Các công ty “bình phong” trong Hồ sơ Pandora

Ngày 3/10 vừa qua, việc Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố kho tài liệu khổng lồ về những bí mật tài chính, được gọi là Hồ sơ Pandora (Pandora Papers), đã gây chấn động dư luận quốc tế. Dữ liệu từ Hồ sơ Pandora đã phơi bày chủ sở hữu thật sự và cách thức hoạt động của các công ty, thực thể nước ngoài đã giúp giới siêu quyền lực và siêu giàu ẩn giấu lượng tài sản khổng lồ tại các “thiên đường thuế”. 

Một bất động sản ở Thủ đô London của Anh được Hồ sơ Pandora tiết lộ thuộc sở hữu của một chính khách. Ảnh: GETTY IMAGES
Một bất động sản ở Thủ đô London của Anh được Hồ sơ Pandora tiết lộ thuộc sở hữu của một chính khách. Ảnh: GETTY IMAGES

Lộ diện chân tướng

So những vụ việc trước như Hồ sơ Panama (năm 2016) và Hồ sơ Paradise (năm 2017), với 2,94 terabyte dữ liệu, Hồ sơ Pandora là vụ rò rỉ thông tin liên quan các bí mật tài chính lớn nhất trong những năm qua. Việc xác thực hơn 11,9 triệu tài liệu thu thập được trong Hồ sơ Pandora do ICIJ thực hiện, có sự phối hợp của một nhóm hơn 600 nhà báo từ 150 tòa soạn. Dữ liệu gồm hàng loạt thư điện tử, biên bản ghi nhớ, hồ sơ sáp nhập, chứng chỉ cổ phiếu, các biểu đồ,… đã góp phần làm rõ lộ trình trong “mê cung” hoạt động của các công ty “bình phong” trên thế giới. Sau gần hai năm phân tích dữ liệu, các tờ báo dần đăng tải kết quả nghiên cứu, bắt đầu với việc tiết lộ những phi vụ tài chính ở các “thiên đường thuế” liên quan một số nhân vật quyền lực trên thế giới.

“Cơn sóng thần” dữ liệu lần này điểm mặt hơn 330 chính trị gia và 130 tỷ phú có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới theo tạp chí Forbes, cùng nhiều người nổi tiếng là thành viên các hoàng gia, lãnh đạo tôn giáo, ca sĩ, người mẫu, ngôi sao thể thao... Nhiều tội phạm lừa đảo, trùm ma túy, thậm chí nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ mà tên tuổi không được biết đến rộng rãi cũng có tên trong Hồ sơ Pandora. Các tài liệu trong Hồ sơ Pandora phơi bày chân tướng các chủ sở hữu thật sự của hơn 29.000 công ty nước ngoài, vốn được sử dụng để ẩn danh khối tài sản khổng lồ, phổ biến nhất là bất động sản, tài khoản ngân hàng, máy bay tư nhân, du thuyền, và các tác phẩm nghệ thuật.

Công ty luật nổi tiếng Alcogal tại Panama đang đứng giữa “tâm bão” dư luận quốc tế trong vụ việc Hồ sơ Pandora, khi bị cáo buộc liên quan việc thành lập hàng nghìn công ty “bình phong” ở nước ngoài làm nơi giấu tài sản cho giới siêu giàu và siêu quyền lực. Có tới gần hai triệu trong số 11,9 triệu tài liệu trong Hồ sơ Pandora có liên quan tới hãng luật Aleman, Cordero, Galindo & Lee, gọi chung là Alcogal. Trong một bài đăng trên Twitter, ICIJ nhấn mạnh rằng, trong gần ba thập niên qua, Alcogal giống như “thỏi nam châm” thu hút những người giàu có và quyền lực nhất tại Mỹ latin, cũng như những nơi khác trên thế giới đang tìm cách che giấu khối tài sản khổng lồ ở nước ngoài. ICIJ liệt kê 14.000 thực thể ở Panama, Belize, quần đảo Virgrin thuộc Anh và các “thiên đường thuế” khác được tạo ra với sự trợ giúp của Alcogal, nhằm tạo cơ sở để khoảng 15.000 khách hàng che giấu tài sản kể từ năm 1996.

Trong một bức thư phản hồi gửi ICIJ, Alcogal bác bỏ “mọi sự phỏng đoán, thiếu chính xác và sai lệch”. Hãng luật này khẳng định tuân thủ đầy đủ yêu cầu hiện hành trong mọi khu vực tài phán mà công ty này hoạt động, đồng thời cho biết đang xem xét hành động pháp lý để bảo vệ danh tiếng của hãng. Trước đó, Alcogal cũng từng bị cáo buộc hợp tác với nhiều nhân vật liên quan các vụ tham nhũng lớn trong lịch sử hiện đại, trong đó có vụ bê bối gần đây liên quan tập đoàn xây dựng Odebrecht ở Brazil.

Cách thức vận hành

Theo The Guardian - một trong những đơn vị tham gia thẩm định các tài liệu có trong Hồ sơ Pandora, nhiều nhân vật trong giới tinh hoa trên thế giới thường sử dụng mạng lưới tinh vi gồm các công ty ngoại biên (offshore) mà không phải ai cũng có thể tiếp cận. Các công ty ngoại biên này đặt trụ sở tại các quốc gia thường được gọi là “thiên đường thuế” bởi những ưu đãi lớn khi không thu hoặc thu ít thuế, là nơi lý tưởng có thể che giấu các thông tin tài chính khỏi cơ quan thuế và chính phủ nơi các khách hàng sinh sống.

Khi có nhu cầu cần che giấu tài sản, khách hàng liên lạc với bên cung cấp dịch vụ hay các đơn vị quản lý tài sản và mua các công ty ngoại biên. Điểm mấu chốt ở đây là người chi tiền không phải đứng tên chủ sở hữu công ty. Các vị trí nhân sự trong công ty đều có những cái tên giả đứng thay. Như vậy, khi đã sở hữu công ty ngoại biên, khách hàng có thể mở tài khoản không mang tên thật và điều này giúp ngăn chặn việc truy vết chủ sở hữu thật sự của khối tài sản. Hàng loạt du thuyền, máy bay và nhiều nhất trong Hồ sơ Pandora là bất động sản ở London (Anh), New York (Mỹ) và trên thế giới do các công ty ngoại biên sở hữu, nhưng thực tế lại là của giới siêu giàu.

Tuy nhiên, The Guardian cũng cho biết, không phải ai được nhắc tên trong Hồ sơ Pandora cũng là tội phạm. Hệ thống tinh vi các công ty ngoại biên này gồm hai lớp, một lớp dành cho những người tuân thủ pháp luật, lớp còn lại dành cho những người giàu có hành vi gian lận dưới hình thức hợp pháp hay bất hợp pháp. Một số người giàu có lý do để không công khai địa chỉ nhà riêng và tài sản, vì vậy họ tìm tới các công ty ngoại biên.

Những người giàu có và quyền lực đưa tài sản ra nước ngoài thường với mục đích ban đầu là “né thuế” một cách hợp pháp. Tuy nhiên, cách thức né thuế nhìn chung thường vượt ra ngoài “vùng xám” trong luật và trở thành trốn thuế - một hành vi phạm pháp. Phần lớn lý do mở tài khoản ngoại biên xuất phát từ mong muốn “đen tối”, trốn thuế để che giấu quá trình từng phạm tội, rửa tiền…

Các công ty “bình phong” trong Hồ sơ Pandora -0
Biếm họa: ZACH 

Phản ứng của các bên

Tổ chức Oxfam gọi Hồ sơ Pandora là sự phơi bày gây sốc về “đại dương tiền” đang nằm trong bóng tối của các “thiên đường thuế” trên thế giới. Tổ chức này cũng nhấn mạnh thông điệp không thể cho phép các “thiên đường thuế” tiếp tục nới rộng khoảng cách về bất bình đẳng toàn cầu, trong khi thế giới đang chứng kiến tình trạng nghèo đói cùng cực gia tăng mạnh nhất trong nhiều thập niên qua. 

Văn phòng Tổng thống Panama có thư phản đối lập tức sau khi ICIJ công bố Hồ sơ Pandora và coi quốc gia này là “thiên đường thuế”. Tuyên bố của Panama nhấn mạnh, mọi thông tin sai lệch sẽ gây ra “hậu quả tàn khốc” cho Panama và người dân. Giới chức nước này cũng tuyên bố đang nỗ lực để tên đất nước không gắn liền với những hoạt động mà họ không thật sự làm. 

Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, Mỹ đang xem xét một cách thận trọng về những thông tin rò rỉ trong Hồ sơ Pandora. Chính quyền Tổng thống Joe Biden tập trung vào việc tăng cường minh bạch tài chính và điều tra các hoạt động bất hợp pháp có thể xảy ra. Nhà trắng giám sát và cẩn trọng đánh giá viện trợ nước ngoài, bảo đảm các chương trình này được thực hiện đúng mục đích.

Trong khi đó, Cơ quan An ninh tài chính Mexico (UIF) đã khởi động điều tra đối với các công dân Mexico bị nêu tên trong Hồ sơ Pandora. Pakistan, Ấn Độ,… cũng tuyên bố tiến hành các cuộc điều tra tương tự. Kenya khẳng định, những tài liệu trong Hồ sơ Pandora góp phần nâng cao tính minh bạch của nền tài chính.

Nhìn từ Hồ sơ Pandora có thể thấy ICIJ và các tờ báo tham gia chương trình thẩm định tài liệu muốn cảnh báo rằng, mọi quốc gia trên thế giới đều có thể liên quan các giao dịch tài chính ẩn danh với mục đích xấu. Bằng cách công bố những bí mật, báo chí muốn cung cấp cho người dân cái nhìn toàn diện hơn về chân dung của nhiều người thuộc giới siêu giàu và quyền lực.