Vĩnh Châu, mùa xá bấu

Những cánh đồng củ cải một mầu xanh bạt ngàn trải rộng. Những nông dân hối hả thu hoạch, cắt lá, nhổ củ, gánh cải vô hầm để làm xá bấu. Cải xá bấu hay còn gọi là củ cải muối giúp nông dân Vĩnh Châu (Sóc Trăng) từng bước khấm khá ngay trên mảnh đất của vùng quê ven biển.

Thu hoạch củ cải trắng ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Thu hoạch củ cải trắng ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

1 Nói đến Vĩnh Châu người ta nghĩ ngay đến loại nông sản nổi tiếng trở thành đặc sản của thị xã ven biển này, đó là hành tím. Củ hành tím Vĩnh Châu nổi tiếng bởi có chất lượng đặc biệt hơn các địa phương khác; đồng thời là cây trồng truyền thống của bà con Khmer thị xã Vĩnh Châu. Mỗi vụ, diện tích hành thương phẩm của toàn thị xã gieo trồng từ 5.000 - 7.000 ha.

Thế nhưng hành tím không mang lại cuộc sống ấm no, sung túc cho người nông dân, mà liên tục rơi vào điệp khúc “được mùa, rớt giá”, khó tìm được đầu ra. Những năm gần đây, nhiều người đã dần chuyển sang những loại cây trồng khác. Trong đó, củ cải trắng đang trở thành cây trồng được người nông dân Vĩnh Châu chọn lựa.

Đi dọc tỉnh lộ 38, hương lộ 29, hương lộ 30 xuyên qua các cánh đồng ven biển của thị xã Vĩnh Châu, chúng tôi bắt gặp quang cảnh lao động ngày mùa hối hả, trên đồng. Những cánh đồng cải một mầu xanh bạt ngàn trải dài xa tít tắp. Đó là củ cải trắng, một loại nông sản nổi tiếng ở Vĩnh Châu. Thời điểm này đang là chính vụ, thu hoạch rộ củ cải trắng ở nơi đây. Theo ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Sóc Trăng, vụ củ cải trắng năm nay, nông dân gieo trồng hơn 1.000 ha. Đi đến đâu, cũng bắt gặp những gương mặt rạng ngời, những nụ cười tươi rói, phấn khởi của bà con bởi vụ củ cải trắng năm nay trúng mùa, được giá. Vợ chồng anh Danh Đon, ở phường 2, thị xã Vĩnh Châu, đang thu hoạch củ cải trắng trên đồng không giấu được niềm vui bởi vụ này cho năng suất cao và giá cả cũng cao hơn năm ngoái. Theo anh Danh Đon, củ cải trắng dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí thấp và cũng ít tốn công chăm sóc hơn so trồng hành tím, mà đầu ra ổn định, giá cả luôn ở mức cao.

Củ cải trắng là cây trồng ngắn ngày, chỉ khoảng từ 45 đến 55 ngày kể từ khi gieo sạ là cho thu hoạch, tức chưa đầy hai tháng/vụ. Vì thế, nhiều nông dân chọn cách trồng củ cải trắng để tận dụng vòng quay của đất, mỗi năm có thể trồng được hai - ba vụ. Nhưng cũng như hành tím, củ cải trắng không chịu được mưa, chỉ thích hợp trồng trong mùa nắng. Cây trồng này rất thích hợp vùng đất phù sa cát, đất cát giồng, có độ tơi xốp như Vĩnh Châu nên cho củ to, tốt và năng suất cao hơn những vùng khác. Trung bình mỗi công thu hoạch khoảng mười tấn củ cải tươi. “Nếu gặp thời điểm có giá hay mình có tiền trữ lại tới gần Tết bán thì giá lên tới 10.000 đến 12.000 đồng/kg, tính ra mỗi công lời hơn 20 triệu đồng. Mấy năm nay bỏ trồng hành, chuyển qua trồng củ cải trắng sống khỏe hơn”, anh Danh Đon quả quyết.

Vĩnh Châu, mùa xá bấu ảnh 1

Cải xá bấu ngọt, đặc sản Vĩnh Châu.

2 Theo nông dân nơi đây, ban đầu, họ chỉ trồng xen canh củ cải trắng trên đồng, sau khi kết thúc vụ hành tím. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều người mạnh dạn chuyển hẳn sang trồng củ cải trắng bởi dễ trồng, năng suất cao, đầu ra ổn định, lợi nhuận khá cao. Giá bán củ cải tươi tại ruộng thường từ 2.000 đến 2.500 đồng/kg, không có cảnh ế như hành tím. Nhưng để nâng cao thu nhập và bán được giá cao hơn, nông dân Vĩnh Châu sau khi thu hoạch củ cải trắng thì đào hầm ngay tại ruộng, trải bạt lót đáy rồi gánh củ cải trắng vừa thu hoạch từ ruộng vào hầm ủ muối. Đợi khoảng mười ngày sau, khi muối thấm vào củ cải thì vớt ra đem phơi nắng độ bốn ngày là bán cho thương lái. Công việc này có phần cực nhọc, bởi bà con nông dân phải làm việc giữa cái nắng trưa rát bỏng của cánh đồng ven biển. Anh Sơn Đa, đang thu hoạch hai công củ cải trắng, chỉ tay về chiếc hố to tướng giữa đồng được lót bạt và công nhân đang gánh củ cải tươi vừa thu hoạch đổ vô hố, nói. “Mình thu gom hết củ cải trên đồng cho vô hố ủ. Cứ một lớp củ cải, một lớp muối rải lên rồi lại đổ củ cải lên. Tỷ lệ là mười tấn củ cải tươi thì bốn tấn muối, rồi ủ cỡ một tuần là đem ra phơi vài ngày nữa sẽ có thương lái tới tận ruộng thu mua. Bỏ hết chi phí, lời ít nhất cũng cả chục triệu đồng/công. Nhà có năm bảy công củ cải là sống khỏe”.

Theo tiếng địa phương, xá bấu nghĩa là củ cải muối. Phần lớn nông dân trồng củ cải trắng ở Vĩnh Châu là người Khmer, một số khác là người Hoa, sinh sống cộng cư, đoàn kết giúp nhau làm ăn, ổn định cuộc sống ở vùng đất này. Xá bấu Vĩnh Châu có nhiều loại như: xá bấu mặn, xá bấu ngọt, xá bấu chua ngọt, mang hương vị đặc trưng, độc đáo riêng. Mỗi loại đều có cách chế biến khác nhau. Xá bấu mặn có cách làm đơn giản nhất, nhưng lại được ưa chuộng và tiêu thụ mạnh nhất.

3 Ông Tăng Chanh, chủ một vựa xá bấu lớn ở Vĩnh Châu cho biết, ở Vĩnh Châu có cả chục vựa thu mua xá bấu mặn, củ cải trắng của nông dân trong vùng. Giá cả thì thay đổi liên tục theo giá trị trường, nhưng chỉ có tăng lên chứ không hề giảm. “Mỗi năm ông thu mua xá bấu của bà con trong vùng và hơn chục công đất nhà trồng nữa, vựa lại bán quanh năm. Năm nào ít cũng vựa cỡ 300 tấn cải xá bấu, còn nhiều thì cỡ 400 tấn mà cũng không đủ bán. Xá bấu Vĩnh Châu được bạn hàng các nơi rất ưa chuộng, mối lái ở TP Hồ Chí Minh, ở Rạch Giá, Kiên Giang, ở Sóc Trăng xuống mua nhiều lắm”, ông Tăng Chanh nói.

Bên cạnh xá bấu mặn được tiêu thụ với số lượng lớn, thì xá bấu ngọt, chua ngọt còn góp phần làm phong phú thêm hương vị ẩm thực của vùng đất Vĩnh Châu. Xá bấu ngọt có quy mô sản xuất nhỏ hơn, thường chỉ làm theo hộ gia đình, nhưng thu nhập lại rất cao. Chế biến xá bấu ngọt phải trải qua nhiều công đoạn. Người sản xuất phải ra đồng, tìm mua loại củ cải nhỏ, có giá rẻ, về rửa sạch, xắt thành sợi nhỏ, thẳng và đều. Sau đó cho vào nia, hoặc xề, liếp tre phơi nắng. Độ cỡ hai nắng, cọng cải hơi khô nhưng vẫn còn dai thì được đem vào cho ướp đường, hoặc nước giấm chua ngọt tùy theo hương vị. Đến Vĩnh Châu, bên cạnh đặc sản củ hành tím, nhiều người còn tìm mua xá bấu để thưởng thức, làm quà tặng người thân, bạn bè.