Cảnh báo về thuốc lá điện tử

Mới đây, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Ghebreyesus khẳng định, các loại thuốc lá điện tử (TLĐT) có hại nghiêm trọng đối với sức khỏe người sử dụng, thậm chí tác hại mà TLĐT gây ra cho họ không kém thuốc lá truyền thống.  

Các loại thuốc lá điện tử được bày bán tràn lan. Ảnh: AP
Các loại thuốc lá điện tử được bày bán tràn lan. Ảnh: AP

Trong báo cáo về “Đại dịch thuốc lá toàn cầu năm 2021” do WHO công bố ngày 27/7 vừa qua, Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus đã cảnh báo về tác hại của thuốc lá thế hệ mới, cụ thể là TLĐT. Ông Tedros cho biết, những loại TLĐT hoặc thiết bị tương tự đều nguy hiểm đối với sức khỏe của người sử dụng, cần được kiểm soát để tránh tình trạng các hãng sản xuất thuốc lá sử dụng chiêu bài quảng cáo thiếu trung thực nhằm lôi kéo giới trẻ nghiện nicotine.

Trọng tâm của báo cáo nói trên đề cập các sản phẩm thuốc lá mới và mới nổi, nhấn mạnh cần kiểm soát Hệ thống phân phối nicotine điện tử (ENDS) chặt chẽ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Do đó, các loại TLĐT có hại, chứa nicotine gây nghiện cần phải được kiểm soát tốt hơn. Theo người đứng đầu WHO, tại các quốc gia mà TLĐT chưa bị cấm, giới chức cần có chính sách thích hợp để bảo vệ người dân khỏi mối nguy hại từ sản phẩm nói trên, không để trẻ em, thanh, thiếu niên và nhóm người dễ bị tổn thương tiếp cận các sản phẩm này.

Ông Ruediger Krech, Giám đốc Chương trình nâng cao sức khỏe của WHO cảnh báo: “Hiện có khoảng 16.000 hương vị TLĐT, như vị kẹo, kem vani, bánh quy, chocolate… Những hương vị này rất hấp dẫn với lứa tuổi thanh, thiếu niên. Nhiều quốc gia vẫn chưa có quy định sử dụng TLĐT, nghĩa là trẻ em có thể mua TLĐT do bị hấp dẫn bởi những hương vị đó”.

Trong báo cáo, WHO cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tác động của nicotine đối với sự phát triển của não bộ, đặc biệt khi ngày càng nhiều người dưới 20 tuổi sử dụng TLĐT. Theo WHO, trẻ em sử dụng TLĐT có xu hướng hút thuốc lá điếu trong tương lai. Vì thế, WHO khuyến cáo chính phủ các nước làm mọi điều trong khả năng để ngăn chặn những người không hút thuốc tránh xa TLĐT.

Theo The Guardian, khác với thuốc lá điếu thông thường, TLĐT hoạt động dựa trên nguyên lý loại bỏ phản ứng đốt cháy, nên không tạo khói và tàn. Chính vì thế, một số nguồn thông tin chưa được kiểm chứng cho rằng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới có nguy cơ gây bệnh thấp hơn so thuốc lá điếu thông thường. Ban đầu, TLĐT được phát minh như một phương pháp để cai nghiện hoặc hạn chế việc hút thuốc lá. Tuy nhiên, theo WHO, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu quốc tế nào chứng minh TLĐT an toàn và có tác dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống. 

The New York Times dẫn kết quả một số cuộc khảo sát và thống kê gần đây được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, tỷ lệ giới trẻ sử dụng TLĐT đang ngày càng tăng. Tại Mỹ, người hút TLĐT tăng từ 11,7% năm 2017 lên 27% năm 2019, trong đó hai phần ba số người sử dụng sản phẩm này là thanh, thiếu niên. Đây là con số đáng báo động, bởi các nhà khoa học thời gian gần đây đã cảnh báo về nguy cơ và tác hại của TLĐT.

Cụ thể, CNN dẫn lời một chuyên gia sức khỏe cho biết, các loại tinh dầu được dùng cho TLĐT chứa những hóa chất và kim loại có thể gây tổn hại phổi như thiếc, chì, kẽm, chất tạo mùi hương và các hạt siêu mịn khác. Người hút TLĐT lâu dài có thể cảm thấy khó thở, ho nhiều, đau ngực, buồn nôn, mệt mỏi, ói mửa; thậm chí bị sốt nếu hút TLĐT nhiều hơn bình thường.

