Nhức nhối biển quảng cáo

Những tấm biển quảng cáo “siêu to, khổng lồ, lạ mắt” vượt kích thước cho phép đang khiến diện mạo TP Hà Nội lộn xộn, thiếu mỹ quan đô thị. Đáng nói, đây là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay, nhưng dường như cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Nhiều biển quảng cáo vượt quá kích thước vẫn hiện hữu trên phố.
Nhiều biển quảng cáo vượt quá kích thước vẫn hiện hữu trên phố.

Đa dạng kiểu mẫu

Luật Quảng cáo năm 2012 quy định rất rõ về kích cỡ các loại biển hiệu quảng cáo ngoài trời: Đối với biển hiệu ngang, chiều cao tối đa là 2 m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà; đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 1 m, chiều cao tối đa là 4 m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu; biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, không được ảnh hưởng công tác cứu hộ cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy, không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng giao thông công cộng… Quy định là vậy, nhưng thực tế có không ít biển hiệu quảng cáo sai kích cỡ cho phép nhiều lần, chiếm trọn không gian phía trước tòa nhà. Để thu hút sự chú ý, hầu hết các biển quảng cáo này đều được thiết kế khổ lớn, khung sắt cồng kềnh, nhiều biển còn được trang bị hệ thống đèn led, đèn chiếu sáng rất bắt mắt. 

Quảng cáo ngoài trời là biện pháp hữu hiệu nhằm mang lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp, chỉ có điều nhiều biển hiệu, bảng quảng cáo lại treo lộn xộn khắp nơi với đủ kiểu dáng, mầu sắc. Những biển quảng cáo này được đặt rất tùy tiện, kích thước không theo một quy chuẩn nào, trong đó nhiều panô bị bỏ trống chỉ còn trơ lại khung sắt hoen gỉ qua thời gian. Ngoài ra, hoạt động quảng cáo không có giấy phép vẫn diễn ra công khai, nhiều quảng cáo sai nội dung, kích thước hoặc quá thời hạn cho phép song vẫn ngang nhiên hiện hữu trên đường phố. 

Không chỉ chềnh ềnh trước các ngôi nhà mặt phố ở vùng trung tâm, biển quảng cáo cỡ lớn còn đang có xu hướng mở rộng ra các khu đô thị mới và tuyến phố mới. Đặc biệt, đi kèm hệ thống đèn cao áp, tia la-de chớp nhoáng, một số cửa hàng còn phát quảng cáo bằng loa tăng âm công suất lớn, khiến người dân sống chung quanh luôn bị “bội thực” bởi các loại âm thanh hỗn tạp. Tại một số khu vực như ngã 6 Xã Đàn, ngã tư Vọng, ngã tư Sở, ngã tư Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch…, đập vào mắt người đi đường là những biển hiệu, biển quảng cáo cỡ lớn chiếm lĩnh, chen chúc nhau với đủ loại kích thước to nhỏ rất lộn xộn. 

Tại những trục đường lớn, có không ít biển, bảng quảng cáo khổng lồ sau khi hết hạn hợp đồng lại nằm trơ khung sắt chênh vênh, gỉ sét, phông bạt rách nát, không có thông tin liên hệ… không chỉ gây mất hình ảnh mỹ quan đô thị, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khó lường dành cho người dân khu vực, cũng như những người tham gia lưu thông trên đường. Đáng nói là, cứ mỗi khi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, một số biển quảng cáo trái phép lại được các chủ doanh nghiệp “phù phép” biến mất sau một đêm. Tình trạng này từng diễn ra nhiều lần trước đây, nhưng sau một thời gian thì đâu lại vào đấy.

Bao giờ chấm dứt?

Nhiều năm qua, tình trạng bảng quảng cáo ngoài trời gây lộn xộn, bát nháo luôn là vấn đề gây nhức nhối dư luận. Thế nhưng, cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý dứt điểm. Vài năm trước, thành phố từng thí điểm thực hiện đồng bộ biển quảng cáo về kích thước, mầu sắc, phông chữ… ở một số tuyến phố kiểu mẫu. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, những tấm biển ấy lại được tháo dỡ để thay thế bằng các tấm biển của chủ cửa hàng. Điều đó cho thấy rằng, các biện pháp xử phạt hành chính, yêu cầu tháo dỡ hoặc cưỡng chế xử lý vi phạm chưa đủ quyết liệt, dù Luật Quảng cáo đã quy định rõ ràng. Chưa kể, việc các doanh nghiệp quảng cáo và chủ cửa hàng cho thuê trưng biển luôn có thỏa thuận ngầm nên việc xử lý chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Hệ quả là hàng loạt biển quảng cáo bắt mắt, rực rỡ sắc mầu vẫn ngang nhiên xuất hiện ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ vị trí nào với tiêu chí là càng dễ nhận diện càng tốt. 

Việc dọn dẹp biển quảng cáo, rác quảng cáo không đúng quy chuẩn, quy định để trả lại không gian, mỹ quan cho đường phố luôn được Hà Nội đặt ra như một nhiệm vụ thường xuyên. Năm 2017, Hà Nội từng lập đoàn kiểm tra liên ngành ra quân xử lý biển bảng quảng cáo vi phạm, đặc biệt là biển bảng quảng cáo quá khổ nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, sự quản lý lỏng lẻo cũng như các chế tài xử phạt chưa đủ mức răn đe, nên tình trạng này vẫn tồn tại nhiều năm qua. Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do công tác quản lý trong hoạt động quảng cáo còn nhiều bất cập, chưa xử lý kiên quyết và ngăn chặn kịp thời các vi phạm mới phát sinh. Công tác cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo chưa được thực hiện theo đúng quy định của Luật Quảng cáo. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự buông lỏng quản lý của chính quyền đã cố tình vi phạm Luật Quảng cáo, cũng như quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời. 

Lâu nay, hoạt động quảng cáo mang lại lợi nhuận rất lớn, do đó, bên cạnh việc trông chờ sự tuân thủ chấp hành đúng quy định của doanh nghiệp, các cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo thì các cơ quan quản lý Nhà nước cần có những biện pháp quyết liệt, mạnh tay hơn để đưa hoạt động này vào khuôn khổ. Do đó, nếu không siết chặt công tác quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm, tình trạng loạn quảng cáo ngoài trời sẽ còn gây nhức nhối.