Cuộc cạnh tranh truyền phát trực tuyến

“Gã khổng lồ” trong ngành truyền phát trực tuyến (streaming) Netflix vừa công bố số liệu cho thấy có thể mất hai triệu thuê bao trả phí toàn cầu trong quý II năm nay. Sau một thời gian dài thắng thế so các dịch vụ nghe nhìn truyền thống, những công ty hàng đầu cung cấp dịch vụ streaming đã chứng kiến tăng trưởng doanh thu chậm lại đáng kể, trong khi cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng khốc liệt. 

Ông David Zaslav tại buổi giới thiệu dịch vụ truyền phát trực tuyến Warner Bros.Discovery. Ảnh: CNN
Ông David Zaslav tại buổi giới thiệu dịch vụ truyền phát trực tuyến Warner Bros.Discovery. Ảnh: CNN

Tăng trưởng chững lại

Trong khoảng vài năm trở lại đây, đặc biệt là từ khi các lệnh phong tỏa do dịch Covid-19 khiến lượng người xem và thuê bao tăng vọt, dịch vụ streaming trên toàn cầu đã liên tiếp xác lập các kỷ lục mới. Nhiều tựa phim của Netflix đã trở nên phổ biến và nổi tiếng khắp thế giới, thậm chí tạo ra hiệu ứng không thua gì những phim “bom tấn” của kinh đô điện ảnh Hollywood trước đây, dù chỉ sản xuất với kinh phí thấp. Trong hai năm 2020 và 2021, Netflix chứng kiến lượng đăng ký của các hộ gia đình tăng trưởng vượt bậc. 

Mặc dù vậy, xu hướng phát trực tuyến cũng đã chững lại sau khi dịch bệnh dần ổn định, đặc biệt tại khu vực Bắc Mỹ, khi các rạp chiếu phim mở cửa trở lại và thu hút người xem đến rạp. Theo Bloomberg, kể từ quý I/2021, nền tảng Netflix cho thấy sự “hụt hơi” khi chỉ tăng thêm hơn 3,98 triệu đăng ký so mục tiêu đặt ra là sáu triệu. Trong quý đầu tiên của năm nay, công ty này đã dự đoán ​​sẽ thêm 2,5 triệu người đăng ký, nhưng con số thực tế thấp hơn 200.000 thuê bao, đồng thời làm cho cổ phiếu của hãng này tụt dốc 25%. Đây là lần đầu việc sụt giảm lượng người dùng trả phí khiến giá trị của Netflix giảm sâu nhất kể từ tháng 10/2011 đến nay. Cột mốc này cũng khiến các công ty trong cùng lĩnh vực hết sức quan ngại về tương lai phát triển của mình. 

Đồng Giám đốc điều hành Netflix, ông Reed Hastings cho biết, lợi nhuận trong thời gian đại dịch không phải là con số phản ánh đúng bức tranh tổng quan về tăng trưởng dịch vụ streaming và công ty đang chứng kiến ​​sự suy thoái khi mọi người quay trở lại các hoạt động bình thường bên ngoài. Mới chỉ cách đây không lâu, khi các hộ gia đình phải ở nhà vì các lệnh giãn cách Covid-19, Netflix là một trong những công ty hưởng lợi nhiều nhất. Song hiện nay, khi cuộc sống bình thường trở lại, công ty này cần tính đến phương án để có thể tiếp tục duy trì tăng trưởng. 

Một trong những biện pháp đã được tính đến là việc Netflix tìm cách siết chặt các thuê bao gia đình đang “chia sẻ” tài khoản của mình cho những người dùng không cùng hộ và lên kế hoạch chấn chỉnh tình trạng này trên toàn cầu. Công ty cũng ra mắt các gói lựa chọn có giá thấp hơn hiện nay, nhưng phải kèm quảng cáo nhằm thu hút người đăng ký mới sau nhiều năm loại hẳn quảng cáo trên nền tảng này. Ngoài ra, nhằm nỗ lực tiếp tục giành thị phần, Netflix đã tăng chi tiêu cho nội dung, đặc biệt là cho các bản phim gốc và tăng giá dịch vụ đối với mảng nội dung này. Công ty cho biết, những thay đổi về giá đang giúp tăng cường doanh thu, nhưng đồng thời là một phần nguyên nhân dẫn đến việc mất 600.000 người đăng ký ở Mỹ và Canada, trong khi công ty này đang nghiên cứu các lựa chọn khác để tăng trưởng, chẳng hạn như thêm trò chơi điện tử.
 
Netflix cũng phải tính đến sự cạnh tranh ngày càng tăng khi các nền tảng phát trực tuyến của các công ty truyền thông lần lượt ra mắt. Hiện, Netflix là dịch vụ truyền phát trực tuyến lớn thứ hai thế giới. Nhà vô địch của cuộc đua này là hãng Disney với các dịch vụ thu hút người dùng ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, kể từ sau khi các lệnh giãn cách sau đại dịch dần nới lỏng, Disney cũng không đạt tăng trưởng như dự đoán khi lượng người đăng ký thấp hơn nhiều so con số được kỳ vọng.

