Cuộc chiến chống đói nghèo

Nhân Ngày Lương thực thế giới (16-10) và Ngày Quốc tế xóa nghèo (17-10), các cơ quan của LHQ đã cảnh báo thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Bởi trong khi nhiều quốc gia có mức sống ngày càng phát triển, thì một phần khác của thế giới là châu Phi lại đang đứng bên bờ vực nghèo đói.

Biếm họa của EMAD HAJJAJ
Biếm họa của EMAD HAJJAJ

Nạn đói tiếp diễn

“Đồng hồ đói nghèo thế giới” (World Poverty Clock), đó là tên trang web thống kê về tình trạng nghèo đói trên thế giới do Cơ quan thống kê quốc tế World Data Lab xây dựng. Theo số liệu của trang web này, trong số 7,6 tỷ người trên thế giới hiện nay, có hơn 631,8 triệu người sống trong tình trạng nghèo cùng cực, là những người có thu nhập dưới 3,2 USD/ ngày. Tuy mỗi ngày có hơn 56.000 người thoát khỏi tình trạng trên, song cũng có thêm hơn 11.000 người khác rơi xuống ngưỡng nghèo cùng cực.

Dù một số khu vực đã có tiến bộ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của cộng đồng quốc tế, nhưng nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chật vật trong cuộc chiến chống đói nghèo, thậm chí còn đang phải trải qua nạn đói nghiêm trọng. Theo LHQ, năm 2017 là năm thứ ba liên tiếp thế giới chứng kiến sự gia tăng của nạn đói và số người suy dinh dưỡng. Khoảng 11% dân số thế giới, tương đương 821 triệu người, đang thiếu ăn trầm trọng.

Các nước châu Phi ở vùng cận Sahara là khu vực có tỷ lệ đói nghèo cao nhất, cứ bốn người thì có một người đói. Trong đó, chỉ riêng tại Nam Sudan, có hơn 1,1 triệu người bị xếp vào tình trạng đói nghèo, hơn 100.000 người đang đứng trước nguy cơ tử vong vì suy dinh dưỡng. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO) cảnh báo, khoảng 40% dân số của Nam Sudan đang cần hỗ trợ lương thực, nông nghiệp và dinh dưỡng khẩn cấp. Ông Serge Tissot, đại diện FAO tại Nam Sudan cho biết: “Nhiều gia đình đã cạn kiệt mọi nguồn lực và phương tiện sống, không có đất đai, hoa mầu, tài nguyên hay tiền của dự trữ”.

Nguyên nhân chính của nạn đói tại Nam Sudan là do chiến tranh và xung đột đã nhiều năm. Cuộc chiến tranh giành quyền lực bùng phát tại đây từ năm 2013 khiến hơn ba triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa để đi lánh nạn. Theo ông Tissot, cư dân Nam Sudan chủ yếu là nông dân, nên một khi chiến tranh và xung đột nổ ra thì họ mất đất đai, cây trồng, vật nuôi, thậm chí cả công cụ canh tác. “Trong một thời gian dài, người dân phải sống dựa vào thu hái các loại cây cỏ từ tự nhiên, những loại cây có thể ăn được và cá có thể bắt được cũng dần cạn kiệt”, ông nói.

Xung đột kéo dài đã khiến người nông dân không thể tiếp tục trồng trọt trên mảnh đất của mình, ngay cả ở các khu vực đất đai mầu mỡ trước đây. Trải qua nhiều năm sản lượng cây trồng và chăn nuôi giảm mạnh, người dân Nam Sudan phải phụ thuộc các nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm từ bên ngoài. Trong khi đó, lạm phát tăng vọt khiến giá lương thực, thực phẩm cơ bản lại càng leo thang. Vừa không có nguồn thu, không có công ăn việc làm ổn định, vừa phải bỏ tiền ra mua nhu yếu phẩm, phần lớn người dân đã rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực.

Bởi vậy, năm 2017, LHQ đã tuyên bố nạn đói nghiêm trọng tại quốc gia này, đánh dấu khi số người chết đói có xu hướng tăng nhanh. Tuyên bố nạn đói không mang nghĩa vụ ràng buộc nào đối với LHQ hay các quốc gia khác, nhưng lại rất cần thiết nhằm thu hút sự chú ý toàn cầu đối với vấn đề này. Đến nay, dù rất hạn chế sử dụng thuật ngữ “nạn đói”, song LHQ đang đứng trước khả năng phải tiếp tục công bố nạn đói tại ba quốc gia Nigeria, Somalia và Yemen, một động thái chưa từng có trong lịch sử hiện đại.

