Ẩm thực dưới lòng đất

Hai lần xuống chợ ẩm thực dưới lòng đất (chợ Asiana Food Town, khu B, Công viên 23 Tháng 9, quận 1, TP Hồ Chí Minh) với tôi đều là buổi trưa. Thế nên, có lẽ tôi cần quay lại đây vào buổi tối để xem sự thể thế nào?

Bạn có thể tìm thấy rất nhiều món ăn ở chợ dưới lòng đất.
Bạn có thể tìm thấy rất nhiều món ăn ở chợ dưới lòng đất.

1/ Nhưng buổi trưa hay buổi tối là cách nghĩ của mình khi đang đi trên đường, khi xuống đến chợ rồi thì ngày hay đêm đều như nhau. “Nếu đến vào buổi trưa thì trước khi vào cửa cầu thang, mình nên nhắm mắt mấy giây, miệng lầm bầm, đây là buổi tối thì sẽ được như vậy”, bạn Nguyễn Thị Huệ, du học sinh Canada rủ chúng tôi đi ăn lần đầu, hài hước mách nhỏ như vậy. Kỳ thật, chúng tôi không muốn xuống sâu dưới lòng đất này ăn, cảm giác vướng vướng khó tả, nhưng vì bạn Huệ lôi kéo nhiệt tình quá.

“Chúng ta phải ăn trên mặt đất hoặc ăn trên bầu trời như con chim ấy”, bạn Lương Thị Ngọc đi cùng nói. Cắt nghĩa về việc ăn trên trời, Ngọc cho hay: “Đó là ăn trên máy bay, ăn trên chín tầng mây”. Bây giờ, bước xuống lòng đất thì sao? Nào, chúng ta cùng tìm thức ăn nhé. Tất cả các gian hàng ẩm thực đều riêng nhưng bàn ghế thì chung, người dọn chén đĩa cũng chung luôn. Theo đó, bạn đi với nhóm người thân bạn bè vào chợ ẩm thực, mỗi người gọi một món của mỗi quốc gia khác nhau, bàn ăn của bạn sẽ thành “Liên hợp quốc”.

Đã đôi lần ăn “âm phủ”, như nhà hàng tầng hầm Vincom, Food Center, nhưng đến Asiana thì thấy khác. Asiana Food Town vừa mang dáng vẻ ẩm thực đường phố cũng là chợ quà vặt. Hệ thống xử lý không khí trong sạch khiến bạn không lo mùi thức ăn của mình sẽ bị mùi thức ăn khác xâm lấn. Cũng không lo mùi thức ăn hay đồ nướng bay vào người, ám khói quần áo. Thực tế, bước chân vào chợ nhẹ nhàng hết sức, không gian sạch sẽ dễ chịu hơn trên mặt đất rất nhiều.

Một vài người bạn ở Hà Nội vào thành phố chơi và chúng tôi đề cập chuyện xuống lòng đất ăn trưa? Các bạn có nhiều câu hỏi đặt ra là nó có ngon không? Một “cái chợ” với nhiều món ăn thì không “sắc nét” như đồ ăn bên đường? Bạn Nguyễn Thị Liễu ở Huế thì cho rằng đó là món ăn hội chợ, nhạt nhẽo, chỉ dành cho lớp trẻ mới lớn.

Tất nhiên đó là những nghi hoặc về cái mới, những đánh giá về một sản phẩm ăn uống vừa du nhập. Nhưng nếu xuống “chợ ẩm thực lòng đất” sẽ thấy không chỉ có khách hàng trẻ, mà có cả nhóm, gia đình, rồi những người đã ngoài 50 tuổi xuống ăn. Chị Lê Thị Liên, quận 10 cho biết: “Thấy mới thì đến thưởng thức. Cứ tưởng mình xì-tin nhưng đến thì thấy có nhiều người già rồi cũng tâm lý như mình. Ăn cho biết chợ, biết hàng. Khá dễ chịu vì món gì cũng có, không gian mát mẻ”.

2/ Chín giờ sáng, trên chuyến xe buýt từ Suối Tiên về Bến Thành. Bà Tú Vân cho hay, bà luôn đi vào giờ này vì “tôi là đầu bếp ở hàng bánh khọt trong chợ. 10 giờ thì chợ mới mở cửa và từ 11 giờ trở đi mới có khách hàng vào chợ. Ngày nghỉ, lễ thì khách hàng vào sớm hơn khoảng nửa giờ”. Những hàng ăn uống trong chợ ẩm thực lòng đất không cần đến nhiều người làm. Nhân công thu dọn chén đĩa, lau bàn, quét nền nhà do bên quản lý chợ lo. Hàng ăn chỉ lo tập trung vào món ăn ngon. Theo đó hàng ăn tồn tại tốt phải có đầu bếp tốt. Chị Lý Thị Miện nấu cơm tấm trong chợ cho hay: “Sang bên Philippines tôi cũng làm đầu bếp thế này. Bên đó tôi nhận 25 triệu đồng/tháng. Bên này tôi nhận có 15 triệu thôi”.

Chợ ẩm thực dưới lòng đất là nơi kinh doanh món ăn của vùng miền và quốc gia khác nhau. Vào Asiana ngoài thưởng thức đồ ăn trong chợ vẫn có thể vào không gian đọc của Phương Nam, cà-phê, mua sắm và có cả xổ số mega nữa… Không nói về món ăn nước ngoài, mà chỉ nói về món ăn Việt Nam thì thấy có nhiều điểm cần phải làm lại phiên bản cho chuyện kinh doanh. Bánh xèo là hàng ăn mà khách phải chờ lâu nhất so các hàng ăn khác. Nhưng đợi lâu thì không vui: “Bốn chúng tôi vào chợ, ba người gọi ba món khác thì họ đã có, đã ăn xong từ lâu. Món bánh xèo của tôi vẫn chờ đợi, chán quá”, Huỳnh Thị Hồng Thu cho biết.

Cuối tháng tư, chúng tôi vào chợ, thấy hàng ăn uống phủ kín các gian hàng. Hiện tại có hai ki-ốt đã trả lại mặt bằng là hàng bánh mì tươi (BREADY) và cửa hàng bán chè nước ngoài. Ông Phan Văn Tâm, quản lý khu ẩm thực Asiana, cho biết: “Giá thuê ki-ốt là 15 triệu đồng/m2 mỗi tháng. Người thuê còn phải đặt cọc ba tháng”. Đây là cái giá thuê không rẻ chút nào, nhưng với nhiều chủ hàng ăn thì lại thấy có cái lợi, không lo ngó xe cho khách, không mắt trước mắt sau nháo nhác nhìn, không lo người dọn dẹp, lau bàn ăn và với số vốn mềm hơn để khởi nghiệp hàng ăn.