Dấu xưa làng Gò Cỏ

Nép mình bên những gành đá hoang sơ, làng biển Gò Cỏ được du khách tìm kiếm bởi nơi này hội tụ được vẻ đẹp đặc trưng nhất của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, nơi hòa quyện giữa thiên nhiên hoang sơ, bản sắc văn hóa độc đáo với dấu tích văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa…

Du khách tham quan giếng cổ. Ảnh: DIỄM KIỀU
Du khách tham quan giếng cổ. Ảnh: DIỄM KIỀU

Từ ga Sa Huỳnh, băng qua đầm Nước Mặn, con đường hướng ra phía biển chưa đầy 10 km đã tới làng Gò Cỏ, ngôi làng cổ thuộc phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi). Nếu như cách không xa là bãi biển Sa Huỳnh với dải cát vàng thơ mộng trải dài thì Gò Cỏ lại biệt lập trong thung lũng được bao bọc chung quanh là những lớp đá granite có tuổi đời cả triệu năm, lưng tựa núi và mặt hướng ra đón sóng biển rì rầm đêm ngày.

Người làng Gò Cỏ giữ cuộc sống đặc trưng miền biển với nông nghiệp và ngư nghiệp là hai nghề chính. Từ năm 2019, người dân làng Gò Cỏ đã tập hợp nhau để xây dựng một hợp tác xã du lịch cộng đồng, phát triển thương hiệu của quê hương là Công viên di sản Gò Cỏ. Hợp tác xã đưa ra những tiêu chí tuyển chọn kỹ càng, trong đó, những thành viên của tổ dịch vụ phải sinh sống ở đây ít nhất từ ba đời trở lên, đủ gắn bó và hiểu vẻ đẹp của mảnh đất cha ông mình rồi mới có thể chuyển tải đầy đủ tới du khách. 

Chính vì vậy, dù là một ngôi làng nhỏ với diện tích tự nhiên chỉ khoảng 105 ha nhưng lại có rất nhiều trải nghiệm chân thực nhất, gắn với cuộc sống thường nhật được giới thiệu cho mọi người. Những ngư dân có thể chèo thuyền nan đưa khách đón bình minh, ngắm làng Gò Cỏ từ biển, tới hầm đá hay tới những triền cát vàng hoang sơ. 

Ở Gò Cỏ, đá là một phần cuộc sống và ký ức của dân làng. Những gành biển cao là điểm khởi đầu cho một hành trình khám phá lịch sử kế thừa từ văn hóa Sa Huỳnh. Trong làng, dấu ấn của người Chăm Pa còn lưu lại là những công trình đường làng, bờ ruộng, hàng rào, giếng cổ… bằng đá được xếp hoàn toàn thủ công còn được sử dụng tới ngày nay. 

Nét duyên ở làng Gò Cỏ là các chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” do bà con trong làng biểu diễn. Những điệu hát bài chòi, hát hố… gần gũi, mộc mạc chính là sợi dây gắn kết vùng đất Gò Cỏ với du khách.