Không chỉ vậy, chất nicotine, dù với hàm lượng thấp hơn cũng được tìm thấy trong thuốc lá điện tử. Trong thời gian ngắn sử dụng, nicotine có thể gây ra rối loạn giấc ngủ và trạng thái bần thần, cũng như những triệu chứng khác như buồn nôn, ói mửa, đau miệng và lưỡi. Về lâu dài, chất nicotine, dù thông qua hút TLĐT hay thuốc lá điếu vẫn có thể gây ung thư.

Điều đáng nói, theo Yonhap, các thành phần trong tinh dầu TLĐT hầu như không được kiểm định. Giữa năm 2020, các nhà khoa học Hàn Quốc xác nhận đã tìm thấy 5 loại chất gây ung thư trong các loại TLĐT được bán ở thị trường nước này. Năm 2019, tại Mỹ, 55 người thiệt mạng và hơn 2.500 người phải nhập viện do các vấn đề sức khỏe liên quan TLĐT. 

Không chỉ chứa các chất gây hại cho sức khỏe, mới đây nhất, hàng loạt nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, hơn 90% số người hút thuốc lá vẫn không thể bỏ được thói quen xấu này sau một năm sử dụng TLĐT, và loại thuốc lá thế hệ mới này không phải là “sự thay thế lành mạnh” cho thuốc lá điếu truyền thống.

Trước nguy cơ từ TLĐT, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các chính sách nhằm siết chặt việc bán và sử dụng sản phẩm này. Ủy ban thường trực các bác sĩ châu Âu (CPME) bày tỏ quan ngại về những nguy cơ đối với sức khỏe con người từ các sản phẩm TLĐT, đồng thời yêu cầu giới chức châu Âu công nhận những sản phẩm này gây tác hại đối với sức khỏe con người. CPME cũng kêu gọi bác sĩ thông tin cho bệnh nhân và mọi công dân về nguy cơ đối với sức khỏe con người từ những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, khuyến cáo họ không sử dụng TLĐT như một công cụ cai thuốc lá thông thường. CPME nhấn mạnh, thanh niên chưa từng hút thuốc cần phải được bảo vệ. Do đó, CPME ủng hộ cấm sử dụng hương liệu để tăng sự hấp dẫn của TLĐT. 

Tháng 1/2020, cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết sẽ cấm các loại TLĐT có hương vị, như các lọ tinh dầu nhỏ gắn thiết bị hút được giới trẻ Mỹ ưa chuộng, trừ các sản phẩm cụ thể được chính phủ cấp phép. Trước đó, nhiều bang tại nước này như Michigan, New York... đã ban bố lệnh hạn chế bán TLĐT. Nhà chức trách Mỹ cũng đã mở các cuộc điều tra liên quan quảng cáo sai sự thật về sản phẩm TLĐT, gây nguy hại cho người sử dụng.

Ngoài Mỹ, nhiều quốc gia khác như Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines, Thái-lan, New Zealand cũng đã có động thái kiểm soát và giám sát đối với sản phẩm này. Theo đó, các quốc gia nói trên cho phép thuốc lá thế hệ mới được lưu hành nhưng thắt chặt chế tài quản lý. New Zealand quy định cụ thể cấm bán cho người dưới 18 tuổi, cấm quảng cáo và sử dụng TLĐT nơi công cộng. Trong khi đó, giới chức Ấn Độ và Thái-lan đã cấm hoàn toàn TLĐT. Tại Ấn Độ, hình phạt cho người vi phạm có thể lên đến một năm tù. Còn ở Thái-lan, khách du lịch sẽ bị tịch thu, phạt tiền, thậm chí phải ngồi tù đến 10 năm nếu mang TLĐT đến Thái-lan. 

Theo WHO, đến nay, 32 quốc gia trên thế giới đã cấm bán các sản phẩm TLĐT, trong khi 79 nước đã đưa ra ít nhất một giải pháp cấm hoàn toàn sử dụng sản phẩm độc hại này tại nơi công cộng, cũng như cấm mọi hoạt động quảng cáo, khuyến mãi,... hoặc yêu cầu các công ty chủ quản in các dòng chữ cảnh báo về sức khỏe trên bao bì sản phẩm.

Dù vậy, WHO cũng cho biết, vẫn còn 84 quốc gia chưa có bất cứ động thái hạn chế hay cấm các sản phẩm liên quan TLĐT. WHO nhấn mạnh, thuốc lá nói chung và TLĐT nói riêng là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mỗi năm, trong đó có nhiều người hút thụ động. Nên WHO khẳng định việc kiểm soát TLĐT không thể tách rời khỏi cuộc chiến chống hút thuốc lá.