Thận trọng để Hà Nội an toàn

Sau hơn hai tháng giãn cách xã hội, đường phố Thủ đô bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Sự phấn chấn, vui mừng vì được giải phóng sau những ngày gò bó hiện rõ trên khuôn mặt của người dân. Dẫu vậy, thời điểm này vẫn không được chủ quan bởi khả năng bùng phát dịch còn tiềm ẩn.

Hà Nội phong tỏa tạm thời phố Phủ Doãn sau khi phát hiện ca nhiễm mới.
Hà Nội phong tỏa tạm thời phố Phủ Doãn sau khi phát hiện ca nhiễm mới.

1/ TP Hà Nội đã nới lỏng giãn cách xã hội, thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông ngoài đường phố khá tấp nập. Nhiều hàng quán ăn được phép hoạt động (dù chỉ bán mang đi) nhưng đông người đứng xếp hàng chờ mua. Sự vận động tự nhiên của xã hội đã mang lại luồng sinh khí mới sau những ngày đóng băng căng thẳng là điều có thể nhận thấy. 

Nhịp sống đời thường trở lại, mang theo những dấu hiệu hồi phục tích cực trong những tháng cuối năm rất rõ ràng. Nhiều người hân hoan nghĩ về những điều tích cực sắp đến khi thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh. Vậy nhưng, những ngày gần đây, Hà Nội lại ghi nhận liên tiếp thêm nhiều trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Một trong số đó liên quan trực tiếp tới cơ sở y tế là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Như vậy nghĩa là khả năng nguồn lây từ cộng đồng vẫn hiện hữu và nguy cơ bùng dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thực tế, những khu vực như bệnh viện, nhà máy… hoặc liên quan việc giao hàng thường có nguy cơ bùng dịch cao do hoạt động tiếp xúc nhiều, lịch trình đi lại phức tạp, vì thế việc phòng, chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại những khu vực này cần được quan tâm chặt chẽ. 

Sau khi phát hiện trường hợp dương tính virus SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thành phố đã điều tra dịch tễ để đưa ra đánh giá cụ thể. Tuy nhiên, việc một bệnh viện ghi nhận ca nhiễm Covid-19 sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ khá phức tạp. Bởi lẽ, việc người dân từ nhiều địa phương tới khám và điều trị tại bệnh viện có sự tiếp xúc giữa các tỉnh, thành phố khác nhau sẽ mang đến những mối nguy hiểm khác nhau. Trong khi đó, các trường hợp đang điều trị tại đây nếu không may cùng lúc mắc hai bệnh thì việc điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc mới trong những ngày qua không nhiều, thậm chí thành phố đã có những ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng. Nhìn xa hơn về số liệu những ngày cuối tháng 8, có thể thấy dịch bệnh tại Hà Nội đã giảm đều trong một tháng qua. Đây là dấu hiệu đáng mừng nhưng cũng không nên vì thế mà chủ quan quá sớm. Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, việc xuất hiện các ca mắc mới trong cộng đồng là điều đã được dự báo từ trước, sau khi phát hiện được các trường hợp nhiễm trong cộng đồng, Hà Nội đã đẩy mạnh truy vết và khoanh vùng. Thành phố đã cơ bản kiểm soát được nhưng nguy cơ lây nhiễm vẫn tiềm ẩn nên người dân không được lơ là, chủ quan.

2/ Hiện nay, việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là biện pháp quan trọng nhất để tạo miễn dịch cộng đồng, giúp các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng nhẹ không cần nhập viện. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ tử vong do mắc Covid-19 sẽ giảm. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine chỉ là một trong số biện pháp chứ chưa thể bảo đảm phòng ngừa một cách triệt để cho người dân trước nguy cơ nhiễm bệnh. Những người dù đã tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19 vẫn có thể bị nhiễm và làm lây nhiễm virus cho người khác. Do đó, người dân vẫn phải cẩn trọng, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng tránh lây nhiễm khi giao tiếp.

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhận định, thời gian qua, thành phố đã có những ngày không phát hiện ca nhiễm mới, đây là những tín hiệu tích cực khởi đầu cho giai đoạn phục hồi của thành phố. Tuy nhiên, còn quá sớm để nói đã đạt được trạng thái an toàn. Việc xác định, xét nghiệm sàng lọc người nghi nhiễm virus với các triệu chứng ho, sốt là một biện pháp quan trọng để phát hiện các ca F0, nhưng thời gian gần đây số lượng người khai báo ho, sốt giảm đi đáng kể. Điều này có thể khiến việc truy tìm ca bệnh chỉ điểm trở nên khó khăn hơn. Nguy hiểm hơn, đây có thể là số liệu ảo khi ca chỉ điểm vẫn còn ngoài cộng đồng. Vì thế, dù thành phố nới lỏng nhưng nhiệm vụ chống dịch vẫn cần được ưu tiên như công tác xét nghiệm, tuân thủ nguyên tắc 5K. 

Thành phố vẫn áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, yêu cầu người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết. Tuy nhiên, thực tế ngoài đường thì không như vậy, bởi sau nhiều ngày dồn nén, nhiều người có tâm lý giải tỏa, muốn bung cảm xúc bằng nhiều cách khác nhau. Vì thế, các biện pháp cưỡng chế trước đây đã được sử dụng linh hoạt và thay bằng khuyến cáo, nhắc nhở. Dẫu vậy, người dân cũng cần tự ý thức để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, đồng thời giữ vững thành quả chống dịch của Thủ đô trong thời gian qua.

Nhận định về giai đoạn sắp tới, có nhiều ý kiến cho rằng nhiệm vụ của Hà Nội khá nặng nề vì vừa phải tập trung phục hồi, phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm, vừa phải giữ vững thành quả chống dịch.