Nhà tái định cư đang bị bỏ quên

Trong khi nhiều người mong ước có một nơi để an cư lạc nghiệp thì hàng chục tòa nhà tái định cư (TĐC), ký túc xá sinh viên tại Hà Nội lại đang bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng. Thực trạng này không chỉ khiến bộ mặt thành phố nhếch nhác mà còn gây lãng phí lớn về tài nguyên đất và nhà ở.

Khu nhà tái định cư trên đường Tân Mai (quận Hoàng Mai) vẫn đang chờ nghiệm thu.
Khu nhà tái định cư trên đường Tân Mai (quận Hoàng Mai) vẫn đang chờ nghiệm thu.

Đầu tư rồi để đó

Trong những năm qua, Nhà nước luôn có chủ trương xây dựng nhà ở xã hội, nhà TĐC để đáp ứng phần nào nhu cầu nhà ở rất lớn của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, có một thực tế là trên địa bàn thành phố có khá nhiều khu nhà bỏ hoang một cách đáng tiếc. Nguyên nhân thực trạng này thì có nhiều, nhưng một trong những yếu tố quan trọng khiến nhà TĐC ít được đón nhận, đó là phần lớn các khu này khá xa trung tâm, chưa có hạ tầng đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn, thậm chí nơi ở mới không đáp ứng được điều kiện việc làm của cư dân hay con cái học hành.  

Dẫu vậy, cũng có rất nhiều khu nhà có vị trí đẹp, thậm chí là ở khu đất vàng song vẫn chịu chung cảnh hẩm hiu. Có thể kể đến khối nhà chung cư hơn 20 tầng tại phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng) dù đã xong cả chục năm nay nhưng vẫn đang bị bỏ hoang. Tại phố Tân Mai, ba tòa nhà chung cư cao tầng mầu xanh dù đã hoàn thiện ba năm nhưng không có người đến ở. Được biết, đây là ba khối nhà thuộc quỹ nhà TĐC dự án mở rộng đường Tam Trinh và Lĩnh Nam với khoảng 1.000 nhân khẩu. Hiện nay, phần lớn các hạng mục đều đã hoàn thiện nhưng vẫn đang làm thủ tục nghiệm thu. 

Dự án nhà ở sinh viên tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Liệt, Hoàng Mai) khởi công từ năm 2009 với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, dự kiến bố trí chỗ ở cho gần 22.000 sinh viên các trường đại học phía nam thành phố. Năm 2013, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị UBND TP Hà Nội chuyển đổi tòa A3 từ nhà ở sinh viên sang nhà cho người thu nhập thấp để giảm tải áp lực thiếu vốn. Tuy nhiên, cho đến hiện tại dự án trên vẫn còn nhiều đơn nguyên trống, mọc rêu và bỏ hoang theo thời gian. 

Bà Mai, người nhiều năm bán hàng ở khu vực này chia sẻ, bao nhiêu năm nay dự án không hề có sự thay đổi, thi thoảng mới có công nhân làm được một thời gian ngắn rồi lại dừng. Đến bây giờ nhiều chỗ tường đã bong tróc, nhà bỏ không để sắt hoen gỉ thật lãng phí. Bà cho biết, do bỏ không nên nơi đây trở thành chỗ “chui ra, chui vào” của một số người vô gia cư hoặc những đối tượng nghiện ngập thi thoảng đi qua hút chích.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố còn hàng chục dự án khác bỏ hoang từ nhiều năm nay, như dự án nhà ở TĐC N01 - D17 nằm trên phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy); hai tòa TĐC Trần Phú nằm trên đường Khuyến Lương (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai); ba tòa nhà với hơn 100 căn hộ tại khu đô thị mới Sài Đồng, Long Biên… Đặc điểm chung của những tòa nhà này là dù được xây dựng cả chục năm nay nhưng vẫn không có người đến ở khiến những nơi này trở nên hoang phế và xuống cấp.

Vì đâu đến nỗi

Theo các chuyên gia bất động sản, chất lượng xây dựng nhà TĐC quá kém so tiêu chuẩn, chất lượng công trình thiếu quy chuẩn, khi xây dựng không tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư… là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà không người ở, do không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của họ. Bên cạnh đó, khâu đền bù không thỏa đáng do người dân không chấp nhận dẫn đến thất bại và hậu quả là nhà TĐC bỏ hoang.

Ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều tòa nhà chưa được nghiệm thu theo quy định Luật Xây dựng nên chưa đưa vào sử dụng. Nhiều khối nhà TĐC xây dựng chất lượng kém, không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người dân nên dân không chịu đến ở. Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra hiện trường các dự án từ tháng 11-2020 và đã có văn bản đôn đốc UBND các quận tập trung, chủ động phối hợp các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, phối hợp các cơ quan nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy khẩn trương hoàn thành các hạng mục theo quy định… để đưa các dự án trên vào sử dụng.

Trong giai đoạn 2018 - 2021, Hà Nội cần hơn 11.000 căn hộ TĐC nhưng hiện nay số lượng dự án nhà ở TĐC chưa đáp ứng người dân, dù nhu cầu rất lớn. Hiện, Hà Nội đang đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách, xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách dưới hình thức đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để làm nhà TĐC. Tuy nhiên, tình trạng nhà thừa, không ai mặn mà phải đặt câu hỏi về tính hiệu quả của đầu tư công, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng ngân sách nhưng hiệu quả rất thấp.