Cuộc chiến chống đói nghèo ảnh 1

Nhiều người dân Nam Sudan đang trong tình trạng nghèo đói cùng cực. Ảnh: AMAZONAWS

Xung đột dẫn đến đói nghèo

Nam Sudan, Somalia, Nigeria và Yemen là các quốc gia chậm phát triển, lại thường xuyên hứng chịu xung đột khiến cuộc sống người dân thêm khó khăn, phải bỏ nhà cửa di cư đến vùng đất khác. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ ước tính, số lượng người Yemen đứng bên bờ vực của nạn đói có thể lên đến 12 triệu người, tương đương 40% dân số trong những tháng cuối năm 2018.

Con số này tăng mạnh so khoảng 8,5 triệu người đói nghèo hiện nay ở Yemen. Tình trạng gia tăng nghèo đói được xác định do cuộc nội chiến và bạo lực leo thang, cùng với tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc. Cũng vì không ngăn chặn được khủng hoảng kinh tế nên vừa qua, Tổng thống Yemen Mansour Hadi đã cách chức Thủ tướng nước này là ông Ahmed bin Dagher.

Trong bối cảnh Chính phủ điều hành kinh tế không hiệu quả, cuộc chiến chưa có dấu hiệu chấm dứt giữa nhóm phiến quân Houthi kiểm soát phần lớn lãnh thổ đất nước với quân đội Chính phủ do liên minh quân sự quốc tế hậu thuẫn, lại càng khiến tình hình kinh tế xấu thêm. Vừa qua, xung đột tại thành phố cảng trọng yếu Hodeidah của Yemen đã làm đình trệ các chuyến hàng viện trợ nhân đạo. Xung đột leo thang cũng đe dọa hàng triệu người Yemen, vốn đang phải vật lộn kiếm sống, sẽ không còn đủ sức chống đỡ trước nạn đói và bệnh tật.

Ngoài vấn đề xung đột, Yemen còn phải trải qua tình trạng thiếu nước trong một thời gian dài. Nước và các tài nguyên dần cạn kiệt khiến việc tự cung cấp thức ăn của cư dân ở đất nước Tây Á này càng khó khăn. Theo tổ chức phi chính phủ Oxfam, trước khi xung đột bùng phát, Yemen cũng đã phải nhập khẩu gần 90% thực phẩm. Tuy nhiên, các lệnh cấm vận đường biển và không kích mà liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu, đã làm giảm nhập khẩu nghiêm trọng kể từ năm 2015.

Uớc tính có khoảng 18,8 triệu người, tương đương 69% dân số Yemen cần phải được trợ giúp nhân đạo, bao gồm thực phẩm và y tế. Người phát ngôn WFP tại Yemen, ông Herve Verhoosel cảnh báo, nếu cộng đồng quốc tế không gấp rút thực hiện các biện pháp hỗ trợ lương thực thường xuyên, sẽ có thêm 3,5 triệu người Yemen rơi vào ngưỡng đe dọa chết đói.

Tình cảnh tương tự cũng đang diễn ra tại vùng đông bắc Nigeria. Khu vực này của quốc gia đông dân nhất châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề do các hoạt động bạo lực của nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan Boko Haram gây ra suốt tám năm qua, khiến người dân không thể ổn định cuộc sống. Bạo lực làm gián đoạn các tuyến đường phân phối hàng cứu trợ và nhu yếu phẩm đến đây. Trong khi đó, nạn đói tại Somalia thêm nghiêm trọng vì hạn hán khiến các loài thú nuôi, vốn là nguồn thu nhập chính cho hàng triệu người du mục ở đây, bị chết hàng loạt.

Nhiều người biết đến Yemen, Nigeria hay Somalia qua những bản tin thời sự vì tình hình bất ổn và bạo lực kéo dài. Nhưng đằng sau đó, số phận của hàng triệu người dân tại các quốc gia này lại ít được biết tới. Họ là nạn nhân của xung đột và bị ảnh hưởng bởi điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đang trực tiếp đối diện nạn đói nghiêm trọng. Vì vậy, nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm hỗ trợ nhân đạo cho các quốc gia này trở nên cần thiết hơn lúc nào hết.