Ngày về còn những chơi vơi

Tết Nguyên đán đang tới gần, nhu cầu về quê của người dân tăng cao. Tuy nhiên, việc mỗi tỉnh, thành phố đặt ra tiêu chí xét nghiệm, cách ly riêng với người về quê ăn Tết, người đến địa bàn dịp Tết Nhâm Dần 2022 đang gây ra những khó khăn cho nhu cầu chính đáng của người dân.

Về quê đón Tết là ước muốn của rất nhiều người.
Về quê đón Tết là ước muốn của rất nhiều người.

1/Từ xưa tới nay, Tết luôn là dịp sum vầy, đoàn tụ người thân, gia đình. Ai đi xa quê hương, ngày Tết cũng mong được trở về để được sống trong không khí ấm áp tình thân. Thế nhưng, dịch Covid-19 đã làm đảo lộn nhiều thứ, tác động tới cả thói quen ăn Tết, vui Tết và rất nhiều nếp sinh hoạt khác. Nỗi lo cơm áo gạo tiền, quà cáp, dịch bệnh, cách ly… khiến nhiều người vẫn phải đắn đo, trăn trở với câu chuyện về hay ở lại.

Chị Nguyễn Thị Hà, công nhân làm việc tại KCN Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) tâm sự: Em mới đi làm lại được mấy tháng nay. Nói chung vừa mừng, vừa lo. Mừng vì sẽ có thu nhập trang trải cuộc sống, lo vì nguy cơ nhiễm dịch bệnh hiện vẫn tiềm ẩn dù bản thân đã được tiêm hai mũi vaccine. Mấy tháng liền nghỉ dịch nên không có thu nhập, cũng may được chủ nhà trọ miễn cho hai tháng nhà trọ. Dự định Tết 2022 này sẽ về quê đoàn tụ với gia đình, nhưng tình hình khó khăn do dịch nên chị cũng đang suy nghĩ, cân nhắc.

Cũng như năm ngoái, anh Đỗ Đình Trung (quê Phú Thọ) không về quê mà quyết định ở lại. Đây đã là cái Tết thứ ba anh phải xa nhà, một phần vì kinh tế khó khăn, một phần vì những điều kiện cách ly ở quê nhà khiến anh e ngại. “Đi làm xa nhà cũng nhớ chứ, muốn về lắm nhưng mỗi lần về là cả rất nhiều vấn đề đi theo. Thôi thì ở lại thêm một năm nữa vậy, năm sau kinh tế ổn hơn thì về cũng được”, anh nói.

Có thể thấy, đây là tình cảnh chung của nhiều công nhân xa quê đang làm việc ở địa phương hiện có số ca mắc Covid-19 cao nhất khu vực miền bắc. Thế nên, dù tình hình dịch bệnh ở Hà Nội đã được kiểm soát, các nhà máy, xí nghiệp đã hoạt động trở lại, công nhân vui mừng vì có việc làm, nhưng cũng canh cánh nỗi lo khi dịch Covid-19 vẫn luôn tiềm ẩn một cách khó lường. Thời điểm cuối năm, Tết Nguyên đán Nhâm Dần kề cận, câu hỏi năm nay đón Tết ra sao, về quê đoàn viên với gia đình hay ở lại nơi tạm trú, lương, thưởng được bao nhiêu?... là nỗi trăn trở của nhiều người lao động, nhất là với những người xa quê.

2/Thời gian qua, các địa phương bằng cách này hay cách khác đều cố gắng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất số ca nhiễm mới trong cộng đồng. Để thực hiện điều đó, một số những địa phương đã gửi “thư ngỏ”, hoặc ra văn bản “vận động” người dân không về đón Tết. Trong khi đó, có tỉnh yêu cầu xét nghiệm (test nhanh, PCR), cách ly y tế, có tỉnh lại nới lỏng, chào đón người dân về quê sum vầy đón Tết. Điều này đã ít nhiều tác động đến tâm lý, buộc những người xa quê phải cân nhắc thật kỹ lưỡng trước quyết định trở về.

Việc một số địa phương đưa ra những thư ngỏ hay khuyến cáo người dân không nên về quê ăn Tết, dù không phải là cấm nhưng rõ ràng cũng sẽ gây ra những tác động không nhỏ tới tâm lý của mỗi người. Thậm chí không ít người lo sợ rằng, khi về quê sẽ lại làm phiền, thậm chí trở thành gánh nặng, ảnh hưởng họ hàng, người thân tại quê nhà. Về quê ăn Tết tưởng chừng đơn giản nhưng dịch bệnh khiến điều đó trở nên xa vời. Nhớ lại thời điểm năm ngoái, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, hàng triệu người xa xứ đã chấp nhận ở lại nơi mình đang sống để tuân thủ công tác phòng, chống dịch. Đó là cái Tết đặc biệt của hàng triệu người ở lại phố phường vì sự an toàn của gia đình, cộng đồng. Nhưng Tết Nhâm Dần năm nay, phần lớn người dân đã được tiêm vaccine, cả nước đã và đang từng bước thích nghi, sống chung với dịch thay vì đóng cửa, phong tỏa diện rộng như trước.

Qua hai năm chống dịch, ý thức người dân đã nâng lên rất nhiều, nếu không quá cần thiết hoặc xác định nguy hiểm, họ sẽ cân nhắc rất kỹ trước khi trở về. Nhưng nếu phải ở lại thì đó hẳn là một cảm giác rất day dứt, khó chịu. Cái cảm giác phải ăn Tết xa nhà là một trải nghiệm buồn mà có lẽ bất cứ ai cũng không hề mong muốn. Dẫu vậy, người dân cũng không nên chủ quan, bất chấp tất cả để về bởi đây đâu phải cái Tết cuối cùng. 

Trong Công điện ngày 19/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương không đặt ra những yêu cầu không cần thiết cho người dân về quê đón Tết. Do đó, các địa phương thay vì áp dụng những quy định cứng nhắc, nên đưa ra khuyến cáo yêu cầu người dân về quê đón Tết thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, khai báo y tế đầy đủ, thông tin cho chính quyền địa phương. Người dân không rẽ ngang, rẽ dọc và nên chủ động xét nghiệm trước khi về quê để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình, hàng xóm và cộng đồng. Để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, người dân nên hạn chế đi chúc Tết khắp nơi, không tổ chức ăn uống linh đình, tụ tập đông người… Những “thông điệp” này chắc chắn sẽ truyền cảm xúc tích cực cho người dân trong cuộc sống nói chung và trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 nói riêng. Qua đó, giúp người dân đón Tết an toàn, lành mạnh, ấm cúng và trở lại lao động sau Tết vui khỏe, kiểm soát an toàn, thích ứng linh hoạt, phục hồi và phát triển nhanh, bền vững.