Chuyện chiếc chuông bị lưu đày

Uglich là một thành phố nhỏ bên sông Volga. Cái tên Uglich xuất hiện lần đầu trong biên niên sử nước Nga từ giữa thế kỷ 12. Thành phố cổ kính có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nhà thờ, bảo tàng - những chứng tích từ xa xưa. Trong nhà thờ mang tên “Dmitry đổ máu” ở Uglich, có một trong những hiện vật nổi tiếng nhất của thành phố này và cũng là của nước Nga là chiếc chuông đồng bị buộc tội “nổi loạn” vào cuối thế kỷ 16 và bị… đày đến Siberia. 

“Chiếc chuông bị lưu đày” tại Nhà thờ Dmitri. Ảnh: RIA NOVOSTI
“Chiếc chuông bị lưu đày” tại Nhà thờ Dmitri. Ảnh: RIA NOVOSTI

Chuyến lưu đày dài ba thế kỷ

Câu chuyện ly kỳ về chiếc chuông đồng bị lưu đày bắt đầu vào ngày 25-5-1591, ngày xảy ra cái chết bí ẩn của Hoàng tử Tsarevich Dmitry, 8 tuổi, con trai út của Ivan Bạo chúa (1530 - 1584), nhà cầm quyền đầu tiên của Nga chính thức xưng Sa hoàng vào năm 1547. Trong thời gian cầm quyền kéo dài của mình, ông đã góp phần mở mang bờ cõi cũng như chuyển nước Nga thành một quốc gia đa sắc tộc, tôn giáo. Năm 1584, sau cái chết của Ivan Bạo chúa, Hoàng tử Dmitri cùng mẹ bị lưu đày đến Uglich.

Vào ngày 25-5-1591, cư dân Uglich nghe tin khủng khiếp là Hoàng tử Dmitry bị chết trong sân cung điện ở thành phố. Theo công bố chính thức, hoàng tử nhỏ đang chơi trong sân thì lên cơn động kinh và ngã vào con dao cầm trong tay. Nhưng có giả thuyết cho rằng, hoàng tử bị viên quan Boris Godunov sai người sát hại. Nhà quý tộc đầy tham vọng này vốn được Sa hoàng sủng ái, đã nuôi mưu đồ chiếm ngôi sau khi Ivan Bạo chúa qua đời mà không còn người nối dõi. Cho đến nay, cái chết bí ẩn này vẫn không được lý giải đến cùng.

Căm ghét viên quan Boris Godunov, người dân Uglich tin rằng hoàng tử nhỏ bị chết do bàn tay tội ác của y. Người dân đã kéo chuông, chính là chiếc chuông ngày nay được trưng bày trong nhà thờ “Dmitry đổ máu”, để tiến hành một cuộc nổi dậy. Người dân tức giận tự lập tòa án công lý, xử tử một số viên quan mà họ kết tội trong vụ hoàng tử nhỏ thiệt mạng.

Sau đó, một đoàn điều tra từ Thủ đô Moscow về Uglich, là những người ủng hộ Boris Godunov, sau đó khẳng định hoàng tử bé chết do tai nạn. Sau này, Hoàng tử Dmitry đã được Giáo hội chính thống Nga phong thánh. Ở nơi hoàng tử nhỏ chết một cách bí ẩn, người ta đã xây dựng nhà thờ mang tên “Dmitry đổ máu” để tưởng nhớ vị Sa hoàng tương lai yểu mệnh.

Trở lại vụ án, đoàn điều tra từ Moscow đã xét xử những người nổi loạn dám kết án viên quan triều đình. Phiên tòa và hình phạt dành cho họ được ghi lại như những trang sử đẫm máu nhất của nước Nga. Vào ngày 1-4-1592, gần 200 người dân Uglich đã bị tử hình, 60 gia đình ở thành phố này bị xử lưu đày đến Siberia. Chiếc “chuông nổi loạn” được đánh lên trong ngày Hoàng tử nhỏ Dmitry chết cũng bị trừng phạt. Nó bị ném xuống từ tháp chuông Spasskaya, bị đánh đập bằng roi da trước toàn dân, bị cắt quả lắc, cắt một bên quai và cũng bị đày chung thân đến Siberia. Trong suốt một năm, những con người bất hạnh bị đi đày, dưới sự áp giải của lính canh, đã phải kéo theo chiếc chuông đến tận vùng Tobolsk xa xôi, hẻo lánh ở Sibiria.

Thống đốc vùng Tobolsk vốn là một viên quan mẫn cán, đã nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh. Ông cho khắc lên chuông dòng chữ “Tội nhân vô tri vô giác của Uglich bị đi đày chung thân” và giam chiếc chuông đồng “nổi loạn” vào nhà tù. Về sau, chiếc chuông được hưởng “khoan hồng” và được treo trên một trong những tháp chuông của Tobolsk. Tiếng vang mạnh mẽ của nó thường để báo cho cư dân biết về những vụ hỏa hoạn. Chuông đã trở thành một “nhân vật” nổi tiếng của địa phương này. Nhiều du khách đã tìm đến Tobolsk để được chiêm ngưỡng “tội đồ chung thân” ấy.

