Phát triển không gian công cộng

Tại Hà Nội, không gian công cộng, nơi vui chơi, giải trí trong các đô thị, khu dân cư đang ngày càng bị thu hẹp. Do đó, việc di dời các cơ sở sản xuất không còn phù hợp trong nội đô để dành đất phục vụ cộng đồng có ý nghĩa rất lớn nhằm tạo dựng không gian sống cho người dân.

Rất cần không gian công cộng tại các khu đô thị. Ảnh: NGUYỆT ANH
Rất cần không gian công cộng tại các khu đô thị. Ảnh: NGUYỆT ANH

Nhu cầu ngày càng tăng

Lâu nay, nhu cầu thụ hưởng những tiện ích công cộng hiện đại, đa năng, quảng trường lớn, không gian mở như công viên, vườn hoa, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng kỹ thuật xã hội, dịch vụ đô thị… luôn là niềm mong mỏi của người dân Thủ đô. Nhưng vì nguồn lợi kinh tế từ đất đai rất lớn nên nhiều khi người ta quên đi những lợi ích phục vụ cộng đồng để tập trung khai thác lợi nhuận là chính. 

Theo thống kê, diện tích không gian công cộng hiện nay của người Hà Nội rất hạn chế, tổng không gian công cộng bình quân đầu người chỉ 3 m²/người. Đặc biệt, khu vực quận Hoàn Kiếm chỉ 30 cm²/người. Trong khi đó, tiêu chuẩn thấp nhất mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra phải là 9 m²/người. Nhìn vào những con số này, Hà Nội còn một khoảng cách rất xa mới đạt chuẩn về không gian công cộng so các thành phố trên thế giới.

PGS, TS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Kiến trúc quốc gia (Trường ĐH Xây dựng) chỉ ra rằng, không gian công cộng phải có khả năng tiếp cận dễ dàng, thật sự phục vụ đời sống hằng ngày của con người đang rất thiếu. Bà Loan lấy thí dụ: cả quận Thanh Xuân có diện tích gần 10 km², dân số gần 300 nghìn người, nhưng lại không có công viên cho người dân, đây là điều bất hợp lý.

Vậy làm thế nào để tăng quỹ không gian xanh cho Hà Nội trong khi không thể có thêm diện tích tại nội đô? Làm sao để người dân có cơ hội dễ dàng được tiếp cận không gian cộng cộng? Theo bà Loan, đối với công viên, mặt nước, cây xanh sẵn có, Hà Nội cần phát huy, nâng cao khả năng phục vụ, lồng ghép các mục tiêu. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần sử dụng quỹ đất chuyển đổi từ những khu đất không sử dụng, ưu tiên cho cây xanh, mặt nước và không gian công cộng để nâng cao chất lượng cuộc sống về mặt thể chất cũng như tinh thần của cộng đồng.

Tìm kiếm giải pháp hiệu quả

Theo kết quả khảo sát thực địa của Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) tại 39 nhà máy thuộc diện di dời của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội ở hai quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân, hiện mới có 21 trong số 39 nhà máy đã di dời và chuyển đổi mục đích sử dụng. Đáng chú ý, trong số 21 nhà máy đã di dời khỏi khu vực nội thành Hà Nội có 19 nhà máy được chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây chung cư hoặc biệt thự liền kề. Chỉ có hai nhà máy được thay thế bằng mục đích sử dụng khác như đường trên cao và đại học tư nhân.

Thực tế trên cho thấy, việc sử dụng đất đai được thu hồi sau khi di dời các nhà máy vào mục đích phát triển không gian công cộng cho người dân còn rất hạn chế, đồng thời chưa phù hợp chủ trương ưu tiên sử dụng quỹ đất này để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị, không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành...

Hiện nay, khi nhà cao tầng liên tiếp mọc lên, thành phố đang phải đối mặt sự ngột ngạt, khó chịu từ khói bụi, ô nhiễm môi trường, người dân thì lúng túng và bất lực với cơ hội tiếp cận không gian công cộng. Chưa kể, việc di dời các nhà máy đi đâu cũng là vấn đề khá nan giải, khi nhiều vùng nông thôn cũng đang trong quá trình đô thị hóa rất mạnh.

Theo ông Lê Thanh Ý, Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam, vấn đề di dời các nhà máy khỏi khu vực nội đô để đưa về những vùng nông thôn sẽ chỉ giải quyết “bức xúc ở chỗ này thì đưa đi chỗ khác”, vậy còn tại những nơi tiếp nhận sẽ phải chịu hậu quả gì? Bởi, vốn dĩ các vùng ven đô, nông thôn rất thông thoáng, không khí trong lành, các dòng sông quê trước đây người dân có thể thoải mái bơi lội, nhưng hiện tại đã có những dòng sông biến thành “dòng sông chết” vì ô nhiễm, xả thải. 

Như vậy, chủ trương di dời các nhà máy trong khu vực nội đô ra ngoại thành là vấn đề được nhiều người quan tâm. Thế nhưng, khi đưa các nhà máy về nông thôn lại khiến những nơi này ô nhiễm, hủy hoại môi trường sống thì lúc đó các nhà máy sẽ đi đâu? Do đó, nếu không giải quyết được đồng bộ, toàn diện vấn đề thì sẽ chỉ đạt được cái lợi ở nơi đi mà bỏ quên vấn đề ở nơi đến. Bài toán như vậy sẽ luẩn quẩn không lời giải.

Vậy đâu là giải pháp cho việc mở rộng không gian công cộng để Thủ đô trở nên đáng sống hơn? Các chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, giải pháp không phải không có mà là vấn đề sẽ được thực hiện như thế nào. Bởi, mấu chốt của việc di dời các nhà máy vẫn là phải bảo đảm lợi ích hài hòa cho tất cả mọi người, chứ không nên gỡ nút thắt tại điểm này nhưng lại thắt ở điểm khác.