Cuộc cạnh tranh truyền phát trực tuyến -0
Ngành công nghiệp streaming đang đứng trước dự báo bão hòa. Ảnh: CNBC 

Cạnh tranh khốc liệt hơn

Theo Tech Crunch, sự kiện hãng Discovery thuộc tập đoàn AT&T chính thức hoàn thành hợp đồng sáp nhập với WarnerMedia vào đầu tháng 4 vừa qua đã đánh dấu hình thành công ty dịch vụ truyền phát trực tuyến lớn thứ ba trên thế giới: Warner Bros.Discovery. Dù mới thành lập song công ty sáp nhập đã trở thành một trong những nhân tố lớn nhất trong ngành công nghiệp streaming cùng Disney và Netflix. Vốn hóa thị trường của Warner Bros.Discovery ước tính là từ 45 đến 60 tỷ USD, song các chuyên gia đánh giá con số này có thể còn cao hơn. Disney có lượng vốn hóa thị trường là 240 tỷ USD và vốn hóa thị trường của Netflix là 161 tỷ USD.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, WarnerMedia trả cho công ty mẹ là hãng viễn thông công nghệ AT&T 40,4 tỷ USD tiền mặt và một số khoản trả sau để mua lại các kênh Discovery. Giám đốc điều hành mới chỉ định của Warner Bros.Discovery, ông David Zaslav thông báo, vụ sáp nhập lớn “đánh dấu một cột mốc thú vị không chỉ đối với Warner Bros.Discovery mà còn đối với các cổ đông, nhà phân phối, nhà quảng cáo, đối tác sáng tạo và quan trọng nhất là người tiêu dùng trên toàn cầu”.

Với mô hình kinh doanh và hai kho tàng nội dung đa dạng, Warner Bros.Discovery cung cấp danh mục nội dung khổng lồ trên các lĩnh vực phim ảnh, truyền hình và truyền phát trực tuyến; qua đó đánh dấu những thay đổi lớn trong kỷ nguyên trực tuyến. Vụ thâu tóm sáp nhập Warner Bros.Discovery cũng hứa hẹn mang đến nhiều sự lựa chọn hơn cho người sử dụng trên toàn cầu, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh cả về nội dung truyền phát trực tuyến và doanh thu trong lĩnh vực mới thịnh hành chưa đầy 10 năm này. 

Công ty truyền thông và giải trí kết hợp Warner Bros.Discovery sẽ cung cấp ba dịch vụ phát trực tuyến: HBO Max, Discovery + và CNN +; cùng các kênh truyền hình cáp như Discovery, Animal Planet, Cartoon Network, HBO… và nhiều kênh khác. Tuy nhiên vừa qua, đội ngũ lãnh đạo mới của Warner Bros. Discovery quyết định dừng hẳn dịch vụ streaming tin tức CNN + kể từ ngày 30/4 tới, chỉ sau một tháng ra mắt. Dịch vụ phát trực tuyến tin tức bị đánh giá là mờ nhạt dù báo cáo của CNN viết rằng lượng người đăng ký “vượt xa mong đợi”. Theo Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Warner Bros.Discovery, hãng này dự kiến hợp nhất tất cả các thương hiệu của công ty trong một dịch vụ phát trực tuyến. Một số chương trình của CNN+ sẽ tiếp tục được thực hiện qua dịch vụ này. Discovery + và HBO Max dự kiến ​​cũng sẽ được hợp nhất vào đây. 

Vụ sáp nhập Warner Bros.Discovery giúp kết hợp giữa những kênh vốn có nhiều mảng nội dung đa dạng và bổ sung cho nhau, điều này giúp định vị công ty như một đối thủ truyền phát trực tuyến đáng gờm so hai “gã khổng lồ” đi trước. Người đăng ký sẽ có quyền truy cập vào gần 200.000 giờ nội dung và hơn 100 thương hiệu để lựa chọn. Chỉ riêng việc kết hợp HBO Max và Discovery + sẽ hợp nhất hai thư viện nội dung mạnh mẽ có giá trị và nhiều nội dung mà Netflix phải mất nhiều năm mới đạt được. 

Dù vậy, ngành truyền phát trực tuyến đang đứng trước nguy cơ bão hòa người đăng ký sau đại dịch, đồng thời việc duy trì tăng trưởng trong cơn bão cạnh tranh khốc liệt hiện nay cũng không đơn giản. Disney hiện vạch ra chiến lược của riêng mình với những lợi thế sẵn có từ công việc kinh doanh trước đó, như các studio sản xuất phim và kinh nghiệm sản xuất nhiều phim “bom tấn”… Nhờ đó, dịch vụ streaming của Disney là Disney + có thể phát hành song song giữa phim chiếu rạp và trên các nền tảng trực tuyến, hoặc rút ngắn thời gian sau khi ra rạp, nhằm thu hút thêm người dùng trả phí. 

Ngoài ba “ông lớn” kể trên thì ngành công nghiệp streaming cũng đang chứng kiến những nỗ lực giành thị phần đầy mạnh mẽ từ Apple TV + mới ra mắt năm 2020, hoặc các nền tảng mới hướng đến những thị trường nhỏ như Peacock, Quibi… Chưa kể các hãng phim và điện ảnh truyền thống cũng đang để mắt đến thị trường này trong đó có Paramount Picture với dịch vụ streaming Paramount +.