Trong nửa sau của thế kỷ 19, người dân Uglich nhiều lần kêu gọi chính quyền thành phố đòi lại chiếc chuông lịch sử, nhưng họ luôn bị khước từ. Dân chúng không chịu bỏ cuộc. Họ gửi kiến nghị lên Hoàng đế Alexander III và được ngài đồng ý. Ngay lập tức, dân chúng Uglich cử đại biểu đến Tobolsk đón “nhân vật nổi loạn lịch sử”. Tháng 5-1892, đúng 301 năm bị lưu đày, “chiếc chuông nổi loạn” được đưa trở về quê hương. Nhân dân tổ chức một đám rước long trọng đưa chuông đến nhà thờ “Dmitry đổ máu”, nơi đã trở thành ngôi nhà mới của chuông cho đến ngày nay. 

Sự thật về “tội đồ chung thân”

Từ thế kỷ 19 đến nay, nhiều người từng đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là chiếc chuông đã kêu gọi nhân dân Uglich đứng lên trả thù cho hoàng tử nhỏ vô tội hay không? Trong giai đoạn 1980 - 1989, đã có những cuộc tranh luận giữa các nhà nghiên cứu tại Uglich. Năm 1983, các phân tích hóa học và cơ học của chiếc chuông đã được thực hiện và chỉ dẫn đến kết luận đơn giản rằng, chiếc chuông được đúc bởi một người thợ có tay nghề cao ở Uglich vào cuối thế kỷ 15. Tuy nhiên, từ đó đến nay, vẫn xuất hiện không ít ý kiến ​​trái chiều về chiếc chuông đang được trưng bày ở Uglich.

Câu chuyện về chiếc chuông bị lưu đày suốt ba thế kỷ với biết bao biến cố, với những thăng trầm cùng lịch sử, một lần nữa được xới lên để thảo luận về tính xác thực, bất chấp kết quả giám định năm 1983. Tháng 8-2019, các chuyên gia từ Novosibirsk lại tiến hành một nghiên cứu mới, nhằm một lần nữa xác định chiếc chuông trong nhà thờ “Dmitry đổ máu” có thật là chiếc chuông bị lưu đày năm xưa. Biên niên sử nước Nga ghi chép rằng, vào năm 1677, Tobolsk đã bị nhấn chìm trong một trận hỏa hoạn khủng khiếp. Xét theo các tài liệu lưu trữ, chiếc chuông nổi loạn bị đày đến từ Uglich đã bị tan chảy không còn dấu vết. Quả thật, người ta có lý do để nghi ngờ rằng những người thợ thủ công địa phương đã đúc một cái mới, thay thế chiếc chuông cũ vẫn chưa “mãn hạn tù”.

Ông Aleksey Talashkin, Phó Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Chuông Siberia tại thành phố Novosibirsk cho biết: “Ở Siberia, chuông có chất lượng kém hơn, nhiều chiếc không có tiếng vang do thành chuông không đều nhau, chỗ dày, chỗ mỏng”. Ông cũng khẳng định, chuông cổ thường được đúc bằng 80% đồng và 20% thiếc, trong khi chuông ở Siberia thường có tỷ lệ đồng nhẹ hơn, vào khoảng 70%. Ông Pavel Lyalin, giảng viên dạy kỹ năng rung chuông tại Tu viện Thánh Daniel ở Moscow thì khẳng định: “Tỷ lệ thiếc càng cao thì tiếng chuông càng du dương. Trong khi theo các mô tả được chép lại, khi chiếc chuông nổi loạn ở Uglich lần đầu được đánh lên ở Tobolsk, tiếng của nó thật thô ráp và chói tai”. 

Tóm lại, chất lượng đúc chuông và thành phần hóa học của nó là hai chỉ số để có thể đưa ra câu trả lời về tính xác thực của chuông Uglich. Các chuyên gia từ Novosibirsk đã dùng một thiết bị quét 3D, đo độ dày của thành chuông và tiến hành các phân tích hóa học để xác định chiếc chuông nổi loạn bị lưu đày còn “sống hay đã chết” sau trận hỏa hoạn nói trên. Ông Talashkin khẳng định, thành phần của chiếc chuông đang được trưng bày ở Uglich gồm 71,52% đồng, 27,50% thiếc, 0,52% sắt và 0,46% chì. Theo ông, đây là một công thức rất… lệch chuẩn nên càng khiến dấy lên sự hoài nghi. Tuy nhiên, ông Talashkin cũng cho biết, ở miền Trung Nga và vùng Siberia, người ta không đúc chuông với rất nhiều thiếc như vậy. Và các nhà giám định hẹn sẽ đưa ra kết luận sau cùng.

Thật khó để chắc chắn rằng chiếc chuông nổi loạn bị lưu đày có thoát khỏi trận hỏa hoạn ở Tobolsk hay không và liệu chiếc chuông hiện được trưng bày ở Uglich có phải chỉ là chuông “đóng thế”? Dù câu trả lời vẫn còn để ngỏ thì điều đó cũng không quá quan trọng. Chỉ biết rằng hôm nay, cuộc sống ở Uglich đang trôi một cách thanh bình và chiếc chuông cổ trong nhà thờ “Dmitry đổ máu” vẫn đứng đó, dù là chuông thật hay phục chế thì nó vẫn là một hiện vật lịch sử, gợi nhớ những sự kiện sục sôi tại thị trấn nhỏ Uglich năm nào. Và chiếc chuông sẽ mãi là một chứng tích về tình yêu, lòng trung thành của nhân dân dành cho các vị Sa hoàng chân chính của hỌ.