Bản Đoòng sâu hút giữa Trường Sơn

Nếu từng là thành viên tham gia tour du lịch mạo hiểm khám phá hang động lớn nhất thế giới - Sơn Đoòng, chắc chắn bạn phải ghé ngang bản Đoòng, bản nhỏ của người Bru - Vân Kiều ở xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) với khoảng 40 người sinh sống biệt lập và hoang sơ giữa đại ngàn Trường Sơn. Hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống tại chỗ hay di dời đến nơi ở mới đang là bài toán khó với chính quyền địa phương.

Những căn nhà lá của bà con bản Đoòng xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).
Những căn nhà lá của bà con bản Đoòng xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).

1/ Từ km 37 đường 20 Quyết Thắng, cắt con đường độc đạo xuyên giữa vùng lõi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng sâu hun hút, chúng tôi đi bộ chừng hai giờ đồng hồ mới đến được bản Đoòng. Việc đi men con đường mòn nhỏ, vượt qua những con dốc cao dựng đứng với cơ man nào là đá tai mèo trơn tuột rồi băng theo con suối dài cũng đủ thử sức những ai vốn ít đi rừng và sợ vắt, sên. Chạm đất bản Đoòng nằm chông chênh giữa bốn bề rừng xanh thì trời cũng xế trưa. Rũ vội ống quần, làm ngụm nước lá rừng, hít hà chút khí trời nơi đại ngàn, chúng tôi dần dần cảm nhận được sức sống và con người ở vùng đất sâu hút giữa Trường Sơn này.

Đang ngồi trong nhà sàn đun nồi bắp luộc, già làng - trưởng bản Nguyễn Sỹ Trắc thấy khách lạ nên vồn vã chào rồi mời lên nhà trên trò chuyện. “Bản này được lập 27 năm rồi đó. Hồi nớ, tui với bốn người nữa đến khai khẩn lập bản này. Chừ chỉ còn tui thôi, mấy ông nớ nằm bên tê núi cả rồi”, già Trắc bắt đầu câu chuyện. Gốc tích từ Cam Lộ (Quảng Trị), mấy đời trước phiêu bạt lên vùng núi dân tộc Vân Kiều, rồi đến thế hệ của ông Trắc thì trở thành người Vân Kiều thực thụ. Chỉ có điều, người Vân Kiều đều mang họ Hồ, còn anh em, con cháu của ông Trắc mang họ Nguyễn. Lúc cao điểm, bản Đoòng có 29 hộ, giờ chỉ còn chín hộ với 42 nhân khẩu sinh sống. Vì cùng chung gốc rễ, huyết thống nên nam nữ thanh niên lớn lên đều phải cắt rừng, lội suối qua các bản làng bên tìm vợ, tìm chồng. Trưởng bản nói chắc nịch, từ ngày về đây bản không có hôn nhân cận huyết thống. Ông đã tiễn nhiều cháu gái sang bản bên lấy chồng và các cháu trai của ông cũng đón nhiều cô gái ở các bản khác vào đây sinh sống.

Mười ngôi nhà sàn chỉ có nhà già làng và con trai Nguyễn Văn Tường là vững chắc, còn lại trong cảnh tạm bợ rách nát. “Cuộc sống đã tạm ổn nhưng cuối năm 2010, lũ dữ về cuốn phăng tất cả những gì dân bản chắt chiu được, đến cái nhà cũng không còn, may mà không ai bị trôi”, già làng Trắc kể lại. Theo già Trắc, trước đây, con khe Ba Giàn vòng vèo ôm lấy bản nên già huy động con cháu ngăn khe lấy nước làm được gần hai ha ruộng lúa nước. Nhưng bây giờ khe cạn, ruộng hoang hóa thành bãi lau sậy. Không làm lúa, dân bản trồng sắn, ngô để ăn, còn gạo thì được Nhà nước hỗ trợ. Từ khi phát hiện ra hang Sơn Đoòng, bản trở thành nơi nghỉ chân cho các đoàn khách du lịch đi khám phá hang động. Nhiều người trong số họ gửi lại dân bản một ít lương thực, thực phẩm. Bản cũng cung cấp thêm nồi khoai, sắn, con gà để phục vụ khách. Vì vậy bà con có thêm chút thu nhập, đời sống cũng bớt khó khăn. Năm ngoái, có doanh nghiệp hỗ trợ cho bản ống nhựa dẻo dẫn nước từ suối về, bà con đỡ đi gùi cõng nước ở xa.

2/ Anh Lê Thế Quang, kiểm lâm viên Trạm kiểm lâm Km 37 nói, sống giữa vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng nhưng dân bản Đoòng không phá rừng. Bản xây dựng hương ước bảo vệ rừng, thành lập các tổ bảo vệ rừng hẳn hoi. Song cái cách sử dụng sản phẩm từ rừng cũng khá lạ và hồn nhiên như chính cuộc sống của họ. Cứ vài ngày, đàn ông trong bản hú gọi bầy chó vào rừng săn ít thú nhỏ về làm thực phẩm. Dân bản không sử dụng bẫy hay tên nỏ, chỉ có bầy chó rượt đuổi, bao vây con mồi. Người hò hét, chó đuổi cho đến khi con thú kiệt sức thì bắt về thịt. Nhà anh Nguyễn Văn Tường ở đầu bản. Sáng, Tường đi về con suối xa để bắt cá, gần trưa mang về mớ cá nhỏ. Tường bảo: “Rứa là đủ ăn bữa trưa, bữa tối rồi. Đủ cái thức ăn trong ngày là về thôi”. Vợ Tường ngồi đun nồi nước lá rừng nói thêm vào: “Ở đây không bắt cá về nhiều mô, bắt rứa thì mai tê lấy cá mô mà bắt nữa. Cán bộ Vườn (kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) dặn rồi, cấm không được bắt thú, bắt cá mang đi bán. Cũng chỉ bắt bằng lưới, bằng tay thôi chớ không dùng bả, dùng cây thuốc”.

Bản Đoòng sâu hút giữa Trường Sơn ảnh 1

Lớp học ở bẩn Đoòng.

3/ Trong câu chuyện với chúng tôi, trưởng bản Nguyễn Sỹ Trắc kể về một người thầy giáo tên Vinh, quê ở Nghệ An từng lội suối luồn rừng vào “bốn cùng” với dân bản, dạy cho bà con đọc thông, viết thạo con chữ. Thầy Vinh đã về xuôi, bây giờ bản Đoòng đã có điểm trường, là một ngôi nhà lợp tôn được bà con dựng ở giữa bản. Từ xa đã nghe tiếng ê a của những em nhỏ cùng giọng trầm ấm của người thầy giáo đang hăng say giảng bài.

Thầy giáo Hoàng Văn Sáu dừng dạy, niềm nở trò chuyện với khách. Thầy là người phụ trách điểm trường bản Đoòng và cũng đã 17 năm gắn bó với công tác dạy học, với lớp học giữa sâu hút đại ngàn này. Kỷ niệm những ngày đầu chân ướt, chân ráo vào bản vẫn luôn hiển hiện trong tâm trí của thầy Hoàng Văn Sáu: “Tôi nhận nhiệm vụ đến với bản Đoòng để xây dựng điểm trường, dạy học cho các em, lúc đó chỉ có một tấm bạt làm lán, học sinh thì ngồi đất, thầy cứ khom lưng đứng dạy học sinh như vậy, đến khi cùng dân bản dựng được một phòng học tạm thì lại bị lũ cuốn trôi mất, sau đó dựng lại ngôi nhà lợp tôn này”.

Điểm trường bản Đoòng hiện có 10 học sinh theo học ở khối lớp 3, 5 và 7. Là một bản làng heo hút, hoang vu bao quanh là những cánh rừng nguyên sinh, điều kiện học tập của các em vì thế mà thiếu trăm bề. Với tình yêu với học trò, với nghề, những người thầy cắm bản như thầy Sáu luôn nhận được sự tin yêu của các em học sinh cũng như bà con nơi đây. Sáng, chiều lên lớp, đêm về với những chiếc đèn pin, ngọn nến lập lòe, thầy lại bận rộn bên trang giáo án. “Nhờ thầy mà các cháu ở bản biết được cái chữ, có được cái chữ rồi mới có hiểu biết nhiều để xây dựng bản, mai sau còn học hỏi để làm ăn, không phải vất vả nữa, dân bản biết ơn nhiều lắm”, trưởng bản Nguyễn Sỹ Trắc chia sẻ.

4/ Không điện, không đường, không sóng điện thoại... và rất nhiều cái không ở bản Đoòng hun hút này. Người bản hiếm khi về xuôi vì đường đi chông chênh đá. Bà Hồ Thị Hòa cho biết, trong bản có ai đau nặng thì mới cáng ra đường để đi trạm y tế, còn ốm nhẹ thì dùng lá rừng là khỏi.

Mùa giáp hạt, dân bản thiếu đói. Gạo cứu trợ lên đến trung tâm xã Tân Trạch, cán bộ xã phải thuê người gùi vào. Khó khăn, cách trở nên nhiều năm qua, huyện Bố Trạch đã tìm cách di dời bản Đoòng ra khu vực thuận lợi hơn nhưng vẫn chưa thực hiện được. Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch Nguyễn Chí Sỹ giãi bày, dân bản quen với vùng đất và cái nếp sống này rồi nên dù đã nhiều lần thuyết phục, động viên nhưng đồng bào vẫn chưa ưng cái bụng, sự việc kéo dài cho đến bây giờ. Nhưng nếu hỗ trợ bà con định cư tại chỗ thì không được do đây là vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nghiêm cấm việc định cư, sinh sống. Vì vậy nên huyện Bố Trạch đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn giải pháp ổn định đời sống cho bà con bản Đoòng nhưng chưa giải quyết được…

Bản Đoòng là một thí dụ điển hình trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số khi mà những nét văn hóa của họ vẫn còn nguyên vẹn qua nhiều thập kỷ. Trước những mong muốn của dân bản, mong rằng tỉnh Quảng Bình sẽ có phương án hỗ trợ phù hợp, thiết thực để bà con nơi đây yên tâm trong cuộc sống và bảo vệ tài nguyên rừng Di sản.