Niềm tin ở xóm Đá Bia

Dịch bệnh, thời tiết… đã khiến cho Đá Bia - xóm nhỏ của người Mường, xã Tiền Phong, Đà Bắc, Hòa Bình vốn đang phát triển tốt nhờ du lịch cộng đồng - trở nên vắng vẻ. Lòng hồ sông Đà mênh mông, xanh ngắt… nay cạn trơ đáy. Những lồng cá bè trải qua nhiều đợt “di tản” từ nơi nước cạn tới chỗ nước sâu vẫn khiến nhà nhà nơm nớp nguy cơ trắng tay. Nhưng, ở chính thời điểm khó khăn nhất, sức sống của xóm Mường đã trỗi dậy mạnh mẽ. 

Hồ sông Đà ở xóm Đá Bia mùa nước đầy.
Hồ sông Đà ở xóm Đá Bia mùa nước đầy.

Muốn giàu nuôi cá…

Xóm Đá Bia trước đây định cư ở thung lũng, là lòng hồ bây giờ. Từ khi có công trình thủy điện, làng bản di cư. Ngoài những hộ dân đi vùng kinh tế mới, các gia đình còn lại vỡ đất, dựng nhà trên sườn núi. Từng nếp nhà sàn ấm áp, bé xinh tựa vào núi rừng, ngoảnh ra hồ nước. 

Bản sắc người Mường, nhánh Ạu Tá, được bảo tồn từ những nồi nấu rượu truyền thống đặt ngay trên bậc dốc dẫn lên nhà sàn. Chiều chiều, phụ nữ ngồi nấu rượu, thấy ai ngang qua cũng mời vào thử. Từ bậc dốc ấy đi xuống, gặp ngay những gian hàng “tự giác”. Thuở cả xóm quần tụ dưới thung lũng đã có những gian hàng đóng bằng tre nứa lợp lá cọ như thế. Người Mường cả ngày đi làm nương, có nông sản hay đồ gì cần bán chỉ việc viết giá chèn ngay cạnh hàng quà, thêm cái giỏ nan. Hết buổi, cứ mang giỏ tiền về nhà thôi. Người già trong xóm khẳng định, xưa nay chưa bao giờ những gian hàng bị mất trộm. 

Vẻ mộc mạc, chân thành của con người và cảnh sắc nơi đây đã níu chân du khách. Có lẽ, bắt đầu từ ngày dời thung lũng lên sườn núi, người trong xóm phân biệt hai mùa theo mực nước hồ: mùa đầy và mùa cạn. Mùa hồ nước đầy, nếu bước lên bất cứ con thuyền nào neo dưới bến và nhổ neo, thuyền sẽ đưa người dần chìm vào miền sương thăm thẳm. Cứ sáng sớm, mặt hồ lại “thở”, hơi nước bốc lên, quyện trong sương sớm thành lớp khói dày đặc vẻ liêu trai. Các thanh niên trông bè cá đêm đã dậy từ lâu, thả lưới vớt được rất nhiều loài cá bé, dùng làm thức ăn cho cá lồng. Vừa gõ kẻng họ vừa chào khách: “Mọi người không về được đâu, chờ chúng tôi cho cá ăn xong sẽ nổ máy thuyền mình kéo thuyền bên ấy về!”.

Bây giờ, hồ vào mùa cạn. Qua mấy ngày nắng nóng bùn lầy cứng lại, chiều chiều trẻ con đã có thể đá bóng dưới lòng hồ. Cả xóm Đá Bia có khoảng 50 hộ nuôi cá bè. Đây là con đường giúp người dân đỡ phần cực nhọc thay vì chỉ canh tác nông nghiệp. “Muốn giàu nuôi cá”, câu ấy người Mường nghe từ dưới xuôi. Những năm gần đây, gia đình nào đã mạnh dạn đầu tư cũng gặt hái được hiệu quả kinh tế, vừa có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên, vừa tạo được hệ sinh thái tốt, bổ sung nguồn đặc sản địa phương. Đáng kể nhất, nhiều trẻ em ấm no đến trường, học hành thi cử đạt kết quả tốt. Tháng 7 vừa rồi, mực nước sông Đà cạn sâu bất thường so những năm trước, nhiều hộ dân nuôi cá bè rơi vào thế bị động, không kịp phản ứng, thiếu thiết bị hỗ trợ tạo oxy trong nước nên phải đối mặt cảnh cá chết hàng loạt chỉ sau vài ngày. Trung bình, mỗi lồng cá trị giá vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng, được coi như cả gia tài của người dân, có khi ra đi chỉ sau một đêm. 

Chứng kiến cá chết trong chính môi trường sống của chúng, nhiều người dân đã rơi nước mắt. Theo thống kê tại xã Tiền Phong, tính đến ngày 11/7, số lượng cá chết xấp xỉ 6.700 kg với nhiều loại cá khác nhau, trong đó cá chiên - đặc sản sông Đà, có giá trị kinh tế cao nhất - bị chết nhiều nhất với 38,4% trên tổng số thống kê. Ngoài thiệt hại từ cá bè, suốt hai năm qua, do ảnh hưởng dịch bệnh, mảng du lịch cộng đồng của xóm cũng bị ngưng trệ. Để làm du lịch hay nuôi cá bè, các hộ phải vay vốn, đầu tư khoản tiền không hề nhỏ nên trước nguy cơ trắng tay, có người rơi vào trạng thái tuyệt vọng. 

Niềm tin ở xóm Đá Bia -0
Lò Thị Trang hướng dẫn kỹ năng du lịch cộng đồng cho thanh niên trẻ. 

Ứng phó linh hoạt

Từ những kiến thức được tập huấn, tư vấn và kinh nghiệm thực tế, người dân xóm Đá Bia đã động viên nhau cùng đưa ra giải pháp khắc phục khó khăn, giảm thiểu rủi ro. Về phía chính quyền, nhận thấy mực nước tiếp tục cạn sâu, mật độ lồng cá dày đặc, địa hình hồ nông và hầu hết loài cá nuôi có đề kháng yếu, xã Tiền Phong phối hợp với huyện và tỉnh đưa ra phương án tiêu thụ cá cho bà con. Những hộ đã có cá thương phẩm, còn khỏe mạnh sẽ được đoàn thanh niên xã hỗ trợ vận chuyển, tiêu thụ. Các hộ cũng nhận được hỗ trợ phí vận chuyển từ Ban quản lý dự án AOP Đà Bắc, sự chung tay của các cá nhân là nhân dân trong huyện Đà Bắc. Đến nay, có gần bốn tấn cá được tiêu thụ. 

Dù được hỗ trợ tích cực, song, dịch bệnh khiến thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nhiều hộ nuôi cá vẫn mất ăn mất ngủ khi nước hồ tiếp tục cạn sâu. Tình thế cấp bách, mỗi hộ dân đều chủ động khai thác, chế biến cá cấp đông hoặc nấu thành những món đặc sản, quảng bá, rao bán trên mạng xã hội và các ứng dụng bán hàng. “Tôi là Ộm Chung, cô gái Mường Ạu Tá, hôm nay tôi sẽ giới thiệu tới các bạn món truyền thống: cá ốt đồ”, đó là câu chào quen thuộc của Lò Thị Trang, người trong xóm trên mạng xã hội, cô dùng tên gọi bằng tiếng Mường. Những ngày Hà Nội chưa giãn cách xã hội, cá ốt đồ của xóm Đá Bia được đặt hàng rất nhiều. Ngoài nguyên liệu chính là cá, cần thêm lá lồm, muối, gừng, tiêu, sả, mắc khén, ớt… Sau khi sơ chế, ướp lâu trong gia vị, cá được gói lại bằng lá dong cho vào chõ đồ vừa lửa liên tục trong vòng 5 - 7 tiếng. Để cá ngon, trong lúc đồ phải canh lửa không quá to và không tắt. Cá ốt đồ có xương nhừ, thịt rắn lại, ngấm gia vị rất thơm ngon, hấp dẫn. Vì được đồ liên tục nhiều giờ nên món ăn rất dễ bảo quản. Ngoài cá ốt đồ, còn có cá nướng, tôm hấp, cá bống chiên… cũng được những bàn tay khéo léo chế biến trước khi rao bán. Trong xóm, từ người già đến các em nhỏ mới học cấp I đều tham gia được các công đoạn. 

Không chịu cảnh tượng thất vọng vì bán “rẻ như cho”, cá sông Đà qua bàn tay khéo léo và sự nỗ lực của người Mường ở xóm Đá Bia vẫn giữ được mức giá bình ổn, hương vị và hình ảnh đặc sắc trong cảm nhận của khách hàng. Những chàng trai, cô gái được học hành đến nơi đến chốn như Lò Thị Trang, bắt đầu mỗi ngày mới đều chủ động đăng tải thông tin về quê hương, câu chuyện sinh kế, đặc sản địa phương thật cụ thể, ấm áp, lạc quan và tạo được thiện cảm tốt. Họ là người bán hàng, nhưng cũng là người kể chuyện đầy chân thật, tâm huyết. Cách thức bà con nơi đây ứng phó khó khăn và trao gửi tình cảm của mình là một sự đồng nhất từ truyền thống, phong tục quý báu có từ ngàn xưa. 

Chờ khi nào cơn dịch đi qua, bất cứ thời điểm nào, nếu lên xóm Đá Bia, du khách sẽ được bà con đãi món bánh nẹt. Đời sống vật chất đã khấm khá hơn nhưng tinh thần lưu giữ ký ức vẫn bền bỉ, ăm ắp. Đó là món ăn mùa giáp hạt của người Mường, khi trong nhà eo hẹp lương thực. Bánh làm từ bột ngô hoặc sắn nhưng gói ghém sự tảo tần, tinh tế. Những chiếc bánh hơi dẹt, tròn như mặt trăng, trăm cái như một được hấp chín thơm lên trước khi chiên rán để lên vị mộc mạc mà cũng rất nồng đượm, thấm thía nghĩa tình. Chúng tôi nhớ mãi câu nói của những người trong xóm: “Mùa nước đầy thì ấm no hạnh phúc, nhưng mùa nước cạn, đồng bào vẫn có nhau”.

Ở giai đoạn khó khăn, bà con nhân dân đã đoàn kết, chia sẻ với nhau công thức, kinh nghiệm và cả khách hàng. Các bà, các chị hết làm giúp bếp nhà này lại sang nhà kia. Người luôn tay cắt khúc, phi lê cá; người chuẩn bị gia vị; người nhóm bếp; cánh thanh niên thì túc trực bè cá hoặc chịu trách nhiệm khâu kết nối, rao hàng.