Phân cấp để quản lý đô thị hiệu quả

Thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan nhà nước đã đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước đối với chính quyền địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị. Qua đó đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của Thủ đô, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, khuyến khích sự năng động, sáng tạo của các đơn vị, địa phương.

Vỉa hè thường xuyên bị chiếm dụng nên cần có sự phân cấp quản lý rõ ràng.
Vỉa hè thường xuyên bị chiếm dụng nên cần có sự phân cấp quản lý rõ ràng.

1/Ngày 6/9/2021, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Việc phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp trong bộ máy chính quyền địa phương, vừa tăng cường quyền hạn, trách nhiệm và tính tích cực, chủ động cho cơ sở, vừa bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt của chính quyền thành phố.

Việc phân cấp, phân quyền thể hiện rõ nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại nhiều địa phương, việc chủ động triển khai nhiều biện pháp chống dịch mạnh mẽ, phù hợp tình hình thực tiễn đã mang lại những dấu hiệu tích cực. Trong đó, việc đầu tư mua sắm vật tư phòng, chống dịch; đầu tư cho trạm y tế lưu động, triển khai tiêm chủng diện rộng cho nhiều đối tượng thuộc mọi tầng lớp nhân dân… đã được thực hiện linh hoạt hơn rất nhiều. Bước vào giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, UBND TP Hà Nội cũng giao các địa phương chủ động đánh giá cấp độ dịch tại xã, phường, thị trấn dựa trên cơ sở quy định của Chính phủ, Bộ Y tế để kịp thời điều chỉnh, bổ sung biện pháp hành chính phù hợp. Việc phân quyền cho các địa phương trong đánh giá cấp độ dịch, áp dụng biện pháp hành chính là phù hợp tình hình mỗi địa bàn, từ đó mang lại hiệu quả trong thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Một thí dụ khác về phân cấp quản lý đó là việc Hà Nội đồng ý cho phép thí điểm sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh cà-phê, nước giải khát, đồ ăn nhanh phục vụ du khách. Dù rằng, sau khi được chấp thuận, đã có nhiều ý kiến khác nhau chung quanh vấn đề này. Tuy nhiên, vỉa hè là nơi thường xuyên bị người dân, những người kinh doanh lấn chiếm cho thuê để xe, bán hàng rong, bày biện đồ kinh doanh, gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường… Vì thế, việc tổ chức, quản lý lại không gian trên vỉa hè là rất cần thiết, bởi dù muốn hay không thì kinh tế vỉa hè vẫn diễn ra, người kinh doanh vẫn mất chi phí, nhưng nguồn thu vào ngân sách thì Nhà nước lại không kiểm soát được. Thực tế, trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều nơi mà người dân vi phạm. Tuy nhiên, việc giải quyết chỉ như “cóc bỏ đĩa”. Chưa kể nhiều khi thủ tục lằng nhằng, rồi thời gian chờ đợi phân công nhiệm vụ, cử người giải quyết rất lâu và thiếu hiệu quả. Do đó, cần có sự phân cấp quản lý khu vực, vỉa hè cho các quận để quận chủ động việc giám sát hoạt động kinh doanh vỉa hè, đồng thời giúp các cấp Trung ương thực hiện tầm quản lý vĩ mô.

2/Trong những năm qua, việc phân cấp quản lý tổ chức đã giúp bộ máy nhà nước ở nhiều địa phương tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đặc biệt, vai trò của thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, chủ tịch UBND quận, huyện trong công tác quản lý tổ chức bộ máy, công chức, viên chức, công tác cán bộ đơn vị trực thuộc đã cải thiện rất nhiều. Trong lĩnh vực quản lý đô thị, việc tăng cường phân cấp đối với các nội dung xây dựng đô thị, môi trường đô thị vừa bảo đảm tính chủ động với điều kiện của quận, huyện, vừa bảo đảm tính thống nhất trong quản lý. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phân cấp, ủy quyền tại một số nơi chưa triệt để, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, nhất là lĩnh vực đầu tư công. 

Để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đã giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án. Cùng với đó, tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý đô thị, vệ sinh môi trường; thực hiện tốt việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng đô thị; làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử, văn hóa khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, khu phố cổ, khu phố cũ; phát triển toàn diện văn hóa - xã hội… Thành phố sẽ xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức liên quan nếu tỷ lệ giải ngân không đạt tối thiểu 90%. 

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng phải phân cấp, giao quyền, giao trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương, để xảy ra tình trạng sai phạm trong quy hoạch xây dựng, thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; chuyển đổi đất trồng lúa, đất rừng; tách dự án giải phóng mặt bằng khỏi các dự án khác… Theo ông, những vấn đề bất cập tồn tại cũ về quy hoạch trật tự đô thị, thành phố sẽ xử lý từng bước, nhưng để bất cập mới phát sinh thì có trách nhiệm của tập thể, cá nhân, từng cơ quan, đơn vị trên địa bàn.