Hương vị núi rừng

Đến Kon Tum trong chuyến công tác ngắn ngày, không phải mùa hoa cà-phê trắng ngần tháng 3, hay mùa hoa dã quỳ vàng rực tháng 11, tôi tranh thủ tham quan những công trình kiến trúc nổi tiếng trong thành phố. Và tuyệt nhất là kịp thưởng thức vài đặc sản của Tây Nguyên, trong đó có món gỏi lá đậm đà, độc đáo.

Hương vị núi rừng

Đường Trần Cao Vân được mệnh danh là phố gỏi lá của TP Kon Tum, nơi có rất nhiều quán ăn để lựa chọn. Người Kon Tum ăn gỏi lá quanh năm. Nhưng vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm), khi nước sông Đắk Bla ngầu đỏ phù sa và những rẫy cà-phê cũng bừng lên xanh thẫm, đó là lúc nguyên liệu làm món gỏi lá phong phú nhất. Một đồng nghiệp ở Kon Tum bảo món gỏi lá thường có khoảng 40 - 50 loại lá, có khi lên tới con số 60 nếu may mắn tìm được thêm vài loại trên rừng chỉ có theo mùa. Lá từ các loại cây trồng quen thuộc, dễ kiếm thì có rau răm, lá lốt, mã đề, hành, diếp cá, cải, mơ, khổ qua (mướp đắng), me đất, đinh lăng, tía tô, sung, ổi, bồ quân… cho đến các loại lá nghe tên lạ lẫm như ngũ gia bì, lá trâm, bứa rừng, sâm lá, chùm bao, ngành ngạch, lá mật gấu, lá đại từ bi… 

Không chỉ vậy, gỏi lá còn bao gồm các món ăn kèm như thịt ba chỉ thái mỏng, tôm đất rang, bì heo (da lợn) thái sợi trộn với riềng giã mịn và gia vị... Thêm đĩa tiêu nguyên hạt, muối hạt và ớt chỉ thiên, loại ớt xanh có mùi thơm đặc trưng của vùng đất đỏ bazan. Nước chấm được đặc chế từ hèm rượu, mới nhìn qua như cháo đặc, có mầu vàng nghệ, rất ngậy và bùi. Từ những nguyên liệu trên, thực khách chọn loại lá có bản to, dày, cuộn xoay tròn thành hình như chiếc phễu nhỏ, rồi tùy ý bỏ các loại lá khác vào, thêm thịt, thêm tôm, tiêu ớt… Sau cùng là dùng thìa múc nước chấm đổ đầy “phễu”. Xong xuôi, hãy cắn một miếng lớn, nhai đều, để cảm nhận sự hòa quyện của các hương vị chua, ngọt, đắng, mát, chát, the, thơm, cay, nồng, béo… Mỗi lần cuốn lại là những loại lá khác nhau, tạo nên những hương vị khác nhau, nên đã có người gọi gỏi lá là món ăn “có một không hai”.

Không rõ gỏi lá có từ bao giờ, nhưng tôi cảm nhận được hương vị đặc trưng mà vẫn hài hòa, không hề khó ăn, ăn nhiều không ngán. Hẳn là nhờ kinh nghiệm đúc kết lâu năm từ những người con của núi rừng mà chọn lọc, chế biến thành.