Mát xanh miền “nắng lửa”

Ai đến vùng “nắng lửa” Quảng Bình được đắm mình trong khung cảnh động Thiên Đường, sông Son, sông Chày, hang Tối đều thấm đẫm cảm nhận sự mát xanh đang tạo thêm sức sống mới cho vùng đất này. Bao lam lũ, nghèo nàn đang dần xa vắng. Mỗi làng nghề hình thành bên sông là hàng trăm lao động có việc làm ổn định, xây dựng nền tảng cho đời sống sung túc.

Khách trong nước và quốc tế du ngoạn sông Chày và xuôi đến mua các sản phẩm của làng nghề.
Khách trong nước và quốc tế du ngoạn sông Chày và xuôi đến mua các sản phẩm của làng nghề.

“Lột xác” đất nghèo

Sông Chày, sông Son không chỉ là dòng chảy tự nhiên, mà còn là nơi chứa ẩn bao thương nhớ, chứng kiến bao thăng trầm, trắc trở. Dẫu có lúc chẳng bình yên, nhưng những dòng sông này luôn là nơi “đi nhớ, về thương” của hàng triệu người.

Sông Son hình thành từ khi nào, ít người nhớ rõ, chỉ biết trong sâu tiềm thức của những người già, khi chưa “cõng” thêm lên mình sứ mệnh làm du lịch, sông đã tạo nên những vụ mùa bội thu. Khởi thủy từ dãy Trường Sơn, sông Son uốn lượn qua nhiều vùng đất, tưới tắm, dưỡng nuôi hàng trăm cánh đồng rồi hợp lưu với sông Chày.

Đứng trên cầu Xuân Sơn, nhìn sông Son xanh trong, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tiến hồi kể rằng: Sông có nhiều điển tích. Sâu đậm nhất là truyền thuyết ở các làng mạc ven sông có đôi trai gái yêu nhau nhưng bị cấm đoán vì không tương xứng. Cuối cùng họ tự vẫn để phản đối nên người ta gọi là sông Son để nhớ về lòng chung thủy của đôi trai gái. Có thời đói kém, lao động trong các làng túa ra lấy nước sông về tắm và phục vụ đời sống. Hàng trăm ha ngô, đậu nuôi sống người dân cũng nhờ nước tưới và phù sa của sông.

Cũng như sông Son, sông Chày bắt nguồn từ khu vực núi đá cổ ở Phong Nha - Kẻ Bàng phục vụ cho đời sống và sản xuất hàng vạn lao động hai bên sông. Có thời điểm, nắng nóng kéo dài, sông như biểu tượng khơi dậy niềm tin mạnh mẽ, rằng những tươi xanh sẽ trở lại.

Đánh thức tiềm năng của sông Son, sông Chày, tỉnh Quảng Bình đã quyết định cho làm du lịch đường sông gắn với làng nghề, vừa quảng bá các sản phẩm của di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng vừa tạo nên việc làm cho lao động tại chỗ, kích thích các làng nghề truyền thống phát triển rực rỡ hơn.

Một chiều đầu hạ, những giọt nắng cuối ngày luồn lách qua những xóm làng yên bình, nghệ nhân Nguyễn Thành Tuấn, 75 tuổi, đã từng chứng kiến hàng triệu khách đến với chuỗi làng nghề bên sông Son, bừng thức niềm hạnh phúc. Ông nhớ lại: “20 năm trước, nơi đây còn nghèo nàn lắm, các xóm làng ven sông, nhà cửa xập xệ khiến hình ảnh dòng sông cũng trở nên ảm đạm. Nhưng, giờ thì nhộn nhịp làm du lịch. Thanh niên lớn lên có nghề nghiệp ổn định hết. Các nghệ nhân theo nghề truyền thống thì luôn hừng hực đam mê giữ nghề. Trai tráng thì chèo thuyền chở khách xuôi ngược khám phá khung cảnh và con người. Lao động từ các xóm làng đều không lo đói nghèo nữa.

Hiện tại, riêng hai bên bờ sông Son (đoạn chảy qua huyện Bố Trạch) có các làng nghề đang dần phục thịnh: Làng bè nuôi cá trắm, cá chình, làng rượu truyền thống Gia Hưng, làng bánh tráng Quảng Hòa, làng đan nón Thuận Hòa… Việc hình thành các tour du lịch đường sông đã đưa hình ảnh cùng các sản vật làng quê của Quảng Bình đến với bạn bè trong nước và quốc tế, kích thích các làng nghề phát triển, không bị mai một theo năm tháng.

Theo nghề làm bánh tráng gần nửa thế kỷ, bà Nguyễn Hậu ở Quảng Hòa như thấy mình được tiếp thêm sức mạnh, thổ lộ: Trước đây làng nghề hiu hắt, buồn so. Sản phẩm làm ra rất ít người biết đến. Từ ngày có tour du lịch trên sông Son “đổ” khách ào ạt đến, có người tận châu Âu mua hàng trăm chiếc bánh. Có người TP Hồ Chí Minh thì mua cả tạ về phân phối cho người quen. Sản phẩm bán rất chạy, lao động có thêm thu nhập nên háo hức giữ nghề. Nghề đan nón Thuận Hòa cũng luôn cấp tập khách đến tham quan. Đến làng nghề, họ còn được thong dong trên những con đường in đậm phong cảnh truyền thống của miền trung.

Mát xanh miền “nắng lửa” ảnh 1

Động Thiên Đường được khai thác giúp nhiều cửa hàng truyền thống phát triển.

Tạo thương hiệu

Cùng với danh thắng Phong Nha - Kẻ Bàng, thương hiệu du lịch của mảnh đất còn nhiều vất vả Quảng Bình đã được tô đậm nhờ chính các sản phẩm tour du lịch sông Son, sông Chày và động Thiên Đường.

Như đặc ân của tạo hóa, sông Chày quanh năm mát trong dẫn những con thuyền sau khi rong ruổi chở khách tham quan bờ bãi, làng mạc thì tiến đến gần cửa miệng hang Tối. Với chiều dài hơn 5.000 m, cao 80 m, hang Tối như một kỳ quan đặc biệt của thế giới.

Xuyên qua hang, cảm như nghe được tiếng thở của mạch nguồn thiên nhiên, những dòng thạch nhũ, đá vôi cổ tự xếp tầng uốn lượn như những bức tranh khổng lồ. Từ di sản thiên nhiên này, các nhà khoa học sâu chuỗi vào nghiên cứu đá vôi Kẻ Bàng có nguồn gốc từ đại dương cổ đại. Những kỳ quan này đã giúp Quảng Bình phát triển mạnh ngành dịch vụ du lịch. Khách quốc tế đến ngày càng đông. Sau khi khám phá sông Chày có thể dùng đèn pin đội đầu và các thiết bị chuyên dụng thưởng ngoạn hệ thống sông ngầm, chiêm ngưỡng hàng nghìn cột nhũ đá hình thù đa dạng và đặc sắc trong hang Tối. Hiện nay, được sự đồng ý của tỉnh Quảng Bình, các đơn vị liên kết du lịch đã vận hành các chuỗi dịch vụ: Đu dây zipline hang Tối, zipline tắm sông, các trò chơi, chèo thuyền kayak, tắm bùn hang Tối.

Động Thiên Đường được đưa vào hoạt động, kéo theo 120 cửa hàng dịch vụ cung cấp những sản phẩm đặc trưng từ các làng nghề truyền thống của Quảng Bình hình thành. Các mặt hàng một thời ngỡ như chỉ để “tự cung, tự cấp” thì giờ thành đặc sản như: Khoai gieo Hải Ninh, nhút tép Lệ Thủy, bánh tráng Tân An, rượu Võ Xá, dầu lạc Bố Trạch, sâm Bố Chính, tỏi Quảng Minh…

Chủ cửa hàng Thành Phát ở Bố Trạch chia sẻ: Từ khi các hệ thống dịch vụ du lịch được kích hoạt, hơn 1.000 lao động trực tiếp và gián tiếp tại địa phương đã được tạo việc làm với nguồn thu ổn định khoảng sáu triệu đồng/tháng, không bươn chải khắp nơi như trước nữa. Riêng hệ thống phân phối nhút tép Lệ Thủy của chúng tôi đã sử dụng đến gần 200 lao động là nông dân chuyên làm tép truyền thống. Sản phẩm sông được đưa lên chế biến và phân phối ngay các cổng khu du lịch, điểm tham quan. Người thuyết minh về sản phẩm cũng chính là người ở làng nghề. Các sản phẩm truyền thống khác cũng được các công ty, cửa hàng xuống tận làng ký kết hợp đồng thu mua - phân phối. Bởi vậy nên đời sống người dân thêm phần khởi sắc.

Gắn với việc chế biến khoai gieo từ 30 năm nay, ông Nguyễn Văn Cư ở Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) nhớ như in hình ảnh một thời phải tất tả sớm chiều mang sản phẩm đi bán dạo. Có năm, khoai làm ra cả tấn nhưng không tiêu thụ kịp phải chia nhau ăn thay cơm. Nhưng rồi, cánh cửa phát triển đã mở ra từ khi hệ thống siêu thị, cửa hàng đặc sản phục vụ khách du lịch mọc lên san sát. Khoai của nông dân làm ra đến đâu, thu mua hết đến đấy, tạo nên cuộc sống êm đềm hơn trên vùng đất nhiều nắng này.

Không chỉ làng nghề truyền thống, mà nhiều làng chuyên trồng rau sạch bên sông Son, sông Chày cũng luôn có cảm xúc đặc biệt. Người ta như bớt toan tính, nhiều nhớ thương hơn khi gắn cảm xúc, tình yêu với những con sông này. Cuộc sống luôn hàm chứa nhiều bất ngờ, đôi khi chỉ dòng sông mới hiểu. Thế nên mới có chuyện, cụ bà Trần Thị Thu, sau hơn nửa đời đan nón, trồng rau, con cái đưa về thành phố Đồng Hới sống cuộc sống an nhàn, nhưng rồi nhớ sông Chày quá, bà lại quay về.