Những bóng người trong đêm

Mấy ngày nay, thời tiết trở lạnh, đặc biệt là về đêm và gần sáng. Thế nhưng, khi nhà nhà, người người chuẩn bị say giấc ngủ sau một ngày làm việc mệt nhọc thì đâu đó, cuộc hành trình mưu sinh của những người lao động nghèo mới bắt đầu.

Mưu sinh trong đêm. Ảnh: HẢI NAM
Mưu sinh trong đêm. Ảnh: HẢI NAM

Muôn nỗi gian truân

Những ngày qua, những đợt không khí lạnh tăng cường ở Hà Nội khiến nhiệt độ ban đêm có lúc xuống 10oC. Với tình trạng rét buốt như vậy, nếu không có việc gì cần thiết, chẳng ai muốn ra khỏi nhà. Lạnh là một nhẽ, mấy bữa nay còn kèm thêm mưa phùn nên những ai phải làm việc ngoài trời sẽ cảm nhận rõ cái lạnh buốt da thịt. 

Trời giá lạnh là vậy, nhưng đâu đó dưới những hiên nhà ở một con phố nhỏ, vẫn có người nằm vạ vật ở đấy. Họ là những người lang thang không chốn dung thân, không nơi nương tựa, không nhà cửa, không người thân. Ban ngày họ mưu sinh trong phố. Một người trong số ấy cho biết, lạnh lắm, ngồi đây lấy chỗ nghỉ chân thôi chứ không thể ngủ được. Thỉnh thoảng có nhóm từ thiện đi qua, họ cho cái bánh, chai nước, như vậy cũng tạm qua cơn đói trong đêm.

23 giờ, dọc đường Giải Phóng lác đác mấy xe đẩy bán bánh mì, ngô luộc, khoai nướng nghi ngút khói. “Lạnh cỡ nào cũng phải cố, nếu không thì lấy gì bỏ miệng. Cả năm dịch bệnh đủ nhọc rồi, giờ cuối năm chịu khó vất vả thêm một chút để gia đình có nồi bánh chưng”, chị Hương, bán khoai nướng trên đường Giải Phóng cho biết. Cuộc sống khó khăn, hai trong ba người con lại đang tuổi ăn học nên dù vất vả đến đâu chị cũng cố gắng đi bán để kiếm đồng ra, đồng vào. “Mấy hôm nay thời tiết lạnh, mặc nhiều áo ấm mà vẫn không ăn thua. Nếu không đốt thêm đống lửa chắc không chịu được mất”, chị xuýt xoa.

Là công nhân vệ sinh môi trường trên khu vực đường Lê Duẩn (Đống Đa, Hà Nội), gần 12 giờ đêm, mặc cái lạnh đang ngấm dần vào da thịt, chị Nguyễn Thị Liên vẫn cần mẫn quét, hót những đống rác ven đường cho lên xe. Chị Liên cho hay, mỗi ngày công việc của chị kết thúc lúc 6 giờ sáng. Công nhân vệ sinh môi trường ngày càng ít, trong khi lượng rác càng nhiều khiến khối lượng công việc bây giờ gấp bốn lần so ngày trước. “Trời đã rét rồi, nếu hôm nào kèm thêm mưa lại càng buốt hơn, nhưng đã là công việc thì phải chấp nhận và cố gắng thôi”.

Hy vọng tương lai

Đêm về khuya, trời càng lạnh, đường phố vắng hoe nhưng không khí tại chợ đầu mối rau quả Long Biên (quận Hoàn Kiếm) lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Giữa đêm, những người lao động nghèo cứ vậy lầm lũi mưu sinh. Tùy vào sức khỏe cũng như công việc, có người làm từ chiều đến đêm. Có người thì làm đến tận sáng mới nghỉ. Lại có những người về ngả lưng một chút “qua loa”, rồi ban ngày làm thêm những việc khác. Chị Hồng, quê ở Thường Tín, cùng chồng rời quê lên thành phố gần 10 năm nay. Anh chị thuê phòng trọ giá rẻ ngoài ven đê rồi chạy chợ nuôi con ăn học. Hằng ngày, chị cùng chồng lặn lội đến tận nhà vườn mua rau, 3 giờ sáng lại mang hàng ra chợ nên gần như đêm nào cũng thức trắng. Vất vả là vậy nhưng bù lại hai đứa con của anh chị rất chịu khó học hành, năm nào cũng nhận giấy khen học sinh giỏi. “Đó chính là động lực giúp chúng tôi như có thêm sức mạnh để cố gắng mỗi ngày”, chị nói.

Vật lộn với công việc trong đêm đông giá lạnh, cách duy nhất để họ chống chọi lại cái rét đang bủa vây là mặc thật nhiều áo, bên ngoài mặc quần áo mưa để giữ nhiệt, hoặc đốt một đống lửa to sưởi ấm. Chủ một quán nước dưới gầm cầu Long Biên chia sẻ, không ai muốn vất vả trong thời tiết như này cả. Nhưng ngơi tay là “treo” miệng, nên ngày nóng hay ngày lạnh thì cũng cứ phải ra đây ngồi. Hết khách thì về chứ còn khách là còn bán, mà ở đây thì chẳng bao giờ hết khách. Bán hàng ở đây, vừa nướng ngô, vừa tâm sự chuyện có khi còn thấy khỏe hơn nằm nhà. Ngoài trang trải cuộc sống, đây cũng là động lực, niềm vui để tôi ra đây mỗi ngày.

Trời chuyển dần về sáng. Gió ngoài bãi sông Hồng vẫn thổi vào từng cơn buốt lạnh. Tiếng động cơ xe máy, ô-tô ngày càng náo nhiệt của những thương lái vận chuyển hàng hóa từ khắp nơi đổ về chợ sớm. Dẫu vất vả mưu sinh nhưng thẳm sâu trong họ vẫn có chút niềm vui, hạnh phúc. Bởi bên cạnh gánh nặng cơm áo gạo tiền là niềm hy vọng về cuộc sống tốt đẹp của ngày mai từ những người miệt mài gồng gánh trong đêm.