Antwerp đã tăng gần chín lần, từ 10 lên đến 88 tấn, chủ yếu là từ các container xuất xứ ở khu vực Mỹ latin.

Hầu hết nhóm buôn lậu sử dụng biện pháp mua chuộc nhân viên tại các cảng biển với số tiền gấp hàng trăm lần lương hằng tháng của họ, nhờ đó chúng có thể dễ dàng qua mặt giới chức để bốc dỡ container có chứa cocaine; hoặc hối lộ nhân viên hải quan nhằm trốn tránh các cuộc kiểm tra. 

Theo Giám đốc Trung tâm Giám sát ma túy và nghiện ma túy châu Âu (EMCDDA) Alexis Goosdeel, hoạt động buôn bán ma túy vẫn diễn ra mạnh mẽ trong thời gian đại dịch Covid-19, do các băng đảng mafia đã tìm cách thích nghi nhanh chóng với các lệnh phong tỏa và giới hạn đi lại. Cụ thể, chúng tận dụng các nền tảng trực tuyến “bắt liên lạc với nhau” thay vì thực hiện các cuộc mua bán trực tiếp như trước đó. Đây được coi là “thiên đường” của loại tội phạm kể trên. Bằng cách quảng cáo trực tuyến, những “khách hàng lẻ” có thể nhận hàng ngay tại nhà thông qua các ứng dụng giao hàng. Trong khi đó, đối với những khách hàng lấy số lượng lớn, các nhóm tội phạm thường tuồn hàng qua những container đường biển và thông qua chuỗi cung ứng thương mại nhằm đối phó quy định đóng cửa biên giới của các nước.

Trước tình hình các hoạt động buôn bán, vận chuyển ma túy ngày càng phức tạp, mới đây, Europol đã phối hợp lực lượng hành pháp của gần 20 quốc gia thực hiện các chiến dịch truy quét. Nhận thấy các băng nhóm tội phạm hay sử dụng tin nhắn mã hóa để trao đổi thông tin, chiến dịch mang tên “Lá chắn Trojan” đã được ra đời. Chiến dịch này sử dụng công nghệ mã hóa để thâm nhập và theo dõi hoạt động của các băng đảng tội phạm có tổ chức trên thế giới. Chiến dịch nói trên đã giúp lực lượng chức năng châu Âu bắt giữ 800 đối tượng dính líu tới các băng nhóm tội phạm tại nhiều nước trên thế giới, ngăn chặn hơn 100 “mối đe dọa đến tính mạng”, thu giữ sáu tấn cocaine, năm tấn cần sa, hai tấn ma túy đá và hơn 148 triệu USD tiền mặt.

Tháng 6/2021, Hội đồng châu Âu (EUC) thông qua văn bản pháp lý có tên “Chương trình hành động phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025” với nhiệm vụ triệt phá đường dây tội phạm ma túy; thu hẹp nhu cầu, thị trường tiêu thụ ma túy bằng biện pháp phòng ngừa, điều trị, chăm sóc y tế; xác định và giải quyết hệ lụy của ma túy đối với an ninh xã hội; chú trọng nghiên cứu, dự báo tình hình; đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước, khu vực, tổ chức nhằm nâng cao vai trò của EU trong công tác phòng, chống ma túy ở phạm vi toàn cầu trên cơ sở bảo đảm quyền con người; tăng cường hợp tác nội khối bảo đảm việc triển khai thống nhất, hiệu quả các chiến lược, kế hoạch hành động đặt ra.

Ngoài ra, Europol và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cùng giới chức các nước tại châu Âu phối hợp thực hiện những chương trình quy mô lớn nhằm triệt phá các đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia. Đồng thời, giới chức châu Âu cũng khuyến cáo các nước tự nâng mức cảnh báo về hoạt động của các tổ chức tội phạm, từ đó đề ra những biện pháp thắt chặt an ninh phù hợp bối cảnh hiện tại.

Dù vậy, buôn bán ma túy là hoạt động đem lại lợi nhuận khổng lồ nên nhiều tổ chức tội phạm vẫn bất chấp gia tăng hoạt động, dù các nước liên tục thực hiện các chiến dịch truy quét. Trước tình hình đó, giới phân tích cho rằng, chống buôn bán ma túy vẫn là một cuộc chiến dai dẳng, đòi hỏi các nước EU mạnh tay, kiên trì, không được lơ là, mất cảnh giác để tránh tạo ra các lỗ hổng để các tổ chức tội phạm lợi